Tiên Yên tìm mô hình mới cho sản xuất nông nghiệp

Tiên Yên là huyện miền đông tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên nơi đây là những người đi đầu trong việc đánh thức và khơi dậy những tiềm năng của vùng đất này.

 

Ðồng chí Bí thư Huyện ủy Tiên Yên Kiều Quốc Huy cho chúng tôi biết, điều mà huyện luôn trăn trở là đi tìm những mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp để khơi dậy tiềm năng. Mỗi lần về quê (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), anh lại cùng một số chủ trang trại trao đổi ý kiến, gợi mở những cách thức làm giàu từ đất rừng, chăn nuôi, trồng trọt. Ðiều này tác động đến việc Huyện ủy Tiên Yên hình thành nghị quyết phát triển nông, lâm, ngư nghiệp huyện giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó tập trung đầu tư cho các mô hình sản xuất chuyên canh, như trồng dong riềng, chế biến miến dong, trồng khoai lang, mía tím, rau xanh, trồng hoa, phát triển đàn gà Tiên Yên - đặc sản địa phương,...

Thực hiện Nghị quyết này, các xã đã xây dựng vùng chuyên canh, khuyến khích nhân dân chủ động đầu tư, phát triển sản xuất. Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Than Nguyễn Xuân Tặng cho biết, xã đã xây dựng mô hình nuôi cá rô đầu vuông, cá rô phi đơn tính, nuôi gà Tiên Yên quy mô trang trại, trồng rừng. Ðất rừng của xã được giao cho các hộ gia đình. Hộ nhận ít nhất hai ha, hộ nhiều nhất 30 ha. Các hộ chủ yếu trồng cây keo, chu kỳ từ năm đến bảy năm. Hằng năm, xã có từ 200 đến 250 ha rừng keo đến kỳ khai thác. Mỗi ha thu về 50 triệu đồng. Riêng thu từ cây keo, mỗi năm, bà con có hơn mười tỷ đồng. Bên cạnh đó, dịch vụ khai thác, chế biến dăm gỗ keo cũng thu hút hàng trăm lao động trong vùng, mỗi ngày công từ 100 đến 150 nghìn đồng. Ðến thăm gia đình ông Phùn Chi Dếnh, dân tộc Dao, thôn Nà Lộc, thấy ngôi nhà hai tầng, rộng rãi  khang trang. Ông Dếnh cho biết, ngôi nhà này được làm từ tiền bán keo. Còn những hộ khác thì nói vui, họ có ô-tô để trên đồi (rừng keo) chưa lấy xuống đấy.

Ở xã Ðông Ngũ có tám mô hình sản xuất. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Vũ Nhật Quang, mô hình hộ gia đình trồng nấm mới nhận chuyển giao kỹ thuật, đưa vào sản xuất đã cho kết quả tốt. Ðồng chí cũng cho biết, Ðảng ủy xã chỉ đạo xây dựng mô hình kinh tế hộ và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên theo dõi, kiểm tra, tổ chức thực hiện, hằng tháng báo cáo cấp ủy, hoặc báo cáo trong sinh hoạt chi bộ. 

Ðiểm nổi bật của Tiên Yên là gắn phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Kinh tế khá giả là điều kiện để các xã huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn. Huyện ủy có nghị quyết, văn bản chỉ đạo và hỗ trợ xi-măng đã làm bật dậy tinh thần của nhân dân tham gia làm những công trình này. Theo Bí thư Ðảng ủy Ðông Hải Nguyễn Ðức Chính, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban Quản lý, Ban chuyên môn, kỹ thuật, giám sát, có mẫu biểu hướng dẫn cam kết đóng góp tự nguyện của nhân dân vì thế chương trình được triển khai rất hiệu quả. Từ năm 2010 đến 2012, nhân dân đã hiến 3.637 m2 đất, đóng góp hơn 611 triệu đồng, thực hiện 2.367 ngày công,  làm 4.590 m đường giao thông nông thôn. Ông Hoàng Thái ở thôn Phương Nam đóng góp 10 triệu đồng, xây dựng đường nội khu dân cư cho biết, hộ góp nhiều nhất là 50 triệu đồng, đường làm xong, bây giờ người xe đi lại thoải mái.

Quảng Chính cũng là xã phát triển mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn. Năm 2012, nhân dân đã làm năm km đường bê-tông xi-măng, 12 km đường cấp phối. Nhân dân hiến 8.050 m2 đất, đóng góp tiền và công lao động tính thành tiền  hơn ba tỷ, 469 triệu đồng.

Những tiềm năng, thế mạnh của Tiên Yên sẽ còn phát huy hiệu quả cao hơn nếu những khó khăn được các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ninh giúp đỡ. Ðịa phương rất cần sự tham gia, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là với các loại giống mới. Việc triển khai mô hình phát triển nuôi gà Tiên Yên và xây dựng thương hiệu cho giống gà này, huyện đã chào mời các nhà chuyên môn ở Hà Nội, giúp quy trình kỹ thuật giai đoạn ấp, nuôi gà mới nở với số lượng lớn, nhưng không nhận được sự quan tâm, mặn mà.  Công nghiệp ở  Tiên Yên chưa phát triển, nhưng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở làm giấy đã làm mất đi một số loài cá, thủy sản quý hiếm. Gần đây, ô nhiễm được khắc phục, các loài thủy sản nói trên đã trở lại.  Làm thế nào để phát triển kinh tế mà vẫn giữ được môi trường đang là câu hỏi đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trồng cây keo tuy cho thu nhập cao, nhưng về lâu dài, từ chu kỳ thứ hai trở đi thời gian thường dài hơn đến vài năm, đất trồng keo thường bị xói mòn, bạc màu nhanh... Trước mắt, mới tính đến đưa cây thông nhựa, cây quế, dược liệu vào thay thế, nhưng về lâu dài cần phải nhờ đến ý kiến các nhà khoa học. Rồi xuất khẩu gỗ dăm thì giá thấp, nếu có cơ sở chế biến thành bột giấy thì giá trị gia tăng cao hơn nhiều,... Hy vọng những băn khoăn này sẽ được  các ngành quan tâm giúp đỡ giải quyết.
 

 

BÀI VÀ ẢNH: MẠNH THUẦN, QUANG THỌ

 


Theo nhandan.org.vn