Tìm giải pháp hỗ trợ nông dân thời kỳ mới

NDĐT- Công cuộc xây dựng nông thôn mới của chúng ta đã và đang đi vào quỹ đạo. Tuy nhiên, một khía cạnh khác đang được nhiều người quan tâm đó là cùng với việc xây dựng nông thôn mới thì cũng cần xây dựng được hình ảnh người nông dân mới tương xứng với tầm vóc và diện mạo của nó.
Cần có các chính sách thiết thực hỗ trợ nông dân đổi mới.

Đó cũng là một vấn đề được các chuyên gia đưa ra “mổ xẻ” trong một cuộc hội thảo mới đây do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông luôn phối hợp với Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, để khắc họa nên bức chân dung người nông dân hiện đại.

Diện mạo của nông dân hiện nay

Nhìn một cách tổng thể thì đại bộ phận nông dân (ND) nước ta còn nghèo, “chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng thiếu tiền mặt”. Người ND hiện nay vẫn còn mang nhiều nét đặc trưng của người ND ở thập kỷ 90: Học vấn thấp, kỹ năng làm việc hạn chế, phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp tự cấp tự túc, cô lập về địa lý và xã hội, chịu những thiệt thòi mang tính đặc thù dân tộc, cũng như chịu các thiên tai và rủi ro.

Mặc dù tỷ lệ người đói không còn nhiều nhưng tỷ lệ người có thu nhập bấp bênh, quanh năm “giật gấu, vá vai”, vay mượn trước để chi trả cho chi phí các sinh hoạt và sản xuất hằng ngày vẫn còn phổ biến. Có tới 50% số hộ ND phải vay nợ, thu nhập bình quân chỉ đạt 1.400.000 đồng/người/tháng. Trong khi đó, họ phải chi tiêu rất nhiều khoản chi phí và luôn phải đối mặt với những biến động bất thường của thị trường, sự leo thang của giá cả...

Phần lớn người ND vẫn phải loay hoay với những khó khăn trong đầu vào sản xuất như giá vật tư cao và khó tiếp cận với tín dụng nông nghiệp, vướng mắc trong các khâu: tìm đầu ra cho sản phẩm, tiếp cận thị trường, thiếu khả năng chế biến, thiếu thông tin về giá bán sản phẩm…

Nhìn nhận về bức tranh nông thôn và nông dân trong suốt chặng đường hơn 20 năm đổi mới đất nước, phó GS.TS khoa học Bùi Quang Dũng (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận xét: Đổi mới đã thúc đẩy nền nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ngày càng được cải thiện đồng thời công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả to lớn.

Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, song những thành tựu đạt được này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và khu vực nông thôn,

Ông Dũng cũng cho rằng, những nỗ lực thực hiện mục tiêu (đến năm 2010) của Nghị quyết 26-NQ/TW về “Tam nông” của Đảng về “Tăng cường công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt ở các huyện còn trên 50% hộ nghèo. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới” đã đạt được. Tuy nhiên, nghèo ở các nhóm dân tộc thiểu số còn cao chiếm hơn 15% tổng dân số và khoảng 47% tổng số người nghèo (2010); xu hướng nghèo theo vùng thay đổi, đồng thời bất bình đẳng tăng lên.

Nông dân thời hiện đại

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Dường như mỗi lần đất nước gặp khó khăn, kinh tế gặp cú sốc, vai trò của người nông dân lại hiện lên là tấm đệm cho nền kinh tế; nhưng khi ổn định rồi thì có vẻ vai trò của nông dân lại bị mờ nhạt”. Cần nhìn nhận người ND trong vai trò trung tâm của tam nông để khắc họa đầy đủ và rõ nét chân dung của họ, chỉ ra những nét tích cực và những yếu kém, hạn chế... để giúp họ phát huy khả năng vai trò của chính mình.

Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được hình mẫu người ND thời đại mới, để so sánh và tìm ra những điểm thiếu và yếu ở người ND hiện nay? Từ đó có phương án giúp đỡ, hỗ trợ cho ND cũ trở thành ND công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đưa ra một số tiêu chí để xây dựng hình ảnh người ND mới: Có trình độ khoa học - công nghệ - kỹ thuật cao, thạo nghề (được đào tạo nghề bài bản); phải có kiến thức sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, biết và sử dụng được công cụ tin học, công nghệ, liên kết trong sản xuất kinh doanh, kết hợp để phát huy đức tính vừa cần cù vừa sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, gắn kết tình làng nghĩa xóm...

Đề xuất những giải pháp giúp hiện đại hóa ND GS Nguyễn Lân Hùng cho rằng, điều cần thiết là phải đưa tiến bộ khoa học vào cho nông dân bằng cách soạn thảo những tài liệu vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ làm để hướng dẫn nông dân sản xuất thay vì đưa ra các tài liệu quá hàn lâm. Cần xây dựng sự liên kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp với nông dân để đưa nền nông nghiệp phát triển.

“Doanh nghiệp cần đóng vai trò dẫn dắt để giúp người ND đi vào sản xuất hàng hóa. Nếu không được dẫn dắt trong sản xuất thì người nông dân vẫn bị quấn theo chiều giá: Giá lên thì đua nhau làm, giá xuống thì thi nhau bỏ”, ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp kiến nghị.

Ông Hoàng Xuân Thành, đại diện nhóm nghiên cứu Oxfam khuyến khích nhân rộng mô hình giảm nghèo, trong đó thúc đẩy vai trò của tiên phong và lan tỏa. Gắn kết cộng đồng là điểm tựa cho người nghèo, giúp làm tăng niềm tin xã hội, tăng hiệu quả sinh kế, lan tỏa và duy trì các thực hành mới. Tuy nhiên, không thể bê nguyên mô hình giảm nghèo ở vùng này cho vùng khác, mà cần phải có sự thay đổi phù hợp với từng cộng đồng ở mỗi vùng, miền. Mối quan hệ huyết thống và hôn nhân, sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh lành mạnh, các thiết chế kinh tế phi chính thức, mối liên kết tộc người và xen ghép tộc người đều thúc đẩy lan tỏa. Vai trò “bà đỡ” thông qua cách hỗ trợ thực tế, kịp thời, liên tục của hệ thống khuyến nông, viện nghiên cứu, các chương trình - dự án theo phương pháp “từ nông dân đến nông dân” có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành những người tiên phong và lan tỏa thực hành mới...

THANH TRÀ
theo nhandan