Thực hiện Luật HTX: Việc chuyển đổi còn gặp nhiều khó khăn
- Thứ ba - 27/12/2016 05:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 1/7/2016 là thời điểm cuối cùng để các HTX thành lập trước đây hoạt động không phù hợp với quy định của Luật HTX phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác. Thưa ông, đến thời điểm này cả nước có bao nhiêu HTX đã chuyển đổi?
Ngày 4/4/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 2515/BKHĐT-HTX về tăng cường công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong đó đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, sơ kết việc tổ chức lại, chuyển đổi HTX, báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp cụ thể gừi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 1/7/2016 để chúng tôi tổng hợp, đưa ra phương án xử lý thích hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều địa phương chưa gửi báo cáo, hoặc báo cáo chưa đầy đủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đôn đốc các địa phương khẩn trương gửi báo cáo và tiến hành tổng hợp tình hình tổ chức lại, chuyển đổi hợp tác xã theo Luật HTX năm 2012.
Mặc dù chưa có con số báo cáo chính thức, nhưng ông ước lượng tỷ lệ HTX đã chuyển đổi theo đúng luật hiện nay vào khoảng bao nhiêu?
Theo phản ánh của một số bộ, ngành, địa phương thì việc triển khai thi hành Luật HTX còn gặp nhiều khó khăn lúng túng, tiến độ tổ chức lại HTX còn chậm.
Cụ thể, theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, cả nước mới chuyển đổi được 6.991 HTX, chỉ chiếm 39% tổng số HTX cần chuyển đổi, đăng ký lại. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2015, cả nước có 10.426 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì chỉ có 977 đơn vị đã chuyển đổi và 1.787 đơn vị đang làm thủ tục chuyển đổi, còn lại 7.662 đơn vị chưa chuyển đổi.
Có 2 nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ này. Thứ nhất, việc triển khai Luật tại các bộ, ngành, địa phương chưa thật tích cực, sâu rộng; việc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn mới chỉ đến được cán bộ quản lý HTX mà chưa đến được tới xã viên, cán bộ quản lý nhà nước và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, việc tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích, quyền và nghĩa vụ của người dân khi tham gia kinh tế tập thể để họ tự nguyện tham gia, đóng góp tích cực cho sự tồn tại và phát triển của kinh tế tập thể chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ hai là, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa được kiện toàn, công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể bị buông lỏng trong thời gian dài, phần lớn các địa phương chưa thành lập và phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Chưa có hệ thống cơ quan quản lý nhà nước thống nhất, xuyên suốt, chuyên trách chịu trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu xây dựng, triển khai chính sách của Nhà nước, cũng như thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể.
Bỏ qua nguyên nhân chủ quan, việc chậm chuyển đổi liệu có nguyên nhân từ chính sách không, thưa ông?
Cuối năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật HTX. Triển khai Nghị định này, về cơ bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể đã ban hành đẩy đủ hướng dẫn. Thậm chí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 từ tháng 12/2014 với rất nhiều sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho HTX như bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của HTX… Như vậy có thể khẳng định, việc chậm chuyển đổi không có nguyên nhân từ chính sách.
Còn có một nguyên nhân nữa là một số đơn vị làm ăn hiệu quả, hoạt động không khác gì doanh nghiệp nhưng vẫn cứ muốn hoạt động dưới mô hình HTX nên không chịu chuyển đổi, đơn cử như Saigon Coopmart?
Loại hình kinh doanh nửa doanh nghiệp nửa HTX này còn không ít. Như trường hợp của Saigon Coopmart, bất cứ ai muốn tham gia chỉ cần bỏ ra một số tiền rất nhỏ, sẽ được cấp thẻ thành viên. Thành viên khi đi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của Saigon Coopmart được giảm giá. Như vậy, Saigon Coopmart hoạt động theo đúng Luật HTX là thành viên tự nguyện, chấp hành điều lệ, góp vốn, và sử dụng dịch vụ. Nhưng những thành viên này không được tham gia họp đại hội thành viên, không có quyền biểu quyết các vấn đề lớn của Saigon Coopmart như bầu Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo; kế hoạch, chiến lược phát triển… Tức là Saigon Coopmart hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật HTX. Với các trường hợp này, nếu vẫn muốn là HTX thì cần tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật, nếu không thực hiện thì nên chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc mô hình khác cho phù hợp với bản chất.
Nếu hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 được Bộ Tài chính thông qua, ông có nghĩ rằng việc chuyển đổi, phát triển HTX cũng khó có chuyển biến mạnh mẽ vì nhiều quy định không hợp lý?
Theo dự kiến của Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của HTX đối với hướng dẫn viên, cộng tác viên không phải là cán bộ, công chức là 15.000 đồng/giờ (cán bộ, công chức là 30.000 đồng đến 70.000 đồng/buổi); chi phí đi lại tối đa 15.000 đồng/ngày. Thù lao, phụ cấp tiền ăn, tiền phương tiện đi lại, thuê phòng nghỉ cho giảng viên, báo cáo viên bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX thực hiện theo mức chi quy định từ… năm 2010.
Mức thù lao, bồi dưỡng cho hướng dẫn viên, cộng tác viên, báo cáo viên, giảng viên chưa bằng công của người lao động đi phụ hồ, gặt thuê, “cửu vạn”… và quá lạc hậu so với tình hình thực tế hiện nay thì khó có thể khuyến khích những người có kinh nghiệm, tâm huyết, hết lòng vì sự phát triển của kinh tế tập thể.
http://baodautu.vn/