Thủ tướng đồng ý kéo dài chương trình xây nhà vượt lũ giai đoạn 2

Thủ tướng đồng ý kéo dài chương trình xây nhà vượt lũ giai đoạn 2
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2 tổ chức sáng 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho kéo dài Chương trình giai đoạn 2 đến năm 2020.
 
Đồng ý cho kéo dài chương trình đến năm 2020 nhưng Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện tích cực, khẩn trương và hoàn thành chương trình càng sớm càng tốt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ĐBSCL với diện tích 40 nghìn km2, dân số khoảng 17 triệu người, đóng góp 16% GDP cho đất nước, 90% sản lượng gạo và 60% sản lượng thủy sản cho xuất khẩu của cả nước.

Đây là vựa cây ăn trái lớn, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng; là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển, đặc biệt là tiềm năng về phát triển nông nghiệp, thủy sản, gắn với phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, thủy sản, cũng như phát triển các ngành dịch vụ.

Những năm qua, với sự nỗ lực của các địa phương trong vùng, sự hỗ trợ của Trung ương, vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, hiện khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn, mà lớn nhất là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển; các chỉ số về giáo dục-đào tạo, y tế còn thấp.

Cũng từ những hạn chế của giáo dục nên chất lượng nguồn nhân lực thấp. Việc ứng dụng, đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất tuy có cố gắng nhưng còn nhiều hạn chế.

ĐBSCL là vùng thường xuyên úng ngập do lũ. Lũ cũng có 2 mặt, một mặt làm cho đất đai phì nhiêu, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, đem lại nguồn lợi thủy sản phong phú, nhưng mặt khác, lũ lại gây ngập lụt, yêu cầu đặt ra là phải chung sống tốt với lũ một cách an toàn, ổn định và phát triển bền vững.

Từ mặt trái của lũ, chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL đã được chỉ đạo triển khai và đạt được những kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng là vùng được dự báo là sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn. Vì vậy, các tỉnh trong vùng phải năng động, sáng tạo, tìm ra những cách làm phù hợp, khắc phục được hạn chế yếu kém, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển nhanh và bền vững.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong vùng cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm (2011-2015), đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc, tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp. Trong các văn kiện Đại hội phải đề ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể trong khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém của các địa phương, nhất là chỉ tiêu về y tế, giáo dục, mục tiêu khắc phục tình trạng nhà ở của cư dân vùng ngập lũ, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Về xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân ở vùng ngập lũ luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Qua thực hiện chương trình cả 2 giai đoạn, chúng ta đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đây cũng là một chương trình đa mục tiêu, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân vì mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng, hợp tác tích cực của nhân dân; nguồn lực được bố trí kịp thời.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ theo kế hoạch giai đoạn 2 của chương trình đã kết thúc nhưng vẫn còn 8.410 hộ dân thuộc đối tượng của chương trình chưa xây nhà ở và có phát sinh mới một số việc, trong đó, ở nhiều địa phương phát sinh các điểm sạt lở mới.

Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Xây dựng, các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, tại Hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho kéo dài giai đoạn 2 của chương trình đến năm 2020.

Mục tiêu của giai đoạn này là thực hiện tốt phần việc chưa xong; rà soát để xử lý những việc phát sinh, trong đó có đầu tư bổ sung các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn để đảm bảo an toàn cho các hộ dân; tiến hành cân đối, bố trí vốn trong trung hạn.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh mặc dù kéo dài tới năm 2020 song tinh thần chung là phải thực hiện tích cực, khẩn trương và hoàn thành chương trình càng sớm càng tốt.

 

Theo đó, 8.410 hộ dân thuộc đối tượng của chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay 168,2 tỷ đồng sẽ được vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở khi vào ở trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ.

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý cho kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với 25.868 hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo chưa trả được nợ với số tiền trên 226 tỷ đồng; giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu phương án phù hợp hơn để giải quyết nhu cầu ổn định chỗ ở cho các hộ dân vùng ngập lụt và sạt lở mới phát sinh.

 

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh trong vùng phải xem đây là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, để lo cho người dân được vào ở trong các cụm tuyến dân cư và được hưởng những dịch vụ xã hội cơ bản nhất.

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương đều khẳng định chương trình đã mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; tạo cơ sở vật chất ban đầu để thực hiện quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào việc phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL, tạo nên  các khu dân cư có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT… bày tỏ nhất trí cao kiến nghị của Bộ Xây dựng đối với Chính phủ tại hội nghị, đồng thời đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chương trình.
 

 

Thủ tướng trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thục hiện chương trình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc lựa chọn địa điểm, nghiên cứu sâu trong thiết kế, nhất là thiết kế các công trình hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chương trình; lồng ghép tốt chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới với chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ, thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện...
Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc
Theo baodientu.chinhphu.vn