Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh lộ trình bao phủ BHYT toàn dân

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa chủ trương thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Đồng thời phải khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế về nhận thức, trách nhiệm ở một số nơi tỷ lệ đạt còn thấp trong thực hiện chủ trương này.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng nay (4/3) tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp để nghe Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”.

Các Phó Thủ tướng: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số Bộ, ngành hữu quan tham dự.

Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 71,6%

Theo báo cáo và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, đến ngày 1/1/2015, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế đã cơ bản được ban hành, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện đồng bộ. 

Tính đến ngày 27/2/2015, đã có 45/63 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai Luật; một số địa phương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Luật BHYT; 18 địa phương còn lại tuy chưa ban hành Kế hoạch hoặc công văn chỉ đạo thực hiện nhưng Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức triển khai các nội dung của Luật đến các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh và Bảo hiểm xã hội các huyện.

Kết quả triển khai Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân đến hết năm 2014 đã đạt tỷ lệ bao phủ 71,6% dân số, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2015 có trên 70% dân số tham gia BHYT, nhưng chưa đạt mục tiêu Quốc hội giao (75%). Quỹ BHYT đã thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhiều đối tượng như người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn… góp phần trực tiếp giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân khi đi khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận các dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, một thực tế nổi lên là một số nhóm đối tượng tham gia BHYT nhưng tỷ lệ thấp, nhất là người thuộc diện hộ cận nghèo (mới chỉ có khoảng 2,5 triệu người tham gia), mới chỉ chiếm trên 40% tổng số người thuộc diện cận nghèo; tiếp đến là các nhóm người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống dưới trung bình, nhóm người lao động thuộc doanh nghiệp tư nhân và nhóm đối tượng tham gia tự nguyện…

Nhận định việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với 30% dân số chưa tham gia khó có thể  đạt mục tiêu bảo phủ toàn dân nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, một số ý kiến đề nghị đưa chỉ tiêu BHYT trở thành chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; các địa phương hỗ trợ 30% mức đóng còn lại để bao phủ BHYT cho 100% người thuộc hộ cận nghèo; khẩn trương ban hành hướng dẫn thực hiện BHYT đối với lực lượng vũ trang; tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất tiến bộ và rất nhân đạo để cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất tiến bộ và rất nhân đạo để cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Đây cũng là công tác thực hiện bình đẳng, tiến bộ và công bằng xã hội. Trung ương đã có Nghị quyết và có chỉ tiêu rõ ràng về tỷ lệ bao phủ BHYT cho từng giai đoạn cụ thể, trong đó phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ bao phủ 75% dân số và đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ 80%. Qua quá trình triển khai thực hiện, đến hết năm 2014, tỷ lệ bao phủ đã đạt được 71,6% dân số (vượt mục tiêu đề án đề ra), đây là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn.

Bên cạnh đó, công tác khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên; người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao; đồng thời những kết quả đạt được trong thực hiện BHYT toàn dân cũng đã góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo, phát triển bền vững và nói rộng hơn nữa là góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội rất cụ thể, người bệnh được khám chữa bệnh và khi có bệnh hiểm nghèo được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất. Đây là mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới. Từ ý nghĩa như thế, những kết quả đạt được là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị.

Phấn đấu đạt chỉ tiêu năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tinh thần chung là đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa chủ trương thực hiện BHYT toàn dân. Khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế về nhận thức, trách nhiệm ở một số nơi quán triệt chưa tốt, chưa ban hành Kế hoạch, tỷ lệ đạt còn thấp trong thực hiện chủ trương này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu quyết liệt hơn để thực hiện cho được các mục tiêu, chỉ tiêu mà Trung ương đã đề ra, trong đó có phấn đấu đến 2020 đạt tỷ lệ bao phủ là 80% dân số. Còn ngay trong năm 2015, Quốc hội có Nghị quyết là 75% thì phải phấn đấu đạt được chỉ tiêu này. Cùng với số lượng, cần phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm cho người tham gia BHYT được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí của người bệnh giảm, đối tượng thụ hưởng rộng lên.

Muốn vậy, trước hết phải đề cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Triển khai thực hiện đi liền với sơ kết, tổng kết, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục vướng mắc phát sinh.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, giải pháp hiện có nhằm tạo mọi thuận lợi trong thực hiện chủ trương về BHYT toàn dân. Nghiêm túc thực hiện BHYT đối với các đối tượng bắt buộc; tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền, vận động để tăng dần tỷ lệ hộ cận nghèo có bảo hiểm y tế (do chỉ mới đạt tỷ lệ 40%), đồng thời vận động, tập trung thực hiện BHYT đối với các đối tượng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo (các đối tượng trung lưu)…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ các bệnh viện trong thực hiện cơ chế tự chủ trên tinh thần để thực hiện tốt hơn chính sách y tế của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục quan tâm đào tạo đội ngũ y bác sỹ; đẩy mạnh việc đưa khoa học công nghệ mới để nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho các đối tượng, trong đó có các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế trong xã hội…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sau cuộc họp sẽ ban hành một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện tốt hơn nữa chủ trương bao phủ BHYT toàn dân trong thời gian tới./.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc
chinhphu.vn