Tiến sĩ về làng chung tay xây dựng nông thôn mới

Tiến sĩ về làng chung tay xây dựng nông thôn mới
Tiến sĩ sử học Trần Thị Kim Dung, sinh năm 1956 tại làng Thọ Lộc, xã Minh Khai (Vũ Thư). Những năm qua, Tiến sĩ Trần Thị Kim Dung là nhân tố điển hình chung tay xây dựng nông thôn mới ở quê hương.
 
Làng quê Minh Khai (Vũ Thư). Ảnh: Thành Tâm

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố là nghệ sĩ (nhạc công Đoàn cải lương Thanh Hóa) từ thời Pháp thuộc, mẹ ở quê thường phải đi làm thuê kiếm sống nuôi con. Năm 10 tuổi, Kim Dung mới được mẹ đưa về trường làng học cấp I rồi cấp II trường huyện, cấp III trường tỉnh, có năng khiếu văn - thể, được thầy cô chăm sóc đặc biệt. Học ở cấp nào, Kim Dung cũng đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi và thành công trên con đường học tập, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu.

Là người khổ công nghiên cứu khoa học, Trần Thị Kim Dung vẫn đau đáu với làng. Có lần đến thăm tôi, Trần Thị Kim Dung tâm sự: Những lần về quê em thường ra đồng thăm ruộng, dạo bước trong cỏ, đi trên bờ con sông làng Cửa Miếu hít thở hương quê, ở đấy đã có một thời niên thiếu, tắm gội đời em, em càng yêu quê mình quá thầy ơi...

Thấm đẫm tình quê nên nhiều năm Trần Thị Kim Dung tiết kiệm tiền thăm biếu người thân, người cao tuổi, thầy giáo cũ, ủng hộ các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, mỗi lần từ 3 - 5 triệu đồng. Được gặp tặng quà đông đủ người già, con trẻ tại đình làng trong niềm vui tay bắt mặt mừng, Trần Thị Kim Dung xúc động trong lời tri ân với làng: Tôi như trẻ lại hàng chục tuổi khi được gặp hết đại biểu của các gia đình trong làng. Sung sướng quá...

Tháng 8/2005, đến thăm tôi, Trần Thị Kim Dung chầm chậm, thủ thỉ: Em thấy con đường ra đồng của làng ta (từ cầu ông Năm đi) là con đường huyết mạch của đời sống lao động sản xuất cứ lầy lội mãi... Hình ảnh con đường cứ thấp thoáng ẩn hiện trong em... Thế là sau khi thống nhất với chồng con, Kim Dung đề xuất với làng xin làm ngay con đường ấy - con đường Cầu Rão dài 850m với số tiền gần 40 triệu đồng. Được đi trên con đường bê tông đầu tiên của làng dẫu không to rộng nhưng không ổ gà, không lầy lội khi mưa, bà con quê tôi sung sướng tự gọi là "Đường cô Dung".

Lại một con đường khác nối từ đường giao thông của huyện (đường 220) vào khu di tích lịch sử văn hóa của xã và cũng là con đường đi lại lao động sản xuất, sinh hoạt của làng xã, Kim Dung đã vận động người đồng hương Hà Nội Đoàn Thị Cần cùng chung sức làm con đường thứ hai này dài 350m, rộng 3,2m, bằng bê tông, trị giá 120 triệu đồng.

Hưởng ứng Quyết định số 19 ngày 7/10/2013 của UBND tỉnh về hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, mặc dù ở thời điểm này kinh tế gia đình không còn thuận lợi nhưng do lòng nhiệt huyết với quê hương, lại được sự đồng thuận của chồng là ông Lê Thế Được (Phó Giám đốc Công ty Phát triển nhà Hà Nội), Kim Dung làm tiếp con đường chính thứ ba của làng từ cầu xóm 11 đến chùa Phượng Vũ dài 680m, mặt đường rộng 3,3m, dày 0,15m với kinh phí 160 triệu đồng. Con đường nổi lên như một điểm sáng, làm sáng thêm ý nghĩa ý Đảng lòng dân.

Giờ đây, sớm chiều nhân dân trong và ngoài xã đi lại thuận tiện trên nhiều tuyến đường, trong đó có những con đường ông bà Dung - Được đầu tư đang đưa đón các loại xe và những dòng người ngược xuôi tấp nập trong đời sống dân sinh.

Được sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp, nhân dân quê tôi đang hối hả lao động sản xuất và hoàn thành các tiêu chí để sớm về đích nông thôn mới. Trong niềm hân hoan ấy có sự đóng góp sâu nặng nghĩa tình và đầy tính nhân văn của đảng viên Trần Thị Kim Dung được gói gọn trong tâm tưởng của Đảng bộ và nhân dân Minh Khai "Tiến sĩ về làng chung tay xây dựng nông thôn mới".

Minh Lệ
(Minh Khai, Vũ Thư)

 Nguồn: baothaibinh.com.vn