Thực hiện tốt quy trình vận hành liên hồ chứa

Cả nước hiện có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động, với tổng dung tích chứa theo thiết kế 35,8 tỷ m3. Ðiều đáng lo ngại, qua kiểm tra an toàn hồ, đập gần đây, có khoảng 1.150 hồ thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp. Phần lớn các hồ chứa này được đầu tư xây dựng vào thời điểm 30 đến 40 năm trước. Khi đó rừng chưa bị tàn phá, mưa lũ ít có diễn biến thất thường,vì vậy mục đích xây dựng các hồ chứa chủ yếu nhằm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, khâu bảo đảm an toàn còn bị xem nhẹ, không có hồ sơ thiết kế cũng như hồ sơ quản lý vận hành.

Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ vỡ hồ, đập thủy lợi, thủy điện gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại công trình của Nhà nước cũng như tài sản của nhân dân, ngày 14-10-2013, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 21/CT-TTg tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa; tiếp đó, ngày 16-6-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 909/QÐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn trong mùa mưa lũ hằng năm. Và mới đây, ngày 23-7-2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1201/QÐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê-rê-pốc.

Có thể nói, các chỉ thị và quyết định nêu trên đã quy định cụ thể cơ chế vận hành liên hồ chứa bảo đảm điều tiết nước, cắt lũ và phục vụ sản xuất; yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đầu tư, xây dựng hồ, đập; phân cấp quản lý, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư công trình; bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý an toàn hồ, đập; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác đầu tư, xây dựng, khai thác, vận hành hồ chứa; củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn hồ, đập.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các quy định trên, các bộ, ngành, địa phương phải kiểm tra và xây dựng ngay phương án bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ; tuyệt đối không tích nước đối với những hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, có biện pháp ứng phó kịp thời; khẩn trương di dân ở vùng hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn cao...

Việc bảo đảm an toàn các hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa lũ thuộc trách nhiệm chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của các địa phương. Vì vậy, bộ cần chỉ đạo sát sao công tác vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, bảo đảm nguyên tắc xả lũ, tránh tình trạng "lũ chồng lũ". Trong những tình huống bất thường, việc vận hành các hồ chứa phải do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phương án giải quyết. Tránh tình trạng khi xảy ra lũ lụt, các hồ xả lũ không theo quy trình, hoặc xả lũ lớn hơn thông báo ban đầu, làm vùng hạ lưu không chủ động phòng, chống kịp thời dẫn đến thiệt hại lớn về vật chất, thậm chí cả tính mạng nhân dân.

TIẾN ÐẠT
theo nhandan