Tìm hướng cho xã bãi ngang
- Thứ hai - 28/07/2014 03:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới đây, Cố vấn BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM Lê Huy Ngọ cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra các xã xây dựng NTM bãi ngang cũng như kết quả xây dựng NTM tại Quảng Trị.
Nhiều khó khăn
Nói một cách cụ thể thì 7 xã bãi ngang ven biển này thuộc mặt tiền của bờ biển Quảng Trị, mỗi xã có chiều dài bờ biển từ 5 đến 15 km. Song không phải mặt tiền dài là giàu có, ngược lại đây là các xã đang gặp khó khăn trong việc xây dựng NTM.
Ngoài xã Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh) được Chủ tịch nước bảo trợ xây dựng NTM nên gần về đích, còn lại các xã khác đều gặp khó khăn như nhau.
Trước khi làm việc với lãnh đạo xã Vĩnh Thái của huyện Vĩnh Linh, ông Lê Huy Ngọ đã ra bãi biển thