Tiền Giang ưu tiên xã điểm
- Chủ nhật - 13/07/2014 23:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với mục tiêu đến cuối năm 2014 có ít nhất 2/11 xã điểm đạt chuẩn NTM, 9 xã điểm còn lại đạt chuẩn vào năm 2015 nên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang xác định cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với Chương trình xây dựng NTM. Thực tế cho thấy, những địa phương nào huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc thì phong trào xây dựng NTM ở những địa phương đó phát triển rất mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp đã tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền vận động và huy động các nguồn lực xây dựng NTM. Theo đó, từ đầu năm 2014, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí cho các sở, ngành và các địa phương thực hiện trực tiếp hoặc lồng ghép triển khai thực hiện chương trình với tổng kinh phí gần 370 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, các địa phương, cơ sở tăng cường huy động vốn từ các nguồn khác, tham gia vào xây dựng NTM. Đồng thời đưa ra mục tiêu 2 xã Tân Thanh (Cái Bè) và Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) sẽ hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2014.
Hiện nay, việc triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản cho các xã điểm diễn ra khá gấp rút, song vẫn phải đảm bảo hồ sơ, thủ tục xây dựng đủ và đúng trình tự. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cũng yêu cầu các địa phương sớm hoàn tất công tác xây dựng đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM với những tiêu chí khó. Việc chỉ đạo phải thống nhất theo hướng những tiêu chí nào dễ; những tiêu chí nào thực hiện mà không cần hoặc ít cần nguồn vốn triển khai thì thực hiện trước. Việc đầu tư xây dựng phải theo hướng có sự ưu tiên cho xã điểm nhiều hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Phó trưởng ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Hiện tại, với mục tiêu đề ra sẽ có ít nhất 2 xã về đích trong năm 2014. Trong đó xã Tân Thanh (Cái Bè) và Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) được kì vọng nhiều nhất. Vì vậy, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh cũng như Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã phải tập trung mọi nguồn lực vào các tiêu chí chưa đạt đối với 2 xã này. Về đích sớm sẽ là cú đột phá để các xã khác phấn đấu, noi theo".
Đối với các xã xây dựng NTM, cần tập trung ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, chủ yếu là điện, đường, trường, trạm. Vì cơ sở hạ tầng là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ có cơ sở hạ tầng phát triển mới thúc đẩy SX, thu hút DN vào đầu tư phát triển nông thôn, nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay, tỉnh Tiền Giang có 2 xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) và Tân Thanh (Cái Bè) đạt 15 tiêu chí; 11 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 94 xã đạt 6 - 9 tiêu chí, 32 xã đạt dưới 6 tiêu chí. |
Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thanh, cho biết: "Hiện tại xã Tân Thanh còn gặp khó khăn ở 4 tiêu chí gồm: giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Ngay từ bây giờ chúng tôi phải chạy nước rút, đầu tư đồng bộ ở 4 tiêu chí này. Đảm bảo làm tới đâu dứt điểm tới đó nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.
Toàn thể Đảng bộ và nhân dân Tân Thanh sẽ phát huy tối đa sức mạnh của mình để đạt được mục đích đã đề ra. Hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm nay. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn, các dự án đầu tư vào Tân Thanh - một địa phương đang có tiềm năng phát triển về nhiều phương diện".
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang, điều đáng chú ý là, phát triển cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn hạn chế, các địa phương cần linh hoạt, tận dụng, phát huy sức mạnh cộng đồng qua tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng. Bài học xây dựng NTM ở xã Tân Thanh (Cái Bè) và xã Tân Mỹ Chánh (TP Mỹ Tho)... cho thấy, một khi người dân thấy được lợi ích thiết thực từ dự án, công trình đối với cộng đồng thì họ sẵn sàng tham gia, hưởng ứng.
Ông Nguyễn Văn Đức ở xã Tân Mỹ Chánh cho biết: "Từ khi phát động xây dựng NTM, chúng tôi luôn đồng tình, ủng hộ chủ trương này. Xây dựng NTM nghĩa là xây dựng cuộc sống mới. Với ý nghĩ đó, khi tôi đi vận động hiến đất, hoa màu, di dời vật kiến trúc thì được bà con nhiệt liệt hưởng ứng. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, là tiền đề quan trọng để xây dựng NTM thành công".
Còn đối với ông Nguyễn Văn Hai ở xã Tân Thanh thì: "Đã 4 năm nay tôi đứng ra làm công tác tuyên tuyền để người dân hiểu ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Từ con đường đến trường học rồi cả cái chợ khang trang nữa. Khi họ chưa hiểu, mình phải kiên trì giải thích cho họ hiểu. Khi dân đồng tình rồi việc gì cũng thành công. Bây giờ, xã Tân Thanh chỉ còn những tiêu chí cần về nguồn vốn lớn, còn những tiêu chí cần nội lực, cơ bản xã đã hoàn thành".
Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh Tiền Giang cần tăng cường đưa các mô hình, dự án, chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng hiệu quả SX, giảm tác động ô nhiễm môi trường. Xây dựng các mô hình cộng đồng, SX hợp tác trong nông nghiệp mẫu, điểm hiệu quả, sau đó nhân rộng cho các xã còn lại.
Và khi các mô hình hiệu quả được người dân hưởng ứng, kinh tế nông thôn phát triển, thu nhập người dân được nâng lên, cùng với đó là trình độ dân trí, nhu cầu thưởng thức văn hóa được cải thiện. Có như thế, nông thôn mới thật sự phát triển bền vững.
Cao Nguyên
Nguồn: nongnghiep.vn