Thường vụ Quốc hội thảo luận, đánh giá bổ sung về kết quả phát triển kinh tế - xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa kết thúc thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, theo đó, lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng lên nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới mạnh mẽ, tăng cường đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Thường vụ Quốc hội thảo luận, đánh giá bổ sung về kết quả phát triển kinh tế - xã hội

 Kinh tế đạt nhiều cái nhất

Đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 vừa được Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, năm 2017 có rất nhiều cái nhất như GDP tăng 6,81% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Động lực tăng trưởng chính của khu vực công nghiệp tiếp tục được hội tụ từ đà tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 14,4% - đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số sản xuất (IIP) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 14,4% - đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh đạt 7,44% - đạt mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm trước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kết quả nổi bật nhất của năm 2017 là kinh tế có mức tăng trưởng đột phá và ấn tượng. Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều và khởi sắc trên các ngành, lĩnh vực, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo.

“Điều này thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bình luận.

Đánh giá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đã diễn ra theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành nông, lâm và thủy sản tiếp tục giảm từ 16,32% năm 2016 xuống còn 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 32,72% năm 2016 lên 33,34%; khu vực dịch vụ tăng từ 40,92% năm 2016 lên 41,32%.

Với 126.859 doanh nghiệp thành lập mới, thu hút 37,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng lên nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới mạnh mẽ, tăng cường đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

Đánh giá tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế ghi nhận mức cải thiện ấn tượng ở cả tổng cung và tổng cầu.

Về phía cung, tăng trưởng của cả 3 khu vực (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ) đều đạt mức cao so với cùng kỳ năm 2017, tạo thế vững chắc thúc đẩy tổng cung và đóng góp vào mức tăng trưởng chung 7,38% trong quý I - mức tăng trưởng cao nhất của Quý I trong 10 năm gần đây. Về phía cầu cũng có sự cải thiện tích cực nhờ cầu tiêu dùng tăng khá và cán cân thương mại thặng dư.

“Nguyên nhân tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt cao như vậy, một mặt do tình hình quý I năm 2018 là rất tích cực, mặt khác do tình hình quý I năm 2017 đạt thấp (5,15%) nên khi so sánh với một nền thấp thì tốc độ tăng trưởng năm sau sẽ cao hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích.

Băn khoăn về sự phát triển bền vững

Cũng như nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Phan Thanh Bình đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và các tháng đầu năm 2018.

Đánh giá kết quả đạt được năm 2017 và 5 tháng đầu năm nay "rất tốt”, song ông Bình vẫn bày tỏ sự băn khoăn về sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

“Nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn và lao động. Việt Nam cũng như nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này thì vốn và lao động không còn là thế mạnh của bất cứ nền kinh tế nào mà trí tuệ mới quyết định sự phát triển kinh tế. Nếu chúng ta không tập trung cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì không có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới - nền sản xuất không phụ thuộc vào vốn, tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ”, ông Bình phát biểu.

Dẫn số liệu xuất-nhập khẩu năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu bày tỏ sự lo ngại khi mà nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

“Năm 2017, khu vực trong nước chỉ xuất khẩu được 58,53 tỷ USD, tương đương khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm, khu vực trong nước xuất khẩu được 20,28 tỷ USD cũng chỉ tương đương 27,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy nền kinh tế phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài quá nhiều. Trước mắt điều này là tốt, nhưng trong tương lai, nếu khu vực doanh nghiệp trong nước không “giữ vai trò chủ đạo” sẽ dễ dẫn tới sự bất ổn một khi doanh nghiệp FDI chuyển hướng đầu tư”, ông Giàu lo xa.

Trưởng Ban Công tác đại biểu, ông Trần Văn Tuý cũng lo ngại về sự phát triển ổn định của nền kinh tế khi mà ngành công nghiệp hỗ trợ, theo ông hầu như không có biến chuyển.

“Chúng ta khuyến khích FDI cũng nhằm mục đích là đầu tàu kéo ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, doanh nghiệp trong nước ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng, chi tiết, thiết bị… cho doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Nhưng mục tiêu này gần như không đạt được cho dù phát triển công nghiệp hỗ trợ được nói đến rất nhiều”, ông Túy cho biết.

“Doanh nghiệp FDI là một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế nước ta. Doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước cần phải ủng hộ, khuyến khích, không nên có tư tưởng, quan điểm lên án, bài xích doanh nghiệp FDI mà vấn đề làm sao là phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước lớn mạnh lên”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Mạnh Bôn
baodautu.vn