Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiêu thụ sản phẩm tồn kho cho doanh nghiệp

Mới đây, trong đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp ba tháng đầu năm, Bộ Công thương nhận định, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất ba tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến tháng 3-2012 tăng 34,9% so cùng kỳ năm trước, trong khi đó chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 0,5%.
Sản phẩm phân đạm của Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Ảnh: HẢI TRẦN

Thực trạng đáng lo ngại

 Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính thì có đến 18 nhóm có chỉ số sản xuất giảm như: xi-măng, sắt, thép, sản xuất sợi và dệt vải, giày dép, giấy nhăn, bao bì, bột giấy, giấy, bìa, phân bón và hợp chất ni-tơ, sản xuất các sản phẩm khác từ nhựa, xe có động cơ, bàn ghế, giường tủ, đồ uống không cồn, cáp điện và dây điện, các thiết bị gia đình... Do tiêu thụ hàng hóa ngày càng chậm khiến cho lượng hàng tồn kho của các DN ngày càng lớn so cùng kỳ. Ðến thời điểm đầu tháng 3, chỉ số tồn kho của sản phẩm phân hỗn hợp NPK tăng gần 200%, sản phẩm quả và hạt chế biến tăng hơn 80%, bia đóng chai tăng 72,5%, chỉ số tồn kho tăng gần 50% là các sản phẩm thuốc lá đầu lọc, chỉ khâu các loại. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ là các ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng hơn 87%, sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng hơn 80%, phân bón và hợp chất ni-tơ tăng gần 63%, bột giấy, giấy, bìa tăng 31%, sản xuất giày dép tăng gần 23%, ngành sợi và dệt vải tăng 6,6%,...

Theo phân tích của Phó Vụ trưởng Kế hoạch (Bộ Công thương) Huỳnh Ðắc Thắng, chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua cho thấy nguyên nhân chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Âm lịch vừa qua kéo dài, nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm, trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu; quý I, các công trình xây dựng mới bắt đầu chưa vào vụ cho nên tồn kho các mặt hàng như xi-măng, sắt thép cao.  Một số ngành như dệt may, giày dép có đơn hàng xuất khẩu chưa ổn định và có dấu hiệu giảm so với năm trước. Nhiều DN có đơn hàng trong quý I nhưng rất ít DN ký đơn hàng sản xuất cho quý III. Do đó, sản xuất của những ngành là nguyên liệu đầu vào cho những ngành này như sợi, dệt vải cũng giảm theo. Thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may và da giày đang giảm sút so cùng kỳ. Người tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu lớn hàng của Việt Nam như Mỹ, EU tiếp tục thắt chặt chi tiêu do đó nhu cầu nhập khẩu giảm. Thị trường EU giảm từ 25 đến 30% so với cùng kỳ năm trước. Các DN ngành nhựa cũng gặp không ít khó khăn về huy động vốn đầu tư và giá nguyên liệu tăng cao từ 10% đến 15% so với cuối năm 2011.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến tháng 3, lượng thép thành phẩm tồn kho của các DN thành viên đang ở mức tương đối cao, khoảng 288 nghìn tấn. Tuy nhiên, lượng tồn kho này thấp hơn khoảng 100 nghìn tấn so cùng kỳ năm trước. Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi cho biết, sản lượng của các DN trong Hiệp hội chiếm khoảng 85% sản lượng thép cả nước, vì thế một số thông tin về lượng thép tồn kho tới gần một triệu tấn như thời gian qua là chưa chính xác. Tiêu thụ thép trong ba tháng qua mặc dù thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10% nhưng đang có chiều hướng nhích lên. Tuy việc tiêu thụ thép không quá ảm đạm, nhưng nhìn chung mức tiêu thụ vẫn chậm hơn so với trung bình các năm trước. Nguyên nhân chính do các dự án bất động sản, đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua gần như "giẫm chân tại chỗ".

Giá thép trong nước vẫn còn phụ thuộc nhiều vào giá nguyên vật liệu thế giới do các DN phải nhập khẩu đến 80% lượng thép phế liệu, gần 30% sản lượng phôi... Hơn nữa, giá điện cũng như một số nguyên vật liệu thời gian qua có chiều hướng tăng cao, vì thế giải phóng lượng tồn kho ở các đại lý rất khó khăn do khó có thể giảm được giá thép xuống nữa vì các DN sẽ bị lỗ. Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường cho biết, những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã có những tác động tích cực, tuy nhiên, việc thực hiện những giải pháp này trong thời gian qua đã làm nảy sinh một số vấn đề gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh bởi ngành thép chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc điều hành kinh tế của Nhà nước để kiềm chế lạm phát. Ngay trong năm trước, các biện pháp mạnh của Nhà nước về cắt giảm đầu tư công, nhất là những chính sách về tài khóa, đầu tư những công trình bất động sản, hạ tầng cơ sở cũng bị cắt giảm rất nhiều. Thế nên, đầu ra của ngành thép gặp khó khăn rất lớn.

