Thực hiện dân chủ cơ sở, góp phần xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hải Dương
- Chủ nhật - 19/08/2012 12:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cả hệ thống chính trị quyết tâm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, bồi dưỡng nông dân
Ngay khi Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 30-CT/TƯ, ngày 18 -2 - 1998, về việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tiếp đó Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg, ngày 21-9-2000, về tăng cường công tác dân vận, cả hệ thống chính trị của tỉnh Hải Dương đã tích cực bắt tay thực hiện các văn bản nêu trên. Toàn tỉnh tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, thôn, khu dân cư về Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Tỷ lệ đảng viên tham gia học tập ở xã, phường, thị trấn đạt từ 80% - 90%; đoàn viên, hội viên của các đoàn thể, hội quần chúng đạt từ 70% - 80%.
Về bộ máy, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ (QCDC) từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn được thành lập và kiện toàn, do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư đảng ủy làm trưởng ban. Tất cả các xã, phường, thị trấn, đã tiến hành rà soát, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy chế, quy định trên các lĩnh vực như: quy chế làm việc của đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc (HĐND, UBND, MTTQ) và các đoàn thể nhân dân; quy chế quản lý, sử dụng đất đai; quy ước, hương ước thôn, làng văn hóa... (bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có từ 13 đến 18 quy định, quy chế).
Về cơ chế, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, được tiến hành ở 3 cấp bắt đầu từ năm 2004 đến tận 263 xã, phường, thị trấn. Việc thực hiện tập trung vào giải quyết các thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực có liên quan đến tổ chức và công dân như: cấp phép xây dựng, quản lý đất đai, công chứng, chứng thực, thực hiện chính sách xã hội. Nhìn chung, việc thực hiện đúng quy định, đúng thời gian, một số lĩnh vực còn rút ngắn thời gian so với quy định. Ngày 16-7-2009, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố thủ tục hành chính dùng chung cho cấp huyện và xã.
Về các nội dung thông báo công khai, tập trung chủ yếu vào các vấn đề: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương; các quy định về thủ tục hành chính, kết quả xét những người được hưởng chế độ ưu đãi, người có công với cách mạng..., thực hiện thông qua các hình thức: niêm yết tại trụ sở UBND, tiếp xúc cử tri, họp HĐND, đoàn thể, họp thôn, tổ dân phố, thông tin trên đài phát thanh...
Những vấn đề nhạy cảm, dễ gây thắc mắc, bức xúc trong nhân dân như: danh sách những người đấu thầu đất, diện tích, giá tiền, địa điểm các lô đất đã đấu giá để xây dựng danh mục nâng cấp kết cấu hạ tầng địa phương..., được các địa phương niêm yết công khai. Đối với những khoản đóng góp của nhân dân như các loại thuế, quỹ theo quy định của tỉnh, được địa phương in thành phiếu gửi tới từng hộ gia đình để đối chiếu trước thời hạn quy định giao nộp 10 ngày.
Tháng 5-2008, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước (Ban Dân vận Trung ương), tiến hành khảo sát việc thực hiện QCDC và tình hình tham nhũng, lãng phí ở 4 xã thuộc hai huyện Nam Sách, Thanh Hà. Kết quả cho thấy: các nội dung công khai để nhân dân biết ở xã, thôn đạt tỷ lệ bình quân 81%, trong đó nội dung thấp nhất là công khai các khoản tài trợ, viện trợ (70%) và cao nhất là công khai các thủ tục hành chính (92,5%).
MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các mặt công tác, giữ vững vai trò dân chủ đại diện cho nhân dân; chủ động lồng ghép nội dung hoạt động với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đem lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, hội viên; phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức vận động nhân dân thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Những chuyển biến trên các lĩnh vực của nông thôn và đời sống nhân dân
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả bước đầu. Tỉnh đã thực hiện quy hoạch xây dựng NTM ở tất cả các xã trong tỉnh. Đối với những xã thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 1, đến nay có 32 xã đã được phê duyệt quy hoạch chung, 11 xã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, 14 xã được phê duyệt đề án NTM, một số xã đã đạt thêm được một số tiêu chí NTM. Năm 2012, nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh bố trí trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM là 144 tỷ 707 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình giao thông, nước sạch, vệ sinh nông thôn, kiên cố hóa kênh mương và một số công trình hạ tầng thiết yếu của các xã là 126,9 tỷ đồng. Các dự án đầu tư hạ tầng đang được triển khai thực hiện.
Việc hỗ trợ phát triển cho nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua như: kiên cố hóa kênh mương; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; làm đường giao thông nội đồng …, đã được tỉnh đặc biệt quan tâm và việc hỗ trợ cho những nội dung này đã thực sự đem lại những hiệu quả thiết thực, cải thiện đời sống người dân.
Mỗi ngày, đài truyền thanh xã tăng thêm từ 3-5 phút phát thanh chương trình xây dựng NTM. Mỗi tháng, xây dựng 1 chương trình chuyên về NTM, chuyển tải những thông tin như việc xây dựng quy hoạch, làm đường, đóng góp của nhân dân cho chương trình xây dựng NTM…
Nhằm tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân để huy động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả phát triển văn hóa nông thôn, ngày 10-10-2011, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1824/KH-BCĐ, về triển khai Đề án “Phát triển văn hoá nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Khơi dậy và tổ chức nhân dân hướng vào thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, thông qua việc dân bàn và quyết định trực tiếp, bằng hình thức họp thôn, tổ dân phố hoặc phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình, tạo sự đồng tình, thống nhất cao trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định, nên khi tổ chức thực hiện đều đạt kết quả tốt.
