Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
- Thứ hai - 30/07/2018 21:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt hàng: "Trong 10 năm tới ngành nông nghiệp VN phải đứng thứ 15 thế giới, là nơi chế biến nông sản đứng thứ 10 thế giới".
Tại hội nghị toàn quốc "Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp" tổ chức ngày 30.7, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt hàng: "Trong 10 năm tới ngành nông nghiệp VN phải đứng thứ 15 thế giới, là nơi chế biến nông sản đứng thứ 10 thế giới".
Chỉ 8% Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện VN đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 13 thế giới về xuất khẩu nông sản. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó dẫn đầu là thủy sản với 8,3 tỉ USD, tiếp đó hạt điều 3,5 tỉ USD, rau quả 3,5 tỉ USD, cà phê 3,24 tỉ USD, gạo 2,6 tỉ USD, hạt tiêu 1,1 tỉ USD...
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Dalat GAP, một trong 5 DN đầu tiên cả nước được Bộ NN-PTNT chứng nhận là DN nông nghiệp công nghệ cao, cho rằng vấn đề khó khăn nhất đối với DN hiện nay là vốn đầu tư. Đầu tư nhà kính trồng rau công nghệ cao đạt chuẩn xuất khẩu cần từ 1,8 - 2,2 tỉ đồng/ha. Để mở rộng sản xuất Dalat GAP và các DN ở Đà Lạt phải vay thế chấp với lãi suất từ 8 - 8,5%. Dù Nghị định 55/2015/NĐ-CP ban hành từ năm 2015 nhưng đến nay các DN vẫn chưa được vay ưu đãi, chưa kể hệ thống nhà kính, máy móc thiết bị đắt tiền vẫn không được các ngân hàng cho thế chấp. Ngân hàng chỉ cho thế chấp sổ đỏ nhưng tính giá đất theo giá nhà nước rất thấp, trong khi thị trường đất giá cao hơn nhiều lần.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN cho rằng ngành nông nghiệp VN đang đối mặt với 3 thách thức lớn gồm: chuỗi giá trị nông nghiệp đang phân tán, rời rạc; đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ; giá trị đầu tư vào toàn nông nghiệp cũng còn khiêm tốn, hạn chế. Đại diện WB gợi ý Chính phủ cần đóng vai trò tích cực để tăng cường chính sách và đối thoại để có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp rõ ràng; tạo niềm tin để DN duy trì hoạt động đầu tư nông nghiệp; hỗ trợ phát triển liên kết giữa các hoạt động đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân địa phương; có biện pháp để giảm chi phí thương mại.
Điều chỉnh chính sách thuế với DN đầu tư vào nông nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhận định thành công lớn lao của nông nghiệp VN, trong đó có nhiều tập đoàn lớn chuyển sang đầu tư lĩnh vực nông nghiệp là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thu nhập từ nông nghiệp chỉ chiếm 18% GDP, các DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 8% tổng số DN là quá khiêm tốn. Do đó, cần sớm tổ chức lại sản xuất, ứng dụng KHCN, tiếp tục hoàn thiện thể chế lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thủ tướng nhấn mạnh: “DN phải là “hạt nhân” của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thu hút đầu tư, nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp”.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần cải cách hành chính, giảm 50% các thủ tục hành chính (từ 500 giảm xuống còn 250 thủ tục), tạo điều kiện để các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi luật Đất đai theo hướng tạo điều kiện cho DN có mặt bằng xây dựng trụ sở, hạ tầng phục vụ sản xuất, nhận chuyển nhượng và thuê đất của hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, để tăng số tiền cho vay đối với các hộ sản xuất và DN đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể nhà kính nhà lưới, máy móc thiết bị... được tính là tài sản thế chấp. Thủ tướng chỉ đạo: “Các cấp chính quyền phải “tuyên chiến” với tín dụng đen ở nông thôn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi. Sớm điều chỉnh chính sách thuế đối với các DN đầu tư vào nông nghiệp. Mặt khác, cần làm tốt liên kết các nhà: nhà nông, nhà nước, nhà băng (ngân hàng), nhà khoa học, nhà phân phối...”.
Thủ tướng chỉ đạo ngay sau hội nghị này, Bộ KH-ĐT chủ trì cùng Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, các cơ quan liên quan và Văn phòng Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với lộ trình và giải pháp cụ thể, nhất là các cơ chế chính sách, giải pháp mới, đột phá để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, trình Chính phủ để sớm ban hành.
Đà Lạt phải trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn Chiều 30.7, tại TP.Đà Lạt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh trong thời gian qua, nhất là về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, xây dựng thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, quảng bá hình ảnh Đà Lạt - Lâm Đồng hiền hòa, mến khách… Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần khắc phục ở địa phương này, như: tình trạng “cò đặc sản” làm xấu hình ảnh Đà Lạt; nhiều sản phẩm nông sản của địa phương bị pha trộn, “khoác áo mới” gây mất niềm tin của người tiêu dùng; cơ sở hạ tầng giao thông ở Đà Lạt chưa đáp ứng mùa du lịch cao điểm... Thủ tướng nhấn mạnh Lâm Đồng phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch; phải làm sao để Đà Lạt trở thành địa chỉ du lịch thực sự hấp dẫn, để du khách quay lại. "Đà Lạt là thành phố mộng mơ, là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng, nhưng hiện trung bình lưu trú của khách chỉ đạt khoảng 2,5 ngày, “chớp nhoáng” như vậy làm sao du lịch đột phá? Vì vậy, phải làm sao để Đà Lạt trở thành bộ mặt của cả nước, của ASEAN và châu Á, chứ không chỉ là của Lâm Đồng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Gia Bình |
Lâm Viên -Gia Bình/thanhnien.vn