Là DN chủ công trong Tổng công ty Công nghiệp xi-măng Việt Nam (Vicem), Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch vốn từ trước đến nay có uy tín, thương hiệu và sức tiêu thụ lớn, vậy mà trong bối cảnh hiện nay, đơn vị cũng đang có lượng hàng tồn kho khá cao. Cao điểm nhất là thời điểm ngoài Tết Âm lịch, lượng tồn kho lên tới 400 nghìn tấn sản phẩm. Cách đây một tháng, công ty phải tạm ngừng vận hành một trong ba dây chuyền vì nếu cứ sản xuất ra mà không tiêu thụ được thì clanh-ke chất đống, sản phẩm xuống cấp. Năm 2011, lúc cao điểm nhất đơn vị cũng chỉ tồn kho 300 nghìn tấn. Nhiều công ty khác trong Vicem cũng trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí còn khó khăn hơn. Tổng Thư ký Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) Vũ Quốc Hùng cho biết, tổng công suất gạch ce-ra-mic và gra-nít của khoảng 100 dây chuyền trong cả nước hiện nay đã lên tới 400 triệu m2. Do tình hình tiêu thụ chậm, nói chung, các dây chuyền chỉ huy động công suất chừng 70 đến 75%. Ước tính lượng tồn kho hiện chiếm khoảng 10% tổng công suất. Cá biệt có doanh nghiệp số lượng tồn kho lên đến 800 nghìn m2 gạch.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá: Việc hàng hóa tồn kho là hệ quả của nền kinh tế khó khăn, lạm phát mặc dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao, các DN thiếu vốn và không tiếp cận được vốn, hoặc có nhưng lãi suất quá cao dẫn đến phải thu hẹp sản xuất, giải thể, ngừng hoạt động, hàng tồn kho nhiều. DN này khó khăn dẫn đến DN khác cũng khó khăn, ngành này ảnh hưởng đến ngành khác. Người lao động bị giảm thu nhập, người tiêu dùng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu trước bối cảnh lạm phát... là "cái vòng luẩn quẩn". GS, TS Phan Ðăng Tuất, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng: Cùng với sự đình đốn của sản xuất, tiêu thụ hàng hóa ngày càng chậm khiến cho lượng hàng tồn kho của DN càng lớn. Chỉ số tồn kho tăng cao tới gần 35% là điều bất thường đối với nền kinh tế. Nếu tình trạng nguồn vốn khó khăn, đình đốn sản xuất tiếp tục kéo dài thì các DN đặc biệt là DN vừa và nhỏ phần lớn chủ yếu vay vốn ngân hàng hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, đình trệ sản xuất, thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, các DN đang nỗ lực khắc phục tình trạng tồn kho sản phẩm bằng nhiều cách, như tiết giảm sản xuất, tiết giảm chi phí, tăng cường công tác bán hàng... Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính tình thế, muốn giải quyết được căn cơ đòi hỏi ở một tầm cao hơn sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương với những giải pháp đồng bộ như: đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu; triển khai sớm chương trình bình ổn giá, tìm nguồn vốn lãi suất hợp lý, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp... Giải quyết nhanh hàng tồn kho, không trữ nhiều nguyên liệu và tìm cách tăng năng lực phân phối để quay nhanh đồng vốn, tránh áp lực lãi vay và các chi phí tăng cao là những giải pháp đang được các nhà sản xuất triển khai trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay.

Vicem Hoàng Thạch nỗ lực áp dụng một số biện pháp như tăng cường công tác thị trường, cùng với các đại lý đưa ra cơ chế thanh toán có bảo lãnh của ngân hàng, khuyến mại để kích cầu... cho nên lượng hàng tồn mới giảm còn hơn 200 nghìn tấn xi-măng, tuy nhiên, về lâu dài, lượng hàng tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào sự khởi sắc của nền kinh tế. Trong khi đó, theo VSA, do thép tiêu thụ chậm, các DN thép căn cứ theo diễn biến thị trường để sản xuất, cung ứng vừa đủ cho thị trường để tránh tồn kho lớn, giảm chi phí lưu kho bãi, lãi suất ngân hàng. Các DN thành viên VIBCA cũng tiết giảm sản xuất ngay từ năm 2011 khi tình hình tiêu thụ chậm.

Giải quyết bài toán hàng tồn kho, nhiều DN dệt may đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống sản xuất, phân phối, đàm phán về giá với nhà cung cấp nguyên liệu, với khách đặt đơn hàng sản xuất. Theo Chủ tịch HÐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty may Ðồng Nai Bùi Thế Kích, DN cần tính toán rút ngắn thời gian dự trữ nguyên phụ liệu để vừa đủ với lượng sản phẩm sản xuất, công tác tiếp thị, hệ thống phân phối được cập nhật thường xuyên để ban lãnh đạo đưa ra quyết sách kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn kho nhiều. Ðối với những sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, đội ngũ thiết kế của DN nhanh nhậy đưa ra những sản phẩm phù hợp  nhu cầu người tiêu dùng cả về kiểu dáng và giá cả.