Nhân dân đã bàn bạc dân chủ, tự nguyện đóng góp xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng và các công trình phúc lợi, với tổng số tiền trên 2.126 tỷ đồng, trong đó: 1.731,32 tỷ đồng cho xây dựng điện, đường, trường, trạm, công trình văn hóa, bê-tông hóa 3.728,5 km đường nông thôn, cứng hóa 1.130,6 km kênh mương, xây dựng nhà đại đoàn kết trị giá 34 tỷ đồng, xây dựng các loại quỹ 287,933 tỷ đồng... Hiện nay, có trên 50% số thôn, làng đã có điện chiếu sáng ở các khu vực công cộng, đường giao thông, do nhân dân tự đóng góp xây dựng.
Tất cả các thôn, làng khu dân cư đã xây dựng quy ước (67,3% thực hiện quy ước đạt loại tốt; 25,9% đạt loại khá và 6,8% đạt trung bình). 85% số thôn, làng, khu dân cư xây dựng quy ước khu dân cư văn hóa, 100% số khu dân cư đăng ký thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Nhân dân đã bàn bạc, xây dựng mô hình khu tự quản, tổ tự quản và tổ chức hoạt động có hiệu quả thiết thực. Các tổ hòa giải ở các thôn, làng, tổ dân phố hoạt động tích cực, giải quyết tốt các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 80%.
Cuộc vận động “ngày vì người nghèo” được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp được hàng trăm tỷ đồng, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 9,9% theo chuẩn mới. Hải Dương là một trong ba tỉnh đầu tiên hoàn thành việc xóa nhà tranh, tre cho hộ nghèo.
Công tác hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được triển khai có hiệu quả, mức kinh phí xây dựng nhà của 1 hộ nghèo là 22 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ (5 xã khu vực khó khăn của thị xã Chí Linh được hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ); ngân sách tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ; ngân sách huyện hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ; Quỹ vì người nghèo của tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ; Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 8 triệu đồng/hộ trong 10 năm, với lãi suất 3% năm. Từ năm 2009 - 2011, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng được 2.761 nhà, vượt chỉ tiêu 19,4% so với quy định, cao nhất là thị xã Chí Linh (vượt 44,1%).
Động viên, thu hút nhân dân tham gia tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo nghị quyết của HĐND, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm. Do đó, nghị quyết, quyết định hằng năm của HĐND, UBND được nhân dân đồng tình, ủng hộ, thực hiện đạt kết quả cao, như việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, gia trại; phát triển làng nghề, góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống.
Thực hiện QCDC cũng thể hiện qua việc nhân dân tham gia góp ý kiến với Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách, xây dựng và sửa đổi luật; góp ý kiến về hoạt động của HĐND các cấp, về ứng cử viên đại biểu HĐND và nhân sự đại hội đảng, đoàn thể ở cơ sở.
Tất cả các thôn, làng, khu dân cư trong tỉnh đều tổ chức bầu trưởng thôn, trưởng khu dân cư đúng thời gian, quy trình; việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND xã bầu và trưởng thôn, khu dân cư ở tất cả các xã, phường, thị trấn đạt kết quả theo đúng yêu cầu và kế hoạch đề ra.
Thực hiện tương đối tốt việc giám sát hoạt động của HĐND và UBND xã, phường, thị trấn, của đại biểu HĐND, cán bộ, đảng viên, trong việc thu, chi các quỹ, quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng và nghiệm thu, quyết toán các công trình từ nguồn vốn do nhân dân đóng góp, thông qua việc dự các kỳ họp của HĐND, của thôn, khu dân cư, các đoàn thể và trên hệ thống truyền thanh của xã.
Ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên được củng cố và duy trì hoạt động tốt, trên cơ sở bám sát những quy định của Luật Thanh tra nhân dân và Nghị định số 79/CP của Chính phủ. Vì vậy, đã góp phần hạn chế được một số sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ thôn, xóm.
Đến nay, toàn tỉnh có 486/1.422 làng, khu dân cư đạt tiêu chuẩn làng, khu dân cư văn hóa. Huyện Gia Lộc, Thanh Miện có 100% số thôn, khu dân cư văn hóa xây dựng xong quy ước. Toàn tỉnh có gần 300.000 hộ đạt gia đình văn hóa, 6.000 hộ đạt danh hiệu “ông bà cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”.
Thực tế cho thấy, không phải tất cả các tổ chức, cá nhân và địa bàn của Hải Dương đã thực sự thông suốt và nghiêm túc thực hiện những nội dung của các chỉ thị, nghị quyết, pháp lệnh của các cấp, các ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, cần nâng cao thái độ và ý thức trách nhiệm của những đối tượng đó, bằng cách tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của QCDCCS; đồng thời xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên, và người lãnh đạo ở khu vực dân cư đó.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng NTM, tỉnh Hải Dương đang hướng tới xây dựng làng, xã văn minh, hệ thống hạ tầng đồng bộ; cộng đồng dân cư phát triển hài hòa, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, sự đồng thuận của toàn dân, Hải Dương tự tin đặt mục tiêu năm 2012, toàn tỉnh có 12 xã đạt quy chuẩn được công nhận đạt danh hiệu NTM; dân chủ cơ sở được thực hiện tốt hơn, tạo nên niềm tin, trách nhiệm của toàn cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn ./.
Theo Tapchicongsan