Thủy sản Việt Nam: Nỗ lực tăng trưởng nửa đầu năm

(Thủy sản Việt Nam) - Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các ngành, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân, bức tranh chung của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm là hoàn thành mục tiêu, với sự tăng trưởng 3,95%, kim ngạch 19,4 tỷ USD (tăng 12% so cùng kỳ 2017); trong đó lĩnh vực thủy sản có mức tăng trưởng cao nhất tới 6,49%.
6 tháng, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 152.000 tấn    Ảnh: Phan Thanh Cường

6 tháng, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 152.000 tấn Ảnh: Phan Thanh Cường

Tăng trưởng cao

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, trong 6 tháng qua, điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất thủy sản, cùng đó, ngành thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, sự phối hợp tích cực của các đơn vị thuộc Bộ, hội, hiệp hội ngành hàng, sự nỗ lực của bà con nông dân, ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp, sản xuất và xuất khẩu thủy sản tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Với tổng sản lượng thủy sản ước 3.561 nghìn tấn; trong đó, sản lượng khai thác 1.767 nghìn tấn, nuôi trồng 1.793 nghìn tấn (bao gồm: tôm sú 106 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 152 nghìn tấn, cá tra 643 nghìn tấn). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước 4 tỷ USD.

Trên hai đối tượng chủ lực là tôm và cá tra cũng có nhiều chuyển biến vượt qua những thách thức từ nội tại đến thị trường xuất khẩu. Với cá tra, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ chỉ đạo các tỉnh/thành phố nuôi cá tra vùng ĐBSCL về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý trong sản xuất cá tra để tránh tình trạng thả giống ồ ạt, khủng hoảng thừa cá nguyên liệu, chủ động mùa vụ sản xuất nhằm duy trì sản lượng cá đáp ứng nhu cầu chế biến. Kết quả ước 6 tháng đầu năm, sản lượng cá tra đạt 643,5 nghìn tấn (tăng 9,9%); kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD (tăng 20,7%) so cùng kỳ năm 2017.

Với tôm, trong 4 tháng đầu năm 2018, tình hình nuôi tôm phát triển tốt do từ cuối năm 2017 giá tôm nguyên liệu cao, người nuôi có lãi, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Nhưng, vào cuối tháng 5/2018, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, đặc biệt đối với giá tôm thẻ chân trắng tại một số tỉnh ĐBSCL do nguồn cung trên thế giới tăng, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ trưởng chủ trì Hội nghị “Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững” để đưa ra các giải pháp nhằm ổn định sản xuất duy trì tăng trưởng. Ngay sau Hội nghị, một số doanh nghiệp đã có hành động kịp thời, đồng hành cùng người dân, cam kết giảm giá bán tôm giống, giảm giá thức ăn, tăng giá thu mua tôm nguyên liệu hỗ trợ người dân lúc khó khăn. Theo đó, sản lượng tôm nước lợ 6 tháng đạt 258 nghìn tấn (tăng 10,7%); Kim ngạch xuất khẩu hơn 1,4 tỷ USD (tăng 8%); trong đó, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt hơn 1 tỷ USD (tăng 12,8%), tôm sú 401 triệu USD (bằng 97% so cùng kỳ năm 2017).

Về kết quả thực hiện những khuyến nghị của EC để tháo gỡ “thẻ vàng” cũng được đoàn công tác của EC đánh giá cao, tuy còn những bất cập nhất định cần phải giải quyết; nhưng đây được coi là những nỗ lực lớn của toàn ngành từ Trung ương đến các địa phương.

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

5 nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, những tháng cuối năm, so với yêu cầu, ngành thủy sản vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt trong việc đảm bảo chỉ tiêu giá trị xuất khẩu của ngành. Theo đó, trong nuôi tôm cần tập trung phương thức nuôi theo hướng công nghệ cao để từ đó nhân rộng các mô hình; đặc biệt, cần quan tâm quản lý tốt khâu giống - yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất. Với cá tra, cần kiểm soát tốt chất lượng con giống và thị trường. Đồng thời, khi mùa mưa bão đang đến gần, cần đảm bảo tránh rủi ro cho ngư dân trên biển, giúp họ yên tâm bám biển.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thủy sản cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm trên một số phương diện chính như nuôi trồng, khai thác và IUU. Cụ thể, về khai thác, cần rà soát lại thiết chế hạ tầng khu neo đậu, cảng cá và hệ thống 5 Trung tâm nghề cá lớn; đánh giá tổng thể năng lực phương tiện tàu khai thác trong đó có nhóm “tàu 67”; rà soát kết quả điều tra 5 ngư trường, luồng cá, hệ thống thủy sản tầng đáy; năng lực chế biến cho thị trường nội địa và xuất khẩu; hoàn thiện chiến lược nuôi xa thực hiện đề án thí điểm có quy hoạch căn cơ, bài bản và có lộ trình cụ thể. Về nuôi trồng, con tôm vẫn cần tiếp tục duy trì, phát triển đa dạng đối tượng; nhân rộng những công nghệ nuôi mới, tiên tiến, hiệu quả; phối hợp với Bạc Liêu thực hiện hiệu quả khu nông nghiệp công nghệ cao về tôm. Với cá tra, cần tiếp tục nâng cấp và cải thiện chất lượng cá tra bố mẹ, cá tra giống, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất con giống để phục vụ sản xuất; với các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ cần có những chiến lược xuất khẩu hợp lý để tận dụng thị trường, phát triển bền vững. Về vấn đề IUU của EC, cần thực hiện lắp đặt trang thiết bị giám sát trên tàu cá bám sát theo quy định tại Luật Thủy sản 2017, phát triển nghề cá hiện đại, xã hội hóa, xây dựng khung pháp lý cho nghề cá bền vững; đây là hướng đi tất yếu và bắt buộc.

Trong 6 tháng cuối năm, dự báo thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, nên toàn ngành thủy sản cần nỗ lực hơn nữa, thực hiện triệt để các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra và tin tưởng rằng, ngành thủy sản sẽ đạt mục tiêu 9 - 10 tỷ trong năm 2018.


>> Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận, đánh giá và biểu dương những kết quả đạt được của ngành thủy sản trong 6 tháng qua; thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và đồng bộ của toàn ngành, nhất là của Tổng cục Thủy sản đã tập trung xử lý những vấn đề nảy sinh một cách căn cơ, bài bản như kịch bản xử lý giá tôm thẻ xuống thấp, ổn định tâm lý người nuôi, không làm gián đoạn trong sản xuất; Hay sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã có tổng kết, đánh giá và đưa ra những nhiệm vụ giải pháp thiết thực, kịp thời và hiệu quả…
Linh Chi/http://thuysanvietnam.com.vn/