Trong bối cảnh hiện nay, không phải DN nào cũng bị tồn kho. Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú (Trafuco) chuyên sản xuất dây cáp điện - một trong những mặt hàng đang tồn kho rất nhiều, song, sản phẩm của công ty lại tiêu thụ tốt. Từ năm 2011 đến nay, có những thời điểm, lượng sản phẩm tồn tương đương 300 tấn đồng nguyên liệu quy đổi. Bằng nhiều biện pháp như tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, giảm giá bán sản phẩm với tổng cộng mức 20%, nhờ đó, sản phẩm được tiêu thụ mạnh. Sản lượng quý I năm 2012 tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Phó Giám đốc Trafuco Nguyễn Việt Cường nhận định, giảm giá sẽ làm giảm lợi nhuận của công ty nhưng bù lại, sản phẩm tiêu thụ nhanh hơn, đồng vốn quay vòng nhanh hơn (từ bốn tháng xuống còn ba tháng/chu kỳ), người lao động vẫn ổn định việc làm và thu nhập. Ông Nguyễn Việt Cường khẳng định, tiềm năng trong dân còn rất lớn, cho nên những sản phẩm phục vụ thiết thực cho đời sống dân sinh vẫn tiêu thụ tốt nếu có chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ gần đây, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận tìm giải pháp giải quyết vấn đề hàng tồn kho của các DN, theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là đối với ngành công nghiệp chế biến, thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ các DN tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu lượng hàng hóa tồn kho, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy thị trường trong nước, đưa hàng hóa dịch vụ về thị trường nông thôn; đổi mới các kênh thu mua, phân phối; tiếp tục thúc đẩy Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; hạn chế nhập siêu. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nêu ra thực trạng ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, bà con không tiếp cận được hàng Việt, do đó hàng ngoại đang chiếm lĩnh địa bàn này. Ðiều đó đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và DN phải tích cực tìm mọi cách đưa hàng hóa, sản phẩm về nông thôn phục vụ thị trường còn nhiều tiềm năng này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho DN, hạn chế tình trạng tồn kho, Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên cơ sở ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó cần kiểm soát chặt chi phí đầu vào cho sản xuất; kiểm soát giá cả, nhất là giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu; kích cầu tiêu dùng; dành vốn tín dụng cho DN vừa và nhỏ, sản xuất vật chất và xuất khẩu. Cùng với đó là thúc đẩy các dự án đầu tư công cần thiết để tạo thêm công ăn việc làm. Bà Phạm Chi Lan cũng khẳng định, các biện pháp hoãn, giãn thuế cho DN trong lúc này chưa phải là giải pháp tối ưu mà về lâu dài, Nhà nước cần xem xét giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng bởi mức thuế này ở Việt Nam hiện vẫn rất cao so mặt bằng thế giới. Ðồng thời, hết sức thận trọng trong việc đề xuất ban hành hay tăng các loại phí ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay. Ðồng quan điểm trên, Tổng Thư ký Vũ Quốc Hùng cho rằng, thuế thu nhập DN chỉ nên ở mức khoảng 20% là hợp lý. Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ mong rằng, Nhà nước cần có các biện pháp kích cầu, tạo điều kiện cho các DN cơ khí được tham gia các gói thầu EPC trong nước hơn nữa, qua đó, giúp các DN cơ khí phát triển, người lao động có việc làm.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất cơ bản về mức 12%/năm, đồng thời nới tín dụng cho bất động sản, tiêu dùng, qua đó góp phần kích cầu nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ bất động sản và các ngành liên quan như xi-măng, sắt thép, vật liệu xây dựng... Các DN cho rằng, việc giảm lãi suất là cần thiết, là tín hiệu tích cực trong lúc này song, không phải DN nào cũng hồ hởi đón nhận bởi hầu hết các DN rất khó tiếp cận vốn, mà tiếp cận thì cũng với lãi suất rất cao (khoảng 20%/năm). Theo họ, để chính sách nêu trên đi vào cuộc sống thì cũng phải mất một thời gian khá dài. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền kinh tế đang trong tình trạng khó khăn chung, thì việc giảm lãi suất 1 hay 2% thì cũng không tạo chuyển biến về chất. Việc tiêu thụ khó thì sản xuất phải ngừng trệ, có vay vốn lúc này cũng chưa giải quyết được gì nhiều.

Cũng có DN kiến nghị, Nhà nước cần thiết lập các hàng rào kỹ thuật trên cơ sở không vi phạm các cam kết quốc tế để bảo vệ hàng hóa trong nước, cũng là bảo vệ sự an toàn của người tiêu dùng, bởi thực tế hiện nay, nhiều quốc gia phát triển cũng áp dụng biện pháp này để bảo hộ hàng trong nước, trong khi đó, sản phẩm của nhiều nước lại quá dễ dàng để có mặt trên thị trường Việt Nam mà không rõ về chất lượng, xuất xứ, ảnh hưởng đến môi trường...

Theo Nhandan