Tiếp sức xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 27/09/2017 22:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong tháng 9, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp để nghe và cho ý kiến về đề án thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã đặc biệt khó khăn, vùng biên giới giai đoạn 2017-2020 có tính đến năm 2025. Theo đề án, 27 xã vùng biên thuộc 6 huyện có đường biên giới tiếp giáp với nước Lào là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Anh Sơn và Thanh Chương. Đến ngày 30/6, chưa có xã biên giới nào đạt chuẩn NTM. Vùng 27 xã thuộc đề án là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Mục tiêu xây dựng đề án nhằm rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế, xã hội của các xã khu vực biên giới; tạo động lực giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số khu vực biên giới từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.
Đề án phát triển 27 xã biên giới sẽ tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống |
Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh cho biết: Đề án được chỉ đạo xây dựng cụ thể, chi tiết, lấy ý kiến đóng góp của các cấp ngành, chỉ rõ nguồn lực thực hiện đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với các xã biên giới. Sau khi đề án xây dựng xong, tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt thực hiện và ban hành cơ chế hỗ trợ đặc thù xây dựng nông thôn mới tại các xã, trong đó, chú trọng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, xây dựng mô hình phát triển sản xuất hàng hóa từ kinh tế rừng, đất rừng để tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân...
Với điều kiện của các xã vùng biên giới, địa bàn rộng, diện tích lớn, dân cư ở không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo kế hoạch là điều thực sự khó khăn. Như ở huyện Quế Phong, có 4 xã biên giới gồm Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch và Thông Thụ mới đạt từ 6 - 7/19 tiêu chí nông thôn mới; có nhiều bản chưa có đường giao thông và điện lưới quốc gia. Huyện Kỳ Sơn số xã có tiêu chí thấp cũng tương tự huyện Quế Phong, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã biên giới chiếm gần 70%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm.
Khi đề án được phê duyệt và thực hiện, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống lâu dài, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế dài hơi. Ngoài nguồn vốn ưu tiên đầu tư của tỉnh, các địa phương cần kêu gọi doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới. Lồng ghép, ưu tiên các nguồn vốn do bộ, ngành quản lý để đầu tư thực hiện đề án. Mục tiêu lớn nhất của đề án là tạo đòn bẩy cho các xã đột phá phát triển, nâng cao đời sống người dân.
Mai Liễu/laodongnghean.vn