Tiêu chí cho thành phố xây dựng nông thôn mới là gì?
- Thứ bảy - 07/10/2017 08:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chia sẻ thông tin về tiêu chí của thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM mà thành phố Thái Nguyên vừa đạt được, ông Đặng Văn Cường - Trưởng phòng Truyền thông - Hợp tác quốc tế (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) cho biết, "Với việc đạt được 3 điều kiện và hoàn thành được đủ 9 tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nên thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã được Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2016".
Chăn nuôi lợn theo hướng an toàn đang mang lại thu nhập khá cho người dân một nơi của thành phố Thái Nguyên.
Ông Cường cho hay: Theo Quyết định 558 /QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phải đảm bảo 3 điều kiện: 1- Có đăng ký thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và được UBND cấp tỉnh đưa vào kế hoạch thực hiện; 2- Có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định; 3- Không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
"Với việc đảm bảo đạt được 3 điều kiện trên và hoàn thành được đủ 9 tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (gồm Tiêu chí Quy hoạch; tiêu chí Giao thông; tiêu chí Thủy lợi; tiêu chí Điện; tiêu chí Y tế - Văn hóa - Giáo dục; tiêu chí Sản xuất; tiêu chí Môi trường; tiêu chí An ninh, trật tự xã hội; tiêu chí Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới) nên thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã được Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2016" - ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, về cấp độ khen thưởng cũng có sự khác nhau giữa huyện NTM và thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Riêng cấp huyện đạt huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020 sẽ được thưởng 10 tỷ đồng, đối với những thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh mà có trên 10 xã thì mới nhận được sô tiền thưởng 10 tỷ đồng, nếu các đơn vị trên chỉ có từ 5 - 9 xã được thưởng 5 tỷ đồng, còn dưới 5 xã chỉ được thưởng 3 tỷ đồng.
"Có những thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có số xã ít, phường nhiều nhưng chúng ta đều phải công nhận, ghi nhận những công sức của bà con tại các địa phương đó để có những cấp độ khen thưởng khác nhau" - ông Cường chia sẻ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia vừa quyết định công nhận thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2016.
Theo Bộ NNPTNT, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong 06 năm qua của Thành phố Thái Nguyên là 429,5 tỷ đồng, trong đó: tổng nguồn ngân sách của trung ương, địa phương hỗ trợ chiếm khoảng 50%, còn lại là vốn đóng góp của xã hội và người dân.Từ nguồn vốn này, Thành phố đã hoàn thành 60,94 km (100%) đường trục xã được cứng hóa, bê tông hóa, nhựa hóa; 65% chiều dài đường nội đồng đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa.
Hiện, thành phố Thái Nguyên là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 8/8 xã đã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới. |
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của 08/8 xã đạt trên 35 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của thành phố chỉ còn 2,97%; Các xã cũng đạt chuẩn quốc gia về y tế khi mỗi trạm có từ 01 – 02 bác sỹ; công tác khám, chữa bệnh cho người dân có thẻ Bảo hiểm y tế được thực hiện ở tất cả các trạm y tế; cơ sở vật chất ngành y tế tiếp tục được đầu tư. Bệnh viên đa khoa thành phố được đầu tư, nâng cấp đạt tiêu chuẩn.Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy định là 13.868/14.008 hộ, đạt 99%, trong đó, số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là 10.506/14.008 hộ, đạt 75%.
Thành phố có 39 làng nghề (thuộc địa bàn các xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Quyết Thắng và Cao Ngạn), chủ yếu là làng nghề chè truyền thống (37 làng nghề), 02 làng nghề còn lại là làng nghề sinh vật cảnh và làng nghề sản xuất bún bánh. 100% làng nghề đã lập phương án bảo vệ môi trường, được UBND thành phố xác nhận theo quy định, đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định, không gây ô nhiễm môi trường.
Thành phố đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài (tại xã Tân Cương) với diện tích trên 3 ha, công suất xử lý đạt 150 tấn/ngày, bắt đầu được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017. Hiện nay, 100% khu dân cư tập trung của các xã đã thực hiện việc thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt, được Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị sử dụng xe chuyên dùng vận chuyển vào Nhà máy Đá Mài để xử lý,…
Theo: Hải Đăng/danviet.vn