Tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi hạ dần giá lợn

Tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi hạ dần giá lợn
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết tiếp tục đề nghị dứt khoát 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn hạ giá lợn.

Tại cuộc kiểm tra, đánh giá về tình hình tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại Phú Thọ ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao những giải pháp tổng thể, đồng bộ của tỉnh Phú Thọ trong công tác phòng chống DTLCP, sớm khống chế dịch, hạn chế tối đa thiệt hại.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp bàn giải pháp đẩy mạnh tái đàn lợn với tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Lê Bền.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp bàn giải pháp đẩy mạnh tái đàn lợn với tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Lê Bền.

Đồng thời, hiếm có tỉnh nào đã tạo được chăn nuôi an toàn sinh học nghiêm ngặt, giúp tái đàn, tăng đàn nhanh như Phú Thọ thời gian qua. Với lợi thế đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục tinh thần, đẩy mạnh tối đa việc tăng đàn, tái đàn trong thời gian tới, đi đôi với việc thực hiện chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học một cách chặt chẽ nhất.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá tín hiệu lạc quan là đến thời điểm này, trên 98% số xã cả nước đã không còn DTLCP. Đây là tín hiệu rất tích cực, khẳng định khống chế dịch đã đạt kết quả và sẽ chuyển theo hướng tập trung thúc đẩy phát triển nhanh đàn lợn.

Theo Bộ trưởng, qua kiểm tra thực tế hiện nay của Phú Thọ cho thấy, khá yên tâm với tổng đàn lợn cả nước hiện nay, bao gồm 109 nghìn con giống cụ kỵ, ông bà và 2,7 triệu lợn nái, cộng với số lợn thịt theo thống kê hiện tại có khoảng 22 triệu con. Với một tốc độ tăng đàn, tái đàn lợn thuận lợi, nhanh như hiện nay, tin tưởng tới đây sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm. Nguồn cung thịt lợn là sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng được cải thiện, phù hợp cả cho người chăn nuôi và phù hợp cả cho người tiêu dùng.

Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên Bộ trưởng cũng lưu ý dịch bệnh vẫn luôn luôn tiềm ẩn. Vì vậy, khuyến nghị bà con nông dân kiên trì, kiên quyết thực hiện tuân thủ đúng quy trình an toàn sinh học.

Đoàn công tác của lãnh đạo Bộ NN-PTNT và tỉnh Phú Thọ kiểm tra trang trại làm tốt công tác tăng đàn. Ảnh: Lê Bền.
Đoàn công tác của lãnh đạo Bộ NN-PTNT và tỉnh Phú Thọ kiểm tra trang trại làm tốt công tác tăng đàn. Ảnh: Lê Bền.

Về giá thịt lợn, Bộ trưởng cho biết thời gian tới, sẽ yêu cầu tất cả các doanh nghiệp lớn mang tính chất giá tham chiếu định hướng phải hạ giá xuống hơn nữa. Bởi dư địa để tiếp tục hạ thêm giá lợn xuống còn thực hiện được, trong khi với giá lợn hơi 75 nghìn đồng/kg là đã có lãi cao. Do đó, phải giảm xuống nữa để làm sao bảo vệ được thị trường và cũng phải hài hoà với xã hội của người tiêu dùng.

Việc đưa giá hợp lý xuống cũng là giải pháp bảo vệ thị trường bền vững, bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Do đó, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu dứt khoát 17 tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn phải tuân thủ điều đó. Đây không phải là chủ trương phi kinh tế thị trường, mà chính là nghệ thuật thị trường, phải bảo vệ thị trường, chăm lo thị trường để người dân, xã hội, người tiêu dùng ủng hộ thì ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Do đó là thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị dứt khoát 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn phải thực hiện theo khuyến nghị, theo yêu cầu của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT nhằm đưa giá lợn dần xuống mức độ hợp lý để phát triển một cách lành mạnh, tích cực, bền vững...

Chủ trang trại: Giá lợn hơi 50 nghìn/kg là đã có lãi tốt

Tại Phú Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thăm trang trại chăn nuôi khép kín của hộ gia đình bà Cấn Thị Thìn (xã Phú Hộ, TX Phú Thọ).

Trao đổi với Bộ trưởng, bà Thìn cho biết từ năm 2019 đến nay, trong bối cảnh nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại địa phương bị DTLCP càn quét, thì trang trại của bà đến nay vẫn an toàn, chưa từng xảy ra dịch bệnh nhờ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học.

Hiện trang trại bà Thìn có quy mô đàn nái hơn 200 con, tự chủ động gây được nguồn lợn ông bà, lợn nái và khép kín nuôi lợn thịt với tổng đàn thường xuyên từ 1.600 đến 2.000 con.

Đàn nái tại cơ sở chăn nuôi của hộ bà Cấn Thị Thìn. Ảnh: Lê Bền.
Đàn nái tại cơ sở chăn nuôi của hộ bà Cấn Thị Thìn. Ảnh: Lê Bền.

Bà Thìn cho biết sau khi DTLCP trên địa bàn tỉnh chấm dứt, từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 đến nay, cơ sở chăn nuôi đã tăng tối đa công suất khai thác đàn nái để đẩy mạnh tăng đàn. Theo các kỹ sư của trang trại, thông thường, mỗi nái đẻ bình quân 12-14 con/lứa, 32-34 con/năm. Thời gian qua, trang trại đã tăng công suất khai thác đàn nái tối đa, bình quân từ 13-14 con/lứa, tổng đàn lợn con bình quân tăng 6-10% so với trước đây nhằm phục vụ cho nhu cầu mở rộng quy mô đàn lợn thịt cũng như phục vụ cho nhu cầu con giống đang tăng cao của các hộ dân liên kết.

Trang trại của bà Thìn cũng là thành viên của tổ hợp tác tại xã Phú Hộ với trên 10 thành viên. Ngoài phục vụ nhu cầu con giống tại chỗ, hiện trang trại đã gia tăng việc cung ứng con giống cho các hộ thành viên khác trong tổ hợp tác để gia tăng quy mô. Hiện trang trại của bà Thìn đã có kế hoạch nâng tổng số đàn nái tăng thêm, lên 300 con trong thời gian tới.

Hiện nay, giá lợn hơi đã có giảm nhẹ so với thời gian trước, tại Phú Thọ xuất chuồng giá từ 65-70 nghìn đồng/kg.

“Hiện nay, mặc dù giá thành sản xuất đã tăng do chi phí vật tư cao. Tuy nhiên chỉ cần giá lợn hơi xuất chuồng bình quân 50.000 đ/kg, các trang trại đã có lãi khá. Vì vậy, tôi cũng không ủng hộ việc giá lợn tăng quá cao. Vì giá quá cao thì dân lại đổ xô vào nuôi, giá lại rẻ, thiếu ổn định mà nguy cơ dịch bệnh lại nguy hiểm”, bà Thìn phân tích.
 

Theo: Lê Bền/nongnghiep.vn