Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ

Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, việc sử dụng hơn 11 triệu tấn phân bón hóa học các loại hằng năm, đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng suất nhiều loại cây trồng thuộc loại cao trên thế giới. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón vô cơ, hóa chất, đã và đang làm giảm chất lượng nông sản, thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học, sức khỏe con người bị ảnh hưởng...

Do vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang có cơ hội trở lại, được người sử dụng đón nhận. Nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bước đầu được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Hiện cả nước mới có hơn 30 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với diện tích vài trăm nghìn héc-ta... Sự hạn chế này cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất cần có sự quan tâm hơn, từng bước giúp nông dân chuyển dần từ thói quen sử dụng phân bón vô cơ, lạm dụng thuốc hóa học, sang phân bón hữu cơ, để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm chất lượng, an toàn nông sản và bảo vệ môi trường.

Để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành và công bố bộ Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ quốc gia (TCVN 11041:2017), với các tiêu chuẩn liên quan sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; trồng trọt hữu cơ và chăn nuôi hữu cơ. Phạm vi chứng nhận thực phẩm theo Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ quốc gia bao gồm: rau, trái cây, lương thực, chè, thảo dược, gia súc, gia cầm và trứng gia cầm hữu cơ, ong nuôi và sản phẩm ong, vận chuyển, bảo quản, sơ chế và chế biến thực phẩm hữu cơ…

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, trong đó quy định cụ thể chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, ưu tiên kinh phí nghiên cứu khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ, hoặc vật tư đầu vào phục vụ sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư. Trong đó hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, gồm điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí, do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Cùng nhiều cơ chế chính sách khác về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất, chi phí giống kháng sâu bệnh, sử dụng phân bón hữu cơ… góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn hướng vào thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới, cùng sự đón nhận và hỗ trợ tích cực của cộng đồng xã hội, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ phát triển mạnh.

 

DŨNG MINH/http://nhandan.com.vn