Thủ tướng: XDNTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc

Thủ tướng: XDNTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc
Các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, phải luôn nhất quán quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc.

Các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, phải luôn nhất quán quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020 vào tối nay (18/10), tại tỉnh Nam Định.

Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, về đích trước gần 2 năm so với kế hoạch. Bên cạnh 4.665 xã (chiếm 52,4% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 109 đơn vị cấp huyện (chiếm 16,5% số huyện) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chúng ta đã có hai tỉnh Đồng Nai (133/133 xã, 11/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới) và tỉnh Nam Định (209/209 xã, 10/10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới).

Chương trình được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp cả nước, với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, tạo sự chuyển biến lớn cả về lượng và chất đối với làng quê Việt Nam. Nhiều nơi, kết cấu hạ tầng điện đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn được đồng bộ hơn với sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ và nhiều kết quả tốt. Công tác đào tạo nghề cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Đã hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn với 14.800 hợp tác xã, 11.000 doanh nghiệp, 33.000 trang trại hoạt động có hiệu quả.

Thủ tướng trao Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trưng ương, các bộ, ban, ngành có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự là luồng gió đổi mới, tích cực cho sự phát triển toàn diện vùng nông thôn. Đây là sự tất yếu của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân. Những kết quả xây dựng nông thôn mới, những thành tựu phát triển nông nghiệp thời gian qua không thể vượt bậc, tỏa sáng nếu không có phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng cho biết, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình trong lao động sản xuất, trong vận động gia đình và người thân hiến đất, góp công, góp sức tham gia kiến tạo nông thôn. Điển hình là nhân dân xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tích cực tham gia hiến đất mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp; xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng với mô hình vùng chuyên canh nông sản đặc trưng; mô hình xã hội hóa nguồn lực phát triển giao thông nông thôn ở xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; mô hình vận động toàn dân hiến đất gắn với dồn điền đổi thửa tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; mô hình cùng nông dân ra đồng của xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; mô hình người dân chủ động tìm mô hình sản xuất phù hợp, chính quyền địa phương song hành với người dân trong quá trình sản xuất tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng… và rất nhiều sáng tạo khác ở cả 3 miền Trung, Nam, Bắc.

Phong trào thi đua trong gần 10 năm qua đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân với tổng nguồn lực khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, mỗi năm bình quân khoảng 10 tỷ USD đầu tư cho nông thôn mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Phong trào thi đua thực sự trở thành một phong trào có ý nghĩa, đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở địa phương, thu hút được người dân và cộng đồng hăng hái tham gia. Tư duy nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới chuyển biến rõ nét. Nhiều cán bộ thực sự tâm huyết, trách nhiệm cao với phong trào, người dân có ý thức trong xây dựng nông thôn mới. Cho nên bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến, đời sống được nâng lên rõ rệt.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao Huân chương Lao động cho các cá nhân và tập thể. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại buổi lễ hôm nay, Thủ tướng biểu dương những thành tích mà tất cả các tổ chức, cá nhân đã được vinh danh trong 10 năm xây dựng nông thôn mới vừa qua, đặc biệt là những điển hình tiên tiến vinh danh hôm nay, những đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới như các tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương và thành phố Đà Nẵng có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện Hải Hậu (Nam Định), Nam Đàn (Nghệ An), Đơn Dương (Lâm Đồng) và Xuân Lộc (Đồng Nai) được lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Thủ tướng đặc biệt biểu dương các cá nhân điển hình như ông Vàng A Chỉnh, dân tộc Mông, trưởng Bản Sin, Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã vận động dân hiến 4 ha đất, 12.000 ngày công, đóng góp 1,2 tỷ đồng; ông Võ Văn Sáng, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã trực tiếp tổ chức và huy động xây dựng 18 cây cầu bê tông nông thôn, tổng kinh phí 25,7 tỷ đồng, huy động trên 6.000 ngày công tự nguyện; bà Đặng Thị Quý, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội doanh thu trên 1 tỷ đồng năm đã sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm Tốp 130 dự án xuất sắc tại cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”…

Thủ tướng mong muốn các điển hình tiên tiến, các cá nhân và doanh nghiệp tiếp tục phát huy tốt các thành tích đã đạt được, lan tỏa, đóng góp xứng đáng cho việc phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển nông thôn mới phồn vinh, văn minh và cải thiện nhanh hơn đời sống của người dân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng khen của Thủ tướng cho các cá nhân và tập thể. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhấn mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cho rằng: 10 năm đã qua là chặng đường không dài, chúng ta cần tiếp nối con đường này để xây dựng nông thôn khá giả, giàu có và đáng sống.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Kết luận 54 của Bộ Chính trị, Thủ tướng cho biết, sắp tới đây, chúng ta sẽ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; dự kiến phấn đấu đến năm 2025 có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 10% được công nhận là huyện, thị xã nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 19 tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", với tinh thần mới, khí thế mới, tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng yêu cầu đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào nội dung thực hiện kết quả nhiệm vụ chính trị, bình xét thi đua hằng năm của các địa phương; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trong phong trào thi đua, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia phong trào gắn với thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực.

 Đức Tuân/Baochinhphu.vn