Thụy Phúc (Thái Bình ) Hai tháng nữa sẽ cán đích nông thôn mới

Thụy Phúc (Thái Bình ) Hai tháng nữa sẽ cán đích nông thôn mới
Mặc dù không phải là xã điểm nhưng nhờ có những cách làm hay, sáng tạo trong huy động sức dân mà xã Thụy Phúc (Thái Thụy) trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả tỉnh. Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đang dồn mọi nỗ lực hoàn thành những công việc cuối cùng, phấn đấu đến 30/6 sẽ cán đích nông thôn mới.

Người dân xã Thụy Phúc tích cực hoàn thiện tiêu chí về giao thông để về đích trong xây dựng nông thôn mới.
Theo chân cán bộ văn hóa xã, chúng tôi ra cánh đồng thôn Bái Thượng, chứng kiến cảnh người dân đang hối hả trộn, đảo bê tông để cứng hóa mặt đường. Lao động vất vả giữa cái nắng oi ả đầu mùa hạ, người nào người nấy mặt đỏ bừng, lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng trên nét mặt vẫn biểu lộ niềm vui, phấn khởi.
 
Trong tổ dân cư ấy có ông Nguyễn Văn Ro, dù đã 70 tuổi nhưng từ trước Tết Nguyên đán đến nay ngày nào cũng có mặt ngoài đồng cùng bà con đào đắp giao thông thủy lợi, cứng hóa kênh mương, làm đường giao thông nội đồng. Ông chia sẻ: “Đã sống gần hết đời người nhưng chưa bao giờ tôi thấy cả làng, cả xã cùng đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới như thế này. Nhiều cụ cao tuổi còn tỏ ra nuối tiếc, đến lúc làng quê giàu đẹp, văn minh thì đã gần đất xa trời nên tôi nghĩ mình còn chút sức lực nào thì phải cố gắng đóng góp cho quê hương để sau này con cháu mình được hưởng lợi”.
 
Phó Trưởng thôn - Nguyễn Văn Hưng cho biết: “Không riêng gì ông Ro mà tất cả người dân Bái Thượng đều chung một lòng xây dựng nông thôn mới. Ví như việc cứng hóa kênh mương, làm đường lần này, thôn giao cho các tổ dân cư đảm nhiệm việc huy động nhân lực để thi công, hôm nay tổ này làm mai lại đến lượt tổ khác, bà con vừa làm vừa giám sát và hưởng lợi nên ai cũng phấn khởi. Thậm chí, có người còn thắc mắc sao mãi chưa đến lượt tổ tôi làm, thôn quên không phân chia việc là không được đâu”.
 
Thi đua cùng thôn Bái Thượng, nhân dân thôn Thuyền Đỗ cũng tất bật hoàn thiện xây dựng nhà văn hóa, rãnh thoát nước trong khu dân cư. Ông Vũ Đình Lạc, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Để mở rộng tuyến đường trục giữa thôn theo tiêu chí nông thôn mới, vừa qua 31 hộ gia đình trong thôn tự nguyện, vui vẻ phá dỡ các tường vây, công trình phụ mà không đòi hỏi một đồng bồi thường. Nhà nào neo người, tổ dân cư đến giúp tháo dỡ, xây lại công trình”. Chị Bùi Thị Quyên kể lại: “Đường giữa làng này là đường xỉ đã xuống cấp, đi lại rất khó khăn nên khi xã mở rộng và làm đường mới, bà con phấn khởi lắm. Riêng gia đình tôi tự nguyện phá dỡ 17m tường bao, phá bỏ công trình phụ, đầu tư xây mới hết 150 triệu đồng. Dù tốn kém, thiệt thòi tý chút nhưng đổi lại có đường to đẹp nên hai vợ chồng đều sẵn sàng”.
 
Chủ tịch UBND xã Thụy Phúc - Nguyễn Trường Ca cho biết: Không chỉ đến lúc xây dựng nông thôn mới mà trước đây mọi công việc của xã, của thôn, nhân dân Thụy Phúc đều nhiệt tình chung vai gánh vác. Xã có 3 thôn chia làm 36 tổ dân cư, tổ trưởng do người dân tự bầu. Mọi công việc của thôn được các tổ thông báo và bàn bạc công khai đến từng người dân nên tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Bà con đều tích cực góp công, góp của xây nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông, thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Vừa qua, để hoàn thiện 2 tiêu chí khó nhất là thủy lợi và giao thông, xã đã giao vật liệu cho các thôn được quyền tự chủ. Sau đó chi bộ, chính quyền, mặt trận khu dân cư và tổ dân cư họp, bàn bạc thống nhất huy động nhân lực để giải phóng mặt bằng, cứng hóa kênh mương, mặt đường. Quá trình thực hiện có thanh tra nhân dân giám sát, mình làm, mình hưởng lợi nên nhân dân ai cũng phấn khởi, trung bình mỗi ngày có từ 150 đến 200 lao động do các tổ dân cư cử ra làm. Kết quả sau 4 tháng, toàn xã đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 2,25 km đường trục xã để rải đá láng nhựa, cứng hoá 7,8 km kênh mương, bê tông hoá 4 km và kè bờ gần 5 km đường giao thông nội đồng, xây dựng 1 bãi rác thải và 6 tuyến rãnh thoát nước trong khu dân cư với chiều dài 3 km…
 
Với cách huy động sức dân như của Thụy Phúc, chất lượng công trình không chỉ được bảo đảm mà còn giảm tối đa chi phí nhân công, kinh phí đầu tư cho 1 km cứng hóa kênh mương, làm đường giao thông xã tiết kiệm từ 35 đến 40%. Đến nay, Thụy Phúc đã hoàn thành 17/19 tiêu chí nông thôn mới, còn 2 tiêu chí về đường giao thông và môi trường xã đang huy động tối đa nhân lực làm những phần việc cuối cùng để đến 30/6/2013 sẽ về đích trong xây dựng nông thôn mới.
 
Còn một điều thú vị nữa ở Thụy Phúc là dù sắp “khoác lên mình tấm áo nông thôn mới” nhưng đến nay nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng của xã: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông… mới hết hơn 20 tỷ đồng, cộng với nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 10,6 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, còn lại toàn bộ vốn và nhân công do nhân dân đóng góp.
 
Ông Ca cho biết thêm, về đích trong xây dựng nông thôn mới đối với Thụy Phúc lúc này có thể đếm được từng ngày và không còn quan trọng bằng việc làm thế nào để địa phương giữ được các tiêu chí. Vì vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua xã thực hiện nhiều biện pháp phát triển sản xuất nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. Đối với 19 tiêu chí, xã phân công mỗi cán bộ, công chức xã đảm nhiệm từ 1 đến 2 tiêu chí và phải xây dựng giải pháp thực hiện, giữ tiêu chí thế nào bằng văn bản, sau đó trình UBND xã thảo luận thống nhất xây dựng chương trình chung. Có thể khẳng định, cách làm của Thụy Phúc trong xây dựng nông thôn mới rất sáng tạo và riêng có, là kinh nghiệm, bài học quý để nhiều địa phương khác làm theo.
Bài, ảnh: Nguyễn Hình (baothaibinh.com.vn)