Tìm đầu ra cho nông sản miền Tây xứ Nghệ

Không chỉ vùng đồng bằng, thực tế thời gian qua cho thấy, câu chuyện khủng hoảng thừa nông sản đã tác động không nhỏ đối với đời sống người dân miền Tây Nghệ An.
Nhiều đặc sản xứ Nghệ vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định

Tại một số huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương…, nhằm tạo sinh kế cho bà con nơi đây, chính quyền địa phương đã quy hoạch vùng trồng rau an toàn. Thời gian đầu, mô hình này cho kết quả rất khả quan. Các sản phẩm rau, củ do người dân miền núi trồng trọt, sản xuất giá trị cao hơn từ 3 - 4 lần so với làm nương rẫy. Thế nhưng, đến thời điểm này do đầu ra khó khăn, nhiều mô hình trồng rau an toàn đứng trước nguy cơ phá sản. Vùng rau an toàn thuộc một số bản làng Tri Lễ (Quế Phong), nơi từng được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn rau hàng hóa cho thu nhập cao thì nay người dân chỉ sản xuất nhằm mục đích tự cung tự cấp. Các loại rau như: bắp cải, rau gia vị nổi tiếng của vùng đất này cũng vì thế mà bị thu hẹp diện tích.

Tại bản Tam Thái (Tương Dương) trước đây có 14 hộ tham gia trồng rau an toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này 1/2ha diện tích trồng ớt cay của bà con đã chín đỏ trên cây mà không thể tiêu thụ được. Trung bình mỗi ngày mỗi hộ chỉ bán được khoảng 2-3 kg ớt tươi tại các chợ nhỏ trên địa bàn, trong khi trên vùng nguyên liệu vẫn tồn hàng tạ ớt đã đến kỳ thu hoạch. Một phương pháp tình thế được bà con áp dụng đó là phơi khô, xay nhỏ để bán dần.

Cây chanh leo từng được xem là cây thoát nghèo cho bà con miền Tây Nghệ An

Không chỉ có cây ớt, thời gian qua người dân Nghệ An cũng lao đao bởi cây chanh leo. Theo quy hoạch, huyện Quế Phong là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng hợp với cây chanh leo nên quy hoạch 1.500 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Quế Phong mới trồng được 283,3 ha, tập trung ở Tri Lễ với khoảng 155 ha. Nhưng điều đáng nói chưa phải là câu chuyện quy hoạch, mùa vụ vừa qua, giá chanh leo lại rớt thê thảm.

Nếu như những năm trước, Công ty Cổ phần Nafoods thu mua bình quân với giá 9.000 đồng/kg, thì năm nay công ty lại phân loại ra để thu mua. Theo đó, loại 1 có giá 12.000 đồng/kg, loại 2 chỉ mua với giá 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo bà con, tỷ lệ quả đạt loại 1 chỉ khoảng 10% sản lượng. Điều đó cho thấy, tất cả việc thu mua chỉ phụ thuộc vào công ty mà không hề có sự đảm bảo chắc chắn nào cho đầu ra của sản phẩm. Các sản phẩm chanh leo ở Nghệ An hầu như vẫn là nguyên liệu thô, nếu quy hoạch một diện tích lớn như vậy chắc chắn lại xảy ra khủng khoảng thừa. Bởi không chỉ ở Quế Phong mà các huyện miền núi khác như Tương Dương, Kỳ Sơn cũng đều mở rộng diện tích quy hoạch cho loại cây này và được xem như giải pháp giúp bà con thoát nghèo.