Tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
- Thứ hai - 30/07/2018 20:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 30/7, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn được thực hiện thí điểm tại huyện Phú Bình thông qua Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020.
Ông Hoàng Thanh Giao, Chỉ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết, ba xã của huyện Phú Bình gồm: Tân Đức, Xuân Phương và Úc Kỳ đã được chọn để thực hiện thí điểm công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn.
Qua 2 năm triển khai, đến nay, 3 xã này đã dồn điền đổi thửa được gần 136/226 ha, đạt 60% kế hoạch. Người dân đã nhận đất và tổ chức sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp thuộc vùng dồn điền trong vụ Xuân năm 2018.
Tổng số hộ tham gia dồn điền đổi thửa là 1.567 hộ, trước dồn điền có tổng số 3.323 thửa, sau dồn điền còn 2.050 thửa, mỗi thửa có diện tích bình quân từ 502,9 m2 đến 1.083,5 m2. Kết quả, năng suất lúa bình quân đạt 60,5 tạ/ha, tăng 5,5 tạ/ha.
Giá trị sản xuất sau dồn điền đổi thửa đạt 139 triệu đồng/ha, tăng 41,7 triệu đồng/ha so với trước khi dồn điền.
Ngoài ra, chi phí đầu vào tiết kiệm được 50% giống, giảm chi phí khâu làm đất và khâu thu hoạch từ 2,5 đến 2,7 triệu đồng/ha. Thu nhập của người dân trong vùng dự án được nâng cao.
Đồng thời, hiệu quả về xã hội và môi trường cũng được nhìn nhận rõ ràng hơn như: ý thức của người dân trong tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa được nâng cao.
Cùng đó, tăng cường sự gắn kết, liên kết sản xuất giữa người dân trong xã với các tổ chức hợp tác xã, doah nghiệp. Đồng thời, bảo vệ môi trường nông thôn, môi trường trong sản xuất nông nghiệp do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học…
Tại hội nghị, các đại biểu đều đồng tình cho rằng dồn điền, đổi thửa tích tụ ruộng đất là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để có được hiệu quả, nhiều đại biểu cho rằng cần khắc phục một số vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm tại Phú Bình như: tiến độ chậm do huyện chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Đơn vị tư vấn chưa có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch chi tiết công tác dồn điền đổi thửa nên sự phối hợp giữa tư vấn với chính quyền cấp xã, xóm còn hạn chế.
Nhận thức của một số hộ dân trong vùng quy hoạch còn hạn chế, sợ bị ảnh hưởng quyền lợi nên phải vận động nhiều lần. Cán bộ xã, xóm còn thiếu kinh nghiệm thực tế, vẫn còn biểu hiện ngại khó…
Với mục tiêu đến năm 2020, Thái Nguyên phấn đấu thực hiện dồn điền đổi thửa được 1.000 ha đất trở lên, tại hội nghị, các địa phương cũng đề xuất, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch, xây dựng bản đồ dồn điền đổi thửa theo định hướng của ngành nông nghiệp và đăng ký của địa phương.
Cùng đó, lựa chọn địa phương có tiềm lực, đủ điều kiện để triển khai trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả. Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất cũng như cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị các đơn vị rà soát văn bản liên quan đến chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về dồn điền đổi thửa cũng như những kết và khó khăn trong quá trình triển khai tại địa bàn tỉnh để từ đó xem xét, đánh giá đưa ra định hướng trong thời gian tới.
Ông Trần Quốc Tỏ cũng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, thống nhất về chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới…
Thu Hằng/TTXVN
Nguồn: http://bnews.vn