Thực hiện Nghị quyết Đảng, Tam Phúc tiếp tục “nở hoa, đơm trái”
- Thứ hai - 05/09/2016 03:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ra quân vệ sinh môi trường ngày Môi trường thế giới.
Sạch đẹp, no ấm
Đó là cảm nhận rõ rệt của chúng tôi khi đến Tam Phúc, sau ngày hoàn thành Chương trình XDNTM đến nay.
Có lẽ nên bắt đầu từ việc rất nhức nhối ở nông thôn: rác thải. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Vệ sinh môi trường Tam Phúc, chị Hoàng Thị Mến cho biết, HTX thành lập năm 2012, trước đó chỉ là tổ gom rác. “Đây là công việc nặng nhọc, lương thấp, lại ảnh hưởng đến sức khỏe nên không ai muốn làm. Nếu không có sự động viên, hỗ trợ của cấp ủy Đảng, Hội Phụ nữ, thì Tam Phúc không có môi trường và không gian như hôm nay”, chị Mến nói.
Khởi đầu từ việc người dân bức xúc: Làng, xã đều đạt danh hiệu văn hóa mà để rác ngập đường, bốc mùi hôi thối quanh năm, chị Mến chia sẻ. Rồi chị “phát tâm” 2 ngày, chuyển rác chất đống, lưu cữu từ thôn lên bãi tập kết của xã. Thấy nghĩa cử cao đẹp của chị, trưởng thôn đã đến trợ giúp; tiếp theo là Đảng ủy xã vào cuộc, cử 6 người/6 thôn làm vệ sinh môi trường, với thù lao 250.000 đồng/người/tháng.
Sau khi hoàn thành XDNTM, vấn đề rác thải càng được quan tâm hơn. Ở các thôn đã có thùng nhựa đựng rác, ngoài số tiền 200 triệu đồng, phí môi trường hàng năm của Nhà nước, còn có tiền dịch vụ rác 2.000 đồng/khẩu/tháng hỗ trợ HTX; nâng mức lương của 21 thành viên lên 2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, những công việc vất vả như vớt rác lưu cữu hàng năm trong các kênh mương của 6 thôn được xã hỗ trợ 120.000 - 150.000 đồng/người/ngày. “Bây giờ thì thôn nào cũng khang trang sạch đẹp, điều làm chúng tôi phấn khởi là sự động viên, chia sẻ kịp thời của Đảng ủy, chính quyền địa phương mà trực tiếp là Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã, bà Trần Thị Huệ. Là phụ nữ, nên bà thấu hiểu khó khăn, vất vả của chúng tôi, nhất là việc quan tâm sức khỏe người lao động đặc thù, vì vậy, tất cả thành viên HTX đều được hỗ trợ BHYT. Ngày lễ, Tết được quan tâm chu đáo, sự động viên đúng người, đúng việc như vậy đã khích lệ chúng tôi rất nhiều”, chị Mến tâm sự.
Trưởng thôn Ngược Phù Lập, ông Đỗ Văn Xin, cho biết, hàng tháng, ông được tham gia giao ban với Chủ tịch UBND xã, nắm được chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, ông đã đi đầu và từng bước vận động bà con làm theo. Kết quả là, 7 sào chuyên sản xuất lúa năng suất thấp được chuyển sang trồng ớt, dưa lê, dưa chuột, hiệu quả cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Đầu ra khá rộng mở, ví như ớt chỉ thiên bán tại chợ Thổ Tang; dưa lê, dưa chuột, khách đến lấy tại nhà hoặc bỏ mối trong huyện; doanh thu lãi ròng 100 - 120 triệu đồng/năm. Từ thành công của ông, bà con trong thôn đã mạnh dạn làm theo và bước đầu có thu nhập khá.
Do địa phương thuần nông nên xã rất chú trọng công tác sản xuất; theo đó, cả 3 vụ/năm đều được hỗ trợ kinh phí diệt chuột; hỗ trợ giá giống. Các lớp học, tập huấn khuyến nông, khuyến ngư… tổ chức ở Nhà văn hóa thôn được miễn phí tiền điện, nước. Vì vậy, lĩnh vực nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 tăng 10,5% so cùng kỳ 2015. Năng suất lúa ước đạt 68 tạ/ha, cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Sản lượng lương thực quy thóc ước đạt 1.200 tấn, tăng so cùng kỳ năm 2015 là 6,7 tấn; các cây trồng khác như lạc, rau màu các loại đạt diện tích 23,45ha. Triển khai một số mô hình trình diễn có giá trị kinh tế cao như: lúa thiên ưu 8, HT1, RVT; dưa, ớt các loại... đạt năng suất khá cao. Ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm tăng 12%. Tổng đàn trâu, bò 240 con, giảm 4 con so năm 2015; nuôi thủy sản giữ vững ổn định 48 hộ, đạt 100% kế hoạch.
Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác như: y tế, văn hóa, giáo dục… cũng đạt kết quả tốt. 6 tháng đầu năm 2016, đã có 1.164 người được khám - chữa bệnh; duy trì 6 sân bóng chuyền tại 6 nhà văn hóa thôn để người dân, nhất là chị em phụ nữ thư giãn sau 1 ngày lao động nặng nhọc, giữ gìn sức khỏe và hạnh phúc gia đình tốt hơn. Ngành giáo dục cả 3 cấp học có 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có 48 học sinh giỏi đoạt giải tại các sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, tăng 13 em so với năm trước…
Công việc cả giai đoạn…
Mô hình nuôi lợn của Hội phụ nữ Tam Phúc.
Là người phụ trách mảng nông nghiệp, nông thôn, lại là nữ, nhưng bà Trần Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Phúc có phong cách như nam giới: thẳng thắn, trung thực, phản biện tốt, chỉ đạo công việc sát sao.
Trao đổi với chúng tôi, bà Huệ cho biết: “6 tháng đầu năm 2016 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, Tam Phúc đã chỉ đạo công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, với 100% cử tri đi bỏ phiếu. Ngay sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 -2020, BCH khoá mới đã xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm Ban chấp hành, Ban Thường vụ. Làm rõ mối quan hệ công tác giữa Đảng uỷ, UBND, MTTQ và các đoàn thể. Cụ thể hoá nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xác định thẩm quyền người đứng đầu cấp uỷ với các đoàn thể. Quy định lịch làm việc Ban chấp hành (13 đồng chí), họp vào ngày cuối tháng để thống nhất công việc. Ngày 5 đầu tháng giao ban cùng các trưởng thôn; ban ngành: địa chính, kế toán, công an, quân sự, văn hóa… để bàn bạc công việc trong tháng”.
Bà Huệ cho biết thêm, công tác Đảng, chính quyền không gói gọn trong từng năm mà phải có tầm nhìn cả giai đoạn. Theo đó, công tác xây dựng Đảng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa giá trị cao; ưu tiên công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Xây dựng đời sống văn hóa - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, an ninh chính trị; chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Phấn đấu hàng năm có 100% chi bộ, Đảng bộ đạt trong sạch - vững mạnh; gắn công tác Đảng với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; cụ thể, tăng giá trị sản xuất bình quân 12-14%/năm. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2020 theo hướng: Nông nghiệp chiếm tỷ trọng 25%, xây dựng, CN-TTCN 50%, TMDV 25%. Đến năm 2020, thu nhập bình quân trên 1ha canh tác đạt 120 triệu đồng/năm; bình quân thu nhập đầu người 44 - 46 triệu đồng/năm.
Cải thiện điều kiện nhà ở, đi lại, học hành, chữa bệnh và mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân, khuyến khích làm giàu chính đáng. Giải quyết việc làm mới cho 40-50 lao động/năm; giảm hộ nghèo 1-2 hộ/năm, phấn đấu đến 2020 còn 2,4% hộ nghèo. Tỷ lệ sử dụng điện, nước sạch hợp vệ sinh, nhà đáp ứng tiêu chuẩn “3 cứng” (tường, nền cứng; mái ngói) đạt 100%. Duy trì chất lượng phổ cập giáo dục đã đạt, giữ vững phổ cập trung học. Đảm bảo trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1 đạt 100%; giữ vững chuẩn quốc gia về y tế; đưa tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống 8%... Số hộ đạt gia đình văn hoá trên 90%; thôn văn hoá 100%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thu gom, xử lý rác thải 95%. Trong nhiệm kỳ phát triển 30-35 đảng viên; 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 70% hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 70% chi bộ trực thuộc đạt trong sạch - vững mạnh, không có chi bộ yếu kém.
Đặc biệt, XDNTM có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại. Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Cải thiện môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ vững, phát triển và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, đảm bảo được công nhận lại sau 5 năm.
Theo: Trần Huệ - An Như/kinhtenongthon.com.vn