Tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đại biểu nhân dân

Trong không khí cả nước đang đón chào Xuân mới Mậu Tuất và Quốc hội vừa tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) - mở đầu cho hoạt động ngoại giao nghị viện lớn nhất của khu vực trong năm 2018 do Quốc hội Việt Nam chủ trì đăng cai, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

- Chủ tịch Quốc hội có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật trong năm thứ hai của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm mới cũng là dịp chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong năm qua để từ đó đúc rút những kinh nghiệm hay, những bài học quý.

Nhìn vào bức tranh tổng thể của đất nước trong năm 2017, tất cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế​-xã hội mà Quốc hội đề ra đều đạt và vượt kế hoạch; tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 vượt mục tiêu đề ra, tăng 6,81% so với năm 2016 - đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Những kết quả này tạo thế và lực cho năm 2018 và chặng đường phát triển tiếp theo.

Năm 2017, trong hoạt động lập pháp, qua kỳ họp thứ 3 và thứ 4, Quốc hội đã thông qua 18 luật và cho ý kiến về 15 dự án luật; tổ chức có chất lượng các phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều nhóm vấn đề thiết thực, bám sát thực tế.

Lần đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.

Chuyên đề giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ những lực cản đối với tiến trình cải cách, đề ra những giải pháp đồng bộ để cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước quyết liệt hơn, hiệu quả thực chất hơn trong giai đoạn tới.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nội dung của Nghị quyết đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo cơ sở cho quá trình tiếp tục đổi mới, cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được thực hiện trong năm đối với các vấn đề nổi lên trong xã hội cũng được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao, như giám sát về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016,” “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT)”...

Qua kết quả giám sát, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đều ban hành các Nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hạn chế, bất cập nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật và cũng là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục giám sát các nội dung này. Những nội dung này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước.

Trong năm 2017, Quốc hội cũng đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện để thông qua nhiều dự án, quyết định quan trọng của đất nước, trong đó có những chính sách đột phá, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, như Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…

Ngoài ra, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều nội dung về công tác nhân sự, như phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm thành viên Chính phủ; quyết định việc cho thôi, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với một số trường hợp...

Việc đổi mới cách thức thảo luận về các dự án luật, về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, về các báo cáo của các cơ quan chức năng, tăng thời gian thảo luận tại Hội trường, tăng cường tính đối thoại và tranh luận, cùng với việc bố trí nhiều hơn các phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Hội trường được phát thanh, truyền hình trực tiếp trong năm qua đã được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.

Qua đó tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động của Quốc hội với cử tri, tạo điều kiện để toàn dân theo dõi và đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với Quốc hội.

Có thể thấy, qua các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, đến nay, mỗi đại biểu Quốc hội đã chủ động hơn trong việc nắm bắt, tìm hiểu tình hình đời sống của nhân dân, cũng như tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó đã đưa nội dung chất lượng của mỗi kỳ họp Quốc hội nâng lên rõ rệt.

Điều này thể hiện qua việc tại kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, phân tích kỹ và bổ sung nhiều ý kiến xác đáng vào các Báo cáo đánh giá kết quả công tác năm 2017 của Chính phủ và các cơ quan, cũng như các Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực trước khi Quốc hội thông qua các Nghị quyết.

Trong năm 2017, tình hình kinh tế​-xã hội nước ta bên cạnh những kết quả đạt được còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thiên tai bão lũ xảy ra liên tục, kéo dài đến những tháng cuối năm...

Trong quá trình chuẩn bị kỳ họp, các đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri đã lắng nghe, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và nhân dân. Không chỉ đối với cử tri, người dân ở trong nước, mà trong các chuyến công tác nước ngoài, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã dành thời gian lắng nghe, ghi chép, giải đáp những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Những ý kiến, đề xuất của bà con cũng chính là thực tế sinh động góp phần giúp các đại biểu trong quá trình hoạt động của mình khi xem xét thông qua luật hay quyết định các vấn đề quan trọng có nhiều thông tin để xem xét bảo đảm chất lượng và có tính khả thi cao hơn…

Thực tế cho thấy, nhân dân chính là sức mạnh và là động lực để Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Đó cũng là cơ sở để Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

- Thưa Chủ tịch Quốc hội, cùng với những nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra, Quốc hội sẽ phát huy những kết quả đạt được trong năm qua như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2018 là năm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và chương trình của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cùng cả hệ thống chính trị đang vào cuộc với quyết tâm chính trị rất cao, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về phần mình, trên tinh thần đổi mới, sáng tạo và luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, Quốc hội đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2018; trong đó chú ý thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chương trình giám sát năm 2018 và xây dựng các chương trình năm 2019 bám sát thực tiễn, bảo đảm đáp ứng đúng và trúng những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn theo quy định.

