Tích lũy ở nông thôn miền Tây: Vung tay quá trán
- Thứ sáu - 17/04/2015 23:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến khi gặp khó khăn, thất bại, không còn vốn để xoay xở, phải bán cơ ngơi, xe cộ để trả nợ, nghèo lại hoàn nghèo. Những tỷ phú cá tra một thời giờ nghèo lại hoàn nghèo Cù lao tỷ phú Phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) là một cù lao nằm giữa dòng sông Hậu, cách trung tâm quận Thốt Nốt khoảng 1 km. Một thời nơi đây được nhiều người biết đến với tên gọi “cù lao tỷ phú” nhờ nuôi cá tra. Thời hoàng kim của nghề nuôi cá tra, nơi đây đã có hàng chục nông dân tỷ phú, xây biệt thự, trên bờ ô tô, dưới sông cano… Cuộc sống sung túc của họ khiến không ít người ngày đêm mơ ước. Nhưng rồi con cá tra đã phụ công người nuôi, khi giá cả đầu ra tăng ít, giảm nhiều. Sau vài vụ nuôi thua lỗ nặng, con cá tra đã lấy đi nhiều tài sản quý giá của họ, cũng nhanh như lúc họ có được. Nhiều người đã không còn đủ khả năng đầu tư nuôi tiếp. Những ao cá đẻ ra bạc tỷ ngày trước nay kẻ bỏ hoang, người rao bán. Nhà lầu, xe hơi “đội nón ra đi” để thanh toán nợ ngân hàng. Từ TP Cần Thơ đến cù lao Tân Lộc phải qua phà mất khoảng 20 phút mới tới cồn. Sau khi bước chân lên cồn, chúng tôi không ngờ sau nhiều năm trở lại đây cái cồn ngày nào nay đã phát triển vượt sức tưởng tượng, nhà tường mọc lên san sát nhau, xen lẫn cả biệt thự mini. Còn đường giao thông được bê tông hóa phẳng lỳ, ban đêm đèn đường rực sáng. Từ bến phà, chúng tôi chạy xe hơn 20 phút đến UBND phường Tân Lộc. Khi nhắc đến tên “cù lao tỷ phú", Phó chủ tịch UBND phường Tân Lộc Phạm Văn My cho biết: “Chuyện tỷ phú cá tra ở vùng đất cồn này xây nhà lầu, sắm xe hơi bạc tỷ, chạy cano là chuyện không còn nữa rồi mấy chú ơi!”. Cồn Tân Lộc một thời nổi danh là “cù lao tỷ phú” nhờ nuôi cá tra, nay không ít người ôm nợ Nhiều ông chủ đã phải bán xe, cầm cố đồ đạc, nhà cửa vì thua lỗ trong thời gian qua. Ông My cho biết: Thời điểm năm 2006-2008, lúc “hoàng kim” của con cá tra, toàn phường có 179 hộ thả nuôi với tổng diện tích trên 243 ha, nay giảm xuống chỉ còn vài chục ha. Từ sau năm 2008 đến nay, hộ nào cũng thua lỗ, ít thì vài trăm triệu, nhiều cả tỷ đồng. Nhiều hộ kêu bán hoặc cho thuê ao, số còn lại treo ao hẳn vì không có tiền đầu tư tiếp. “Nói thật, cũng nhờ con cá tra làm thay đổi diện mạo phường rất lớn, những hộ nuôi cá có đóng góp mỗi năm vài chục triệu đồng/hộ để xây dựng cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội. Phường này phát triển cũng là nhờ mấy hộ dân ở nơi đây trúng giá cá tra, họ đóng góp vào để cùng nhau xây dựng, để đưa diện mạo của phường ngày càng phát triển hơn. Nhưng mấy năm nay giá cá tra rất bấp bênh, người nuôi cá thua lỗ liên tiếp. Nếu nghề nuôi cá tra cứ thuận lợi như trước thì phường chúng tôi giờ chắc chẳng thua gì phố thị đâu”, ông My nói. “Mấy năm nay thấy mấy anh em lao đao, xót quá”, ông My tâm sự. Do làm ăn thua lỗ, nhiều hộ ôm nợ đâm ra lâm bệnh. Ở phường, trước đây chuyện tỷ phú cá đếm không xuể, họ đầu tư mua xe hơi đời mới hoặc xuồng máy bạc tỷ không hiếm. Cơ số xe hơi của phường Tân Lộc từ vài chục chiếc nay chỉ còn vài chiếc là của những hộ có vốn mạnh mới trụ nổi, còn lại các hộ đã bán hết để trả nợ. Thời điểm cuối năm trước, cá có giá chưa tới 23.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 1.000-2.000 đồng/kg tiền đầu tư. Đã vậy, còn không có người mua nên cá ngày càng rớt giá. Cuối cùng ai nấy cũng bán đổ, bán tháo, rẻ như cho nên hộ nào cũng “bể nợ”. Trừ một vài hộ có vốn mạnh, nhiều hộ phải vay nóng để làm vốn nuôi cá với hy vọng gỡ gạc lại. Cũng có nhiều hộ vốn yếu trụ lại không nổi đã chuyển nghề khác, không gắn bó với con cá nữa. Ông Phó chủ tịch kể về đại gia cá tra số một của phường, ông Trần Phước Đời, có trên 20 ha ao nuôi, cũng là người thành công hốt bạc đầu tiên ở đất cồn Tân Lộc này. Có tiền, ông xây nhà lầu, mua xe hơi, rồi mua cano chạy đầu tiên ở cù lao này. Sau mấy năm qua con cá tra tuột dốc, ông Đời thua lỗ cả chục tỷ đồng. Để duy trì cuộc sống, ông Đời phải tính kế dồn hết vốn liếng, vay mượn thêm mới đủ thả nuôi được khoảng 1/2 diện tích, còn lại bỏ trống. Kẹt tiền, muốn bán đi một số ao để làm vốn xoay xở nhưng cũng chẳng ai thèm mua. Thời hoàng kim, nhiều tỷ phú cá tra đã đóng góp lớn để phát triển bộ mặt giao thông nông thôn ở Tân Lộc Ông Nguyễn Duy An, ở khu vực Long Châu, phường Tân Lộc, một thời trúng cá tra “hốt tiền tỷ”, dùng tiền xây nhà lầu, mua xe đời mới quá dễ dàng. Nhưng vài năm sau cá tra "hết thời”, nhiều vụ nuôi liên tục thua lỗ, dẫn đến cầm cố và vay nợ ngân hàng mong để có vốn nuôi cá tiếp, nhưng càng nuôi càng “ôm” nợ. Ông An cho biết, nuôi cá lỗ nhiều vụ hết vốn, nợ ngân hàng lên cả tỷ đồng không có tiền đóng lãi, muốn giải nghệ, cắm biển rao bán ao nuôi cá nhưng chẳng ai hỏi han gì. Khi con cá tra đang thịnh, đất nuôi cá ở Tân Lộc đắt như vàng. Chỉ cần ao nuôi có chỗ lấy và thoát nước là có giá bạc tỷ ngay. 3 ao cá của ông An thời đó mua hơn 5 tỷ đồng, bây giờ làm ăn thua lỗ, rao bán 3 tỷ mà chưa ai ngó tới. Cồn Tân Lộc lúc đó không chỉ các hộ dân nuôi cá bị lỗ mà các "quan" nuôi cá cũng chết dở. Điển hình như ông Đ.T.H, Phó Bí thư phường Tân Lộc nuôi hai ao với diện tích 4 công đất nằm ở vị trí tốt, cặp bờ sông Hậu liên tiếp lỗ hai vụ mất gần 1,5 tỷ đồng. Hết vốn, nay ao đành bỏ trống đang kiếm người sang nhượng hoặc cho thuê. Còn ông N.T.S, Chủ tịch HĐND phường Tân Lộc đào 3 ao đất ruộng nuôi cá tra, thắng đậm được 2-3 vụ đem lại tiền tỷ nhưng rồi cũng thua lỗ mất sạch. Trúng mùa chi bạo Từ Cà Mau, ông Ba Hiển (Nguyễn Văn Hiển, 45 tuổi) qua huyện Kiên Lương, vùng đất được ví là “mỏ tôm” công nghiệp của tỉnh Kiên Giang để thuê đất nuôi tôm. Hơn 3 ha được chủ đất cho thuê thời hạn 10 năm, ông Hiển kêu máy xúc Kobe vào đào thành 6 ao, kéo điện lưới 3 pha để bơm nước, chạy quạt nuôi tôm. Vốn đã có kinh nghiệm nuôi tôm một thời gian dài ở quê nhà, lại cộng thêm đây là vùng đất mới, chưa bị ô nhiễm nên những năm đầu ông Hiển trúng đậm. Mỗi ao 500 m2 thu hoạch 6-7 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm, năm thả nuôi 2 đợt. Doanh thu mỗi đợt bán tôm từ 3-3,5 tỷ đồng, trừ chi phí Ba Hiển còn bỏ túi hơn 1 tỷ đồng. Người dân nơi đây ai cũng thán phục tài làm ăn của Ba Hiển. Vì với diện tích đất này trước đây nông dân trồng lúa hoặc nuôi tôm quảng canh chỉ thu lời vài chục triệu đồng mỗi năm đã là nhiều. Có tiền, Ba Hiển chi tiêu rất bạo tay. Cứ mỗi đợt trúng tôm là cúng vài con heo quay, bia bọt thoải mái. Lúc đầu ông chạy vỏ máy đi về thăm nhà nhưng trúng tôm ông sắm hẳn con Toyota Camry đời mới “đi lại đường bộ cho thuận tiện”. Có xe, Ba Hiển đi về nhiều hơn, ở phố nhiều hơn ở vuông tôm. Ba Hiển thuê người coi vuông tôm, mình chỉ đứng sau chỉ đạo. Trúng mùa, công nhân được thưởng nóng, mỗi người cả chục triệu đồng. Thấy nuôi tôm có hiệu quả, người dân Kiên Lương ùn ùn đào ao, phát triển thành phong trào rầm rộ. Nhưng con tôm thuộc loại “ăn dơ nhưng phải ở sạch”, môi trường ô nhiễm là chúng đồng loạt lăn ra chết sạch. Diện tích thả nuôi ngày một tăng lên, môi trường ô nhiễm, nuôi tôm ngày một khó. Số người nuôi thành công thì ít mà số thất bại thì nhiều. Dày dặn kinh nghiệm như Ba Hiển nhưng cũng phải nếm mùi thất bại. Sau vài vụ tôm bị dịch bệnh, người ta không thấy Ba Hiển đi xe hơi nữa, mà lại quay về đi vỏ. Không còn nguồn vốn dồi dào, con tôm không được chăm sóc tốt nên dịch bệnh, chậm lớn, thu hoạch năng suất giảm thấy rõ. Thua lỗ nối tiếp thua lỗ, không còn vốn liếng, thậm chí không có tiền đóng cho chủ đất, “tỷ phú nuôi tôm Ba Hiển” nổi danh một thời đành phải trả đất, về lại nơi mình đã xuất phát với hai bàn tay trắng....
Theo NongNghiep.vn