Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn cho rằng việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao bởi phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Do vậy, cách duy nhất là đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì mới có thể thay đổi bức tranh nông nghiệp lạc hậu và lối tư duy cũ trên.
Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

CôngThương - Đó là chia sẻ kinh nghiệm thành công của bà Thái Hương- Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á- chủ của thương hiệu sữa TH True Milk trong đầu tư nông nghiệp theo công nghệ cao, tại diễn đàn “Ứng dụng công nghệ cao Phát triển Nông nghiệp nông thôn thông qua đối tác Công tư” ngày 3/8 tại Hà Nội. Hiện Tập đoàn TH đang phát triển Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Doanh nghiệp “thờ ơ” với nông nghiệp

Thực tế, Việt Nam với hơn 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, đóng góp 20% GDP nhưng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, đặc biệt, khó khăn lớn nhất và cơ bản nhất của nông nghiệp nước ta là sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, lại chia thành nhiều mảnh, khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung.

Nhằm gia tăng hiệu suất và giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) từ nay đến năm 2020. Trong đó, trọng tâm là các doanh nghiệp nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 10 đến 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Cao Đức Phát, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trong những năm qua đã có bước tiến mới, tạo đột phá giúp tăng tính cạnh tranh, chuyển nền nông nghiệp nước ta theo số lượng là chủ yếu sang nền nông nghiệp chất lượng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác.

Thời gian qua, mô hình “Đối tác Công tư” đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư tư nhân theo hướng tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Thực tế, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ áp dụng công nghệ trong ngành đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao.

Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Điển hình, các DN đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu là do nông dân tự đứng ra làm chủ hoạt động với quy mô "cò con". Vốn ít, áp dụng công nghệ cũ, sử dụng trang thiết bị thủ công, nhà xưởng chế biến và kho cất trữ nông sản sơ sài, tạm bợ.

Sở dĩ, doanh vẫn “thờ ơ” đầu tư vào lĩnh vực này, theo bà Thái Hương, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cho rằng việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao bởi phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm, do đó, DN không muốn mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này mà chủ yếu tham gia vào các kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn và thu hồi vốn nhanh (như chứng khoán, bất động sản, dịch vụ…).

Khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Để phát triển bền vững, tăng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp theo tinh thần tái cơ cấu của ngành nông nghiệp thì “điều kiện thiết yếu phải đầu tư công nghệ cao và đưa vai trò chủ lực của doanh nghiệp trong quá trình này”- bà Thái Hương chia sẻ bài học của Ngân hàng Bắc Á đầu tư công nghệ cao vào sản xuất sữa TH True Milk.

Bí thư tỉnh Nghệ An- Phan Đình Trạc cho biết, dư địa tăng trưởng nông nghiệp rất lớn nếu xây dựng nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt đưa doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp sẽ hạn chế được tác động không thuận lợi của thiên tai, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại lợi nhuận cho người nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Bộ- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay doanh nghiệp rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất mà họ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ, không quan tâm đến toàn chuỗi sản xuất.

 Do vậy, theo ông Bộ, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực.... để doanh nghiệp quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Cần tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất. Với đầu tư thiết bị, máy móc cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, không tính theo năm mà tính theo mùa vụ sản xuất.

Khi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, họ sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bà Thái Hương đề xuất, Chính phủ cần ban hành những chính sách khác biệt trong vòng 3-5 năm để khích lệ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo tinmoi