Nhiệm vụ chung là vậy, nên mỗi đại biểu Quốc hội trên cơ sở nhiệm vụ của mình, cùng cần nhìn lại những mặt tích cực để phát huy và hạn chế, khắc phục những tồn tại để có định hướng hoạt động hiệu quả hơn.

Có thể thấy, từ những phiên họp Quốc hội, nhiều vấn đề của đời sống xã hội nói chung, hay đặc thù của mỗi vùng, miền nói riêng, khi được đưa ra đều được xem xét, bàn bạc thấu đáo.

Do đó, mỗi đại biểu Quốc hội cần đẩy mạnh mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và nhân dân hơn nữa. Các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải tiếp tục phát huy trí tuệ, lắng nghe ý kiến của cử tri, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân để khi xem xét, thảo luận thông qua các dự án luật phải đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao hơn.

Cùng với đó, đại biểu Quốc hội cũng cần thể hiện chính kiến, nói lên ý chí, nguyện vọng của cử tri ở nơi bầu ra mình và của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài.

Trên thực tế, chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri của mình, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chấp hành và thực thi pháp luật. Đây vừa là quyền, đồng thời là trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội trước cử tri và nhân dân.

Từ phản ánh của báo chí cho thấy, nhiều cử tri rất tâm đắc với hoạt động chất vấn và cho rằng, trong chất vấn các đại biểu đã nêu vấn đề thẳng thắn, cụ thể, đề cập đến những vấn đề nóng của đất nước, thiết thực với đời sống dân sinh. Quốc hội đã đưa ra được nhiều giải pháp và hướng giải quyết thấu đáo.

Vì vậy, hoạt động này sẽ tiếp tục được xem xét để có những đổi mới hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của người đại biểu, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, góp phần tăng cường niềm tin trong nhân dân.

- Chủ tịch Quốc hội có thể chia sẻ về công tác đối ngoại của Quốc hội trong thời gian tới?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2017 đánh dấu những thành công nổi bật trong công tác đối ngoại nghị viện, cả về phương diện song phương và đa phương.

Về hoạt động ngoại giao nghị viện song phương, chúng ta đã đón số đoàn lãnh đạo cấp cao của Quốc hội/nghị viện các nước nhiều nhất từ trước đến nay; đồng thời Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam và các cấp cũng đã đi thăm chính thức, thăm làm việc… tại một số quốc gia trên thế giới.

Có thể thấy, trong tất cả các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, Quốc hội Việt Nam đều nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo cơ quan lập pháp các nước.

Nội dung các cuộc làm việc đều đi vào thực chất, trong đó có đánh giá cả những mặt được và chưa được, cùng với những vấn đề cần tiếp tục thảo luận để thúc đẩy hợp tác. Các chuyến thăm đã mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam với các nước trong thời gian tới.

Nổi bật trong hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương là Quốc hội Việt Nam đã tham dự Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137) tại thành phố Saint Peterburg, Liên bang Nga; đã phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức Hội nghị chuyên đề của các nhà lập pháp khu vực châu Á​-Thái Bình Dương với chủ đề về hạn chế tác động của biến đổi khí hậu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ những hoạt động này, Chủ tịch IPU và bạn bè quốc tế đã có những nhận xét, đánh giá cao Quốc hội Việt Nam, luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp thực chất cho Ðại hội đồng và có tác động lan tỏa.

Tiếp nối những thành công trong năm 2017, từ ngày 18 đến ngày 21/1/2018, Quốc hội nước ta đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” được các nghị sỹ các nước đánh giá rất cao.

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, là hành động thiết thực của nghị viện, nghị sỹ các nước thành viên ủng hộ Tuyên bố Đà Nẵng về “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung” mà Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 đã thông qua.

Những hoạt động đối ngoại của Quốc hội cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã tạo thế chân kiềng vững chắc, góp phần vào việc tạo lập môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Với trọng trách của đại biểu Quốc hội là người đại biểu do dân bầu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nên phải thường xuyên lắng nghe, giải đáp tâm tư, nguyện vọng và nói lên tiếng nói của người dân. Điều này được coi là nền tảng, kim chỉ nam trong hoạt động của mỗi đại biểu Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung và được coi là nhiệm vụ trọng yếu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong nhiệm kỳ Quốc hội.

Năm 2018 là năm thứ ba của nhiệm kỳ khóa XIV, cùng với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Quốc hội tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phấn đấu xây dựng một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân.

Trước thềm Xuân mới, tôi bày tỏ mong muốn nhân dân, cử tri cả nước, cũng như đồng bào ta ở nước ngoài luôn đoàn kết, đồng tâm hiệp lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Một mùa Xuân mới đang về, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới tới mỗi gia đình, mỗi người Việt Nam ở trong nước cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành công!

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân!

Theo TTXVN