Tìm giải pháp gỡ khó cho tam nông

Ngày 7/6, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã làm việc với tỉnh Bắc Giang nhằm kiểm tra việc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hương Diệp.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả khá tích cực. 

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2008-2017 đạt 3,55%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt tỷ trọng trồng trọt 52,3%, trong đó toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả lớn, với diện tích trên 48.000 ha, diện tích vải thiều là 28.200 ha, lớn nhất cả nước. Tỉnh đã quan tâm đến ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, quan tâm tới phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa như vải thiều Lục Ngạn, vải thiều sớm Phúc Hòa, lúa thơm Yên Dũng, na Lục Nam… 

Kinh tế tập thể đã có bước phát triển cả về loại hình hợp tác xã và tổ hợp tác, đến nay trên toàn tỉnh có 965 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; hơn 100 cánh đồng mẫu và 367 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như HTX rau sạch Yên Dũng, HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3… 

Chia sẻ về vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang cho biết, nhận thức được việc xây dựng Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân nông thôn với việc người nông dân là chủ thể, MTTQ đã tham mưu với tỉnh để xây dựng quy hoạch phù hợp với từng địa phương, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chỉnh trang nhà cửa khang trang hơn, đặc biệt việc xây dựng nhà đại đoàn kết mỗi năm 300 nhà đã góp phần xây dựng nông thôn mới khiến cho bộ mặt nhà ở nông thôn ngày càng được cải thiện.

“MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nỗ lực vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công trong xây dựng đường giao thông nông thôn, vận động người dân giữ gìn cảnh quan và vệ sinh môi trường, quan tâm tới đánh giá sự hài lòng của người dân trong việc hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần vào hoàn thiện mục tiêu cải thiện nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên toàn tỉnh”, ông Thắng nói.

Ở góc độ khác ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang lại cho rằng, sau 10 năm, Bắc Giang đã những bước đột phá từ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang làm công nghiệp; biết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, từ đó tối giản sức lao động của người dân. Hiện tỉnh đang hướng tới hỗ trợ các trang trại, tổ hợp tác, HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu được sang các nước khó tính nhất. 

Đặc biệt, tỉnh đã trực tiếp điều tra tại mỗi địa phương để nắm bắt về tình hình môi trường, giao thông, giáo dục, từ đó tỉnh phối hợp với địa phương để đảm bảo môi trường sống, xây dựng đường giao thông nông thôn và quan tâm tới hệ thống giáo dục, an sinh xã hội trên toàn tỉnh. Bắc Giang tập trung vào xây dựng nông thôn mới theo hướng chất lượng.

Tìm giải pháp gỡ khó cho tam nông

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hương Diệp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW trên toàn tỉnh Bắc Giang, đồng thời khẳng định với sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc triển khai đã có tác động lớn đến đời sống của người dân và tạo được sự thay đổi lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, sự ra đời của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường; phát triển sản xuất với quy mô hợp lý các loại nông sản hàng hoá xuất khẩu có lợi thế nông sản thay thế nhập khẩu; phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế của từng vùng; phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở các vùng nông thôn theo quy hoạch…

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, sau 10 năm, Ban Chỉ đạo Trung ương mong muốn đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết nhằm nắm bắt những thành tựu, những bài học trong thực hiện để từ đó hướng tới mục đích cao nhất chăm lo đời sống của người nông dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. 

Từ kết quả đột phá trong đẩy mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp tiếp tục vào cuộc để từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn, 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đều được đáp ứng, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho đại bộ phận nhân dân ở vùng nông thôn.

* Chiều cùng ngày, đoàn công tác làm việc và thăm mô hình đổi mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Diệp Phượng/daidoanket.vn