Tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư cho “tam nông”
- Chủ nhật - 11/01/2015 06:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gắn bó cùng “tam nông”
Agribank đầu tư vốn đưa mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển.
Xác định rõ nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó, thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với hơn 26 năm phát triển, Agribank luôn khẳng định vai trò chủ lực của ngân hàng thương mại nhà nước trong đầu tư tín dụng cho “tam nông”, với dư nợ cho vay lĩnh vực này của toàn hệ thống Agribank hiện đạt 74,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, tại một số chi nhánh tỷ lệ này lên đến 90%.
Agribank tập trung nguồn vốn chương trình cho vay ngành lương thực, thủy sản, càphê, chăn nuôi, cho vay trồng cây cao su, tiêu, điều; chương trình xây dựng nông thôn mới; cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/NQ-CP; chính sách cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản; Quyết định 1050/QĐ-NHNN về cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ…
Nguồn vốn Agribank đầu tư cho “tam nông” đã, đang và tiếp tục giúp các địa phương cả nước thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tăng thu nhập cho khách hàng…
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp từng địa phương có bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa; hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp như: mía, mì (sắn), cao su, càphê...; các vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao như: gia súc, gia cầm, thủy sản…, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng khác. Cũng từ đây, tạo điều kiện để hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn. Nhiều hộ gia đình, kể cả các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Agribank theo cơ chế ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động trong nông nghiệp vốn chịu chi phối bởi tính thời vụ và tình trạng “nông nhàn”.
Có thể nói, chính sách tín dụng của Agribank đối với phát triển “tam nông” đã góp phần tích cực trong việc giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, thông qua việc cho vay đáp ứng các nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, cho vay xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn Agribank đã góp phần làm thay đổi đáng kể cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, Agribank tiếp tục khẳng định là tổ chức tín dụng dẫn đầu về cho vay xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng hệ thống chính trị triển khai thành công bước đầu chương trình, với doanh số cho vay xây dựng nông thôn mới từ khi triển khai đến nay đạt trên 201.000 tỷ đồng, với trên 2 triệu hộ sản xuất tại 2.237 xã xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc được vay vốn từ Agribank.
Nguồn vốn của Agribank đầu tư cho “tam nông” đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Thông qua ký thoả thuận liên tịch với Trung ương Hội Nông dân và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đẩy mạnh cho vay kinh tế hộ thông qua tổ vay vốn, tạo “kênh” dẫn vốn hiệu quả, Agribank giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời từ chính mô hình sản xuất của gia đình, hạn chế tình trạng vay vốn qua trung gian và vay nặng lãi. Hiện nay, khách hàng truyền thống có dư nợ tại Agribank là 3.683.933 hộ sản xuất và cá nhân.
Hướng đến phục vụ tốt hơn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân
Hiện nay, Agribank triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Mục tiêu đến hết năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Agribank cần đạt được là, tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt tỷ lệ khoảng 80% dư nợ. Có thể nói, mọi thay đổi theo hướng tích cực mà Agribank đạt được bước đầu từ triển khai Đề án tái cơ cấu đều hướng tới khách hàng, nhằm phục vụ tốt hơn người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn vốn Agribank giúp nông dân có điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất.
Kiên định với mục tiêu phục vụ “tam nông”, Agribank tiếp tục triển khai các chương trình kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đẩy mạnh cho vay theo Nghị định 41, Nghị định 67 của Chính phủ, chương trình cho vay ngành lương thực, thủy sản, càphê, chăn nuôi, cho vay trồng cây cao su, tiêu, điều; xây dựng nông thôn mới; cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp… Năm 2015, Agribank phấn đấu dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 72 - 74% dư nợ cho vay nền kinh tế; dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tăng trưởng từ 10 - 12% so với năm 2014. Agribank tập trung nguồn vốn để tăng trưởng tín dụng, ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ kịp thời cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có đặc thù thường xuyên gặp những rủi ro bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh…, dẫn đến gặp khó khăn trong thu hồi vốn, phát sinh nợ xấu… Để kiểm soát, hạn chế được rủi ro trong đầu tư lĩnh vực này, Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Hoạt động cho vay bám sát định hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và PTNT để đầu tư theo các vùng chuyên canh các cây trồng có giá trị kinh tế hàng hoá cao, xuất khẩu lớn; thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chương trình cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ; đánh giá kết quả triển khai thực hiện, nắm bắt những khó khăn vướng mắc của khách hàng khi tiếp cận vốn vay; xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc phát sinh; chỉnh sửa, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp với từng thời kỳ, từng lĩnh vực; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao dịch cho cán bộ, nhân viên; triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, thường xuyên phân tích hoạt động của khách hàng, phân tích dư nợ có tiềm ẩn rủi ro để có các giải pháp cụ thể xử lý cơ cấu nợ, giảm thấp nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh; tổ chức tốt việc nắm thông tin, diễn biến của nền kinh tế, những điều chỉnh cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động cho vay; dự báo rủi ro tín dụng để có các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng phù hợp, linh hoạt, an toàn, hiệu quả; tổ chức phân tích thực trạng dư nợ, chủ động tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng đối với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, công khai hồ sơ thủ tục, lãi suất vay vốn đối với khách hàng…
Kiên định mục tiêu đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, nông dân, với nguồn vốn tín dụng dành cho “mặt trận quan trọng hàng đầu” này của đất nước ngày càng tăng, Agribank cùng hệ thống chính trị đang tiếp tục có những đóng góp thiết thực, đưa nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển vững chắc, hàng chục triệu hộ nông dân có điều kiện làm giàu chính đáng từ đồng vốn của ngân hàng.
Theo: vtvcantho.vn