Tích tụ ruộng đất quy mô lớn, trồng lúa lãi cao

Tích tụ ruộng đất quy mô lớn, trồng lúa lãi cao
Tích tụ ruộng đất (TTRĐ) liên doanh với doanh nghiệp để SX lúa hữu cơ là một chủ trương lớn của tỉnh Quảng Trị nhằm đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp bền vững.

Thực tế qua vụ đầu tiên cho thấy trồng lúa theo mô hình này người nông dân có lãi cao vì bán được giá.

14-08-58_cu_nhi_1
Ông Văn Phước (bên phải) và ông Trần Quang Hậy, Giám đốc HTX Long Hưng tính chuyện làm ăn lớn

Ông Văn Phước ở HTX Long Hưng, xã Hải Phú là người tiên phong của huyện Hải Lăng TTRĐ để SX lớn. Ông Phước quyết định thuê lại 10ha đất ruộng của 60 hộ thành viên HTX Long Hưng làm cánh đồng lớn canh tác lúa hữu cơ với mức giá thuê được tính bằng giá trị của 90 - 100kg lúa Khang dân/sào/năm. Vụ ĐX 2017 - 2018, ông Phước gieo cấy giống lúa chất lượng cao HC95 cho năng suất 6 tấn/ha.

Chính sách thí điểm TTRĐ của huyện Hải Lăng tuy mới ra đời nhưng đã phát huy được nhiều yếu tố tích cực, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, như luồng gió mới thổi vào các HTX của toàn huyện.

Ở HTX Đông Dương, xã Hải Dương có diện tích quy hoạch để thực hiện TTRĐ là 30ha. Bước đầu người dân đã cho thuê 5,6ha ruộng để gieo cấy giống lúa chất lượng cao RVT theo phương thức canh tác hữu cơ cho năng suất 6 tấn/ha.

Ông Bùi Văn Bình, Giám đốc HTX Câu Nhi của xã Hải Tân cho biết, mô hình TTRĐ ở HTX có 20ha. Đây là phần ruộng của 100 hộ thành viên SX lúa hàng năm. HTX đứng ra ký hợp đồng thuê lại ruộng của các hộ thành viên với giá 120kg lúa Khang dân/sào/năm. Thời hạn thuê ruộng kéo dài 5 năm sau đó các bên thương thảo và ký thuê tiếp.

Tuy nhiên HTX không đứng ra SX lúa mà lại ký hợp đồng cho tổ liên kết SX gồm 15 hộ góp vốn thuê lại với giá mà HTX Câu Nhi đã thuê của hội viên để canh tác lúa hữu cơ. Vụ ĐX 2017 - 2018, tổ liên kết SX đã sử dụng giống lúa chất lượng cao HN6 để gieo cấy cho năng suất 7 tấn/ha, có chỗ đạt 8 tấn/ha. Đây là giống lúa tốt nhất của tỉnh Quảng Trị được Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi của tỉnh cung ứng. Theo kế hoạch, vụ HT này, HTX Câu Nhi tiếp tục đưa thêm 20ha ruộng lúa vào thực hiện TTRĐ.

Theo ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, vụ ĐX 2017 - 2018 lần đầu tiên huyện thí điểm TTRĐ để trồng lúa cho kết quả tốt. Qua phân tích cho thấy trồng lúa theo mô hình này cho lãi cao hơn làm đại trà từ 15 - 18 triệu đồng/ha. Bà con nông dân của huyện hưởng ứng nhiệt tình mô hình TTRĐ. Họ cho thuê ruộng của mình sau đó đi làm nghề khác để vừa có thu nhập từ ruộng cho thuê và từ nghề mới.

TTRĐ tập trung thành vùng SXNN có quy mô lớn hơn nên đã giảm chi phí lao động, giống, phân bón. Việc sử dụng máy móc, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào SX thuận lợi và có hiệu quả hơn. Chủ trương của huyện là tiếp tục tập trung dồn điền đổi thửa, TTRĐ đối với những xã có điều kiện thuận lợi, vận động thành lập các tổ hợp tác hoặc nhóm hộ thuê đất, hoán đổi, chuyển nhượng để xây dựng cánh đồng lớn SX lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo Hải Lăng, áp dụng một quy trình, SX một loại giống lúa với các giống chủ lực như VTNA2, Thiên ưu 8, Bồ Đề 688 X2…

14-08-58_cu_nhi_2
Lúa SX theo mô hình tích tụ ruộng đất ở HTX Câu Nhi, xã Hải Tân có nơi cho năng suất đến 8 tấn/ha

Đánh giá cách làm này, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị khẳng định dồn điền đổi thửa, TTRĐ là một chủ trương lớn của tỉnh Quảng Trị nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới về tái cơ cấu nông nghiệp bền vững và xây dựng NTM. Qua thí điểm mô hình TTRĐ huyện Hải Lăng làm rất tốt khi phối hợp với Cty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị gieo trồng lúa theo hình thức SX lúa hữu cơ. Người nông dân được doanh nghiệp múa lúa tại ruộng với giá cao, 8 ngàn đồng/kg nên lãi nhiều.

"Tới đây, không chỉ huyện Hải Lăng thực hiện, mà Sở chỉ đạo tiếp tục TTRĐ đối với những xã, huyện khác có điều kiện thuận lợi, vận động thành lập các tổ hợp tác hoặc nhóm hộ thuê đất, hoán đổi, chuyển nhượng để xây dựng cánh đồng lớn SX lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị", ông Võ Văn Hưng.
LÂM QUANG HUY/NONGNGHIEP.VN