Tiếp cận nghèo đa chiều: Không để ai ở lại phía sau

Việt Nam được đánh giá là có những thành quả đáng kể trong công cuộc giảm nghèo, tỷ lệ nghèo giảm liên tục ở tất cả các nhóm dân cư. Khoảng cách nghèo giữa các vùng, miền giảm cả trên diện rộng và chiều sâu (từ 18,5% năm 1993 xuống còn 3,5% năm 2010 và dưới 2% năm 2014 (ở thành thị khoảng cách chỉ còn 0,5% và nông thôn còn dưới 3,5%)…Tuy đạt được thành tích đáng kể trên nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức không hề nhỏ bởi tốc độ giảm nghèo không đồng đều.
Tiếp cận nghèo đa chiều là cách tiếp cận dựa theo quyền con người.

Còn đó sự nghèo

Đó là sự “chênh” giữa các khu vực và nhóm dân số khác nhau, tỷ lệ nghèo vẫn khá cao ở vùng Tây Bắc (32,7%) vùng ven biển Bắc Trung Bộ (19,3%) và Đông Bắc (17%)… Sự không đồng đều này đã trở thành vấn đề bức xúc, không chỉ với mức sống tiền tệ mà còn ở sự tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, an sinh xã hội và những lĩnh vực khác của cuộc sống…

Nghèo cùng cực vẫn đang còn tồn tại, nhất là ở các nhóm dân tộc thiểu số và các khu vực đặc biệt khó khăn. Đến nay, nhiều nơi vẫn còn khoảng 50% người dân tộc thiểu số sống dưới chuẩn nghèo chung và có tới 31% rơi vào cảnh nghèo lương thực.

Một số nhóm người Ba na, Gia- rai, Ê đê, Cơ-ho, Mông và Mường chiếm gần một nửa tổng số người nghèo trên cả nước và có tốc độ giảm nghèo thấp hơn nhiều so với người Kinh. Nghèo cùng cực vẫn tồn tại trong nhóm dân tộc thiểu số (thiếu lương thực, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn chuẩn nghèo và tiếp cận các dịch vụ xã hội hạn chế…).

Nghèo thành thị hay của những lao động di cư, lao động khu vực không chính thức đang hình thành những nhóm người nghèo mới. Kết quả nghèo thành thị từ 25,1% năm 1993 giảm xuống còn dưới 2% năm 2014 cho thấy nghèo thu nhập không còn là hiện tượng lan rộng ở khu vực này nữa. Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh và tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị những năm gần đây có liên quan tới những vấn đề xã hội bức xúc, bao gồm nhà ở không đủ tiêu chuẩn, nước sạch, vệ sinh và ô nhiễm môi trường, hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… Hậu quả là đang gia tăng tỷ lệ các nhóm dân thành thị phải đối diện với thiếu thốn về nhiều mặt trong cuộc sống thay vì thu nhập thấp. 

Nguy cơ tái nghèo cao do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự bất ổn kinh tế vĩ mô, những thảm họa thiên tai nghiêm trọng do biến đổi khí hậu cùng những cú sốc mang tính đặc thù như chi tiêu y tế trong hoàn cảnh mắc bệnh hiểm nghèo. Chỉ tính trong năm 2010, tỷ lệ hộ thoát nghèo rồi lại tái nghèo là 32%.

Điều này đòi hỏi trong thời gian tới cần có chính sách toàn diện hơn và phải đảm bảo việc mở rộng cơ hội, phát huy năng lực nắm bắt thời cơ giúp thoát nghèo bền vững cũng như giảm rủi ro, bảo vệ người dân không rơi vào nghèo đói trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà đang tăng tốc chuyển dịch sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…

Tuy nhiên, việc áp dụng duy nhất tiêu chí thu nhập thay cho chi tiêu để xác định hộ nghèo, cận nghèo đã dẫn đến sự phân loại đối tượng, mặt khác chuẩn nghèo được duy trì trong cả giai đoạn trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm đều thay đổi dẫn đến các giá trị chuẩn nghèo không còn phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu của người nghèo, nhất là tại vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Có thể khẳng định, phương pháp tiếp cận đa chiều có tính khả thi cao, khi cho thấy khác biệt đáng kể giữa dân di cư và dân định cư, trong khi đó phương pháp tiếp cận dựa vào thu nhập lại ẩn đi chênh lệch này. Chính vì vậy, đánh giá nghèo đói đòi hỏi một phương pháp đo lường đa chiều nhằm đảm bảo tính toàn diện và bền vững của giảm nghèo.
    
Tiếp cận nghèo dựa theo quyền con người 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó chỉ rõ, nếu chỉ dùng thước đo duy nhất dựa vào chi tiêu/thu nhập sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót đối tượng, mặt khác có những người tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại không tiếp cận được một số nhu cầu cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin...

Tiếp cận nghèo theo phương pháp đo lường đa chiều sẽ khắc phục được những bất cập và tồn tại của chính sách giảm nghèo, để người dân được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Các chuyên gia cho rằng, đo lường nghèo đa chiều là phương pháp mới đang được các tổ chức quốc tế, một số quốc gia trên thế giới nghiên cứu, chuyển đổi, chưa có hình mẫu và quy định chung. Vì vậy, ở Việt Nam, việc áp dụng phương pháp này cần vận dụng phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội cụ thể của đất nước. 

Tiếp cận nghèo đa chiều cần đạt được 3 mục tiêu, đó là: Đo lường (các chiều nghèo); Giám sát nghèo và định hướng chính sách; Xác định hộ nghèo cũng như đối tượng thụ hưởng chính sách.

Trong quá trình chuyển đổi phương pháp tiếp cập đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, chuẩn nghèo đa chiều và chuẩn nghèo chi tiêu/thu nhập cần được sử dụng song song. Hiện nay, có 11 chỉ tiêu nghèo đa chiều bao gồm: giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh, dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin, bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam dự kiến được xác định như sau: một hộ gia đình được coi là hộ nghèo đa chiều nghiêm trọng nếu hộ gia đình thiếu từ 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên; một hộ được coi là hộ nghèo đa chiều nếu hộ gia đình thiếu từ 1/3 - 1/2 tổng số nhu cầu sống cơ bản; một hộ gia đình được coi là hộ cận nghèo đa chiều nếu hộ gia đình thiếu từ 1/5 - 1/3 tổng số nhu cầu cơ bản.

Nói về vấn đề này, ông Ngô Trường Thi- Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết: “Để nâng cao hiệu quả của các chính sách giảm nghèo và từng bước chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế thì việc rà soát, đánh giá chính sách là cần thiết, nhằm thiết kế lại chính sách giảm nghèo phù hợp hơn.

Trong đó, chú trọng việc tổ chức rà soát, đánh giá, thiết kế lại các chính sách giảm nghèo theo hướng gọn đầu mối, tập trung nguồn lực hướng vào đối tượng thụ hưởng để tạo sự tác động rõ nét, bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp với các nhóm đối tượng, các vùng miền. Đặc biệt, cách tiếp cận nghèo đa chiều được đề xuất áp dụng ở nước ta trong thời gian tới là cách tiếp cận dựa theo quyền con người, quyền được đảm bảo  an sinh xã hội, nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân.

Các nhu cầu cơ bản này, được coi như là quan trọng ngang bằng nhau (quyền không thể thay thế) và con người có quyền được đáp ứng tất cả để có thể đảm bảo cuộc sống bình thường…”

    Hữu Bắc
http://daidoanket.vn/