Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận chú ý khai thác lợi thế từ trồng trọt, chăn nuôi, rừng, biển, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hôm nay (18/2), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn công tác đến thăm, chúc Tết và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát biểu kết luận buổi làm việc chiều nay với lãnh đạo chủ chốt tỉnh này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược đối với Bình Thuận là phải đặc biệt chăm lo phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. 
 

 

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, tuy phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, song nhìn chung, tình hình kinh tế xã hội của Bình Thuận trong năm 2012 tiếp tục ổn định và có chuyển biến tích cực. Nổi rõ là kinh tế tăng trưởng 8,8% gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngay cả khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, nhờ phát huy hiệu quả đầu tư các công trình thủy lợi gắn với ứng dụng khoa học công nghệ nên sản xuất nông nghiệp của Bình Thuận cả về diện tích, năng suất và sản lượng đều tăng. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, lượng khách trong và ngoài nước tăng mạnh với thời gian lưu trú dài hơn nên doanh thu cũng tăng cao hơn so với năm 2011. Các chính sách an sinh xã hội được Bình Thuận triển khai nghiêm túc và kịp thời, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn khoảng 5%.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, cải cách thủ tục hành chính,  giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí ở Bình Thuận cũng chuyển biến tích cực, riêng tai nạn giao thông giảm trên 10% cả số vụ, số người chết và bị bị thương...vvv. Một trong những khó khăn lớn nhất của tỉnh Bình Thuận hiện nay đó là hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về thủy lợi vẫn chưa đáp ứng được tiến trình phát triển của địa phương.

Đồng chí Huỳnh Văn Tí, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận dẫn chứng: “Nếu chỉ có Hồ sông Dinh Ba thì mùa cạn không có nước. Tích được nước hồ này không chỉ có khu công nghiệp Sơn Mỹ Hàm Tân mà còn 3 huyện Hàm Tân, La Gi, Hàm Thuận Nam có nước. Với 11 km kênh, tổng đầu tư là 377 tỷ đồng, nếu có con kênh này mở ra cộng với sông Dinh Ba, vùng Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, La Gi sẽ vực dậy vùng này cả về nông nghiệp, du lịch và công nghiệp”.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những thành tựu khá toàn diện mà tỉnh Bình Thuận đạt được trong năm qua, không chỉ thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, cải thiện đời sống nhân dân mà còn tạo ra thế và lực mới để Bình Thuận tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Bày tỏ đồng tình với 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà tỉnh Bình Thuận đề ra và quyết tâm phấn đấu thực hiện trong năm nay, Thủ tướng nêu rõ không có cách nào khác trước hết là phải khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với tập trung khắc phục những hạn chế yếu kém để phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Con đường những năm qua chúng ta đã đi đúng hướng, được lòng dân, nhân dân đồng tình ủng hộ. Chủ trương chính sách của Đảng được Bình Thuận cụ thể hóa và rất hiệu quả. Nhưng so với yêu cầu, so với điều kiện mà chúng ta có thì có thể làm tốt hơn. Tiềm năng nông nghiệp của tỉnh còn lớn như cây lúa, cây thanh long, cao su, nghề cá... Chúng ta cầnhđẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư thêm thủy lợi, mở thị trường, tăng thêm dịch vụ, tăng thêm giá trị gia tăng. Tôi muốn nhấn mạnh, khai thác tiềm năng lợi thế của mình là từ nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, rừng, biển, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tôi cho đây là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt của tỉnh nhà”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân tích rõ triển vọng phát triển mạnh công nghiệp của tỉnh Bình Thuận, nhất là Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển Bình Thuận trở thành Trung tâm điện năng cho cả khu vực với công suất lên tới 9.600 MW, tương đương hơn 50 tỷ kwh điện với giá trị sản lượng điện lên tới 75.000 tỷ đồng/năm. Chính phủ cũng đang định hướng phát triển ngành công nghiệp mới mang tính chiến lược lâu dài cho đất nước, đó là xây dựng Trung tâm quặng Tital tại Bình Thuận tầm cỡ khu vực và thế giới.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tiếp tục có cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là du lịch gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lao động có năng suất, trình độ và có khả năng làm ra giá trị gia tăng cao; tiếp tục quan tâm phát triển y tế, giáo dục, giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đoàn kết nhất trí cùng chung sức thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra …

Chia sẻ khó khăn lớn nhất hiện nay của tỉnh Bình Thuận là hạ tầng vẫn chưa đáp ứng đươc nhu cầu phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: cả Trung ương và địa phương tiếp tục nỗ lực tính toán phương thức và các nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh hạ tầng giao thông và thủy lợi thiết yếu, trong đó cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Dầu Giây đi Phan Thiết, nâng cấp Quốc lộ 1, mở rộng bến cảng Vĩnh Tân, ngay cả tính toán quy hoạch và kêu gọi xã hội hóa thu hút đầu tư để mở sân bay phục vụ quá trình phát triển của địa phương…

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã định hướng giải quyết nhiều kiến nghị của tỉnh Bình Thuận nhằm giúp địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững. Nhân dịp đầu năm mới Quý Tỵ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới Đảng bộ, chính quyền và bà con các dân tộc tỉnh Bình Thuận.

Nhân dịp về thăm, làm việc tại tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Bình Thuận và thăm khu Di tích trường Dục Thanh nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và dạy học năm 1910 trước lúc Người vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước. Ghi lưu bút tại khu Di tích trường Dục Thanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Nguyện học tập và làm theo tấm gương tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đến kiểm tra Công trình thủy lợi sông Quao. Với 73 triệu m3 nước, công trình này đang làm nhiệm vụ cung cấp nước cho hơn 8.000 ha thuộc huyện Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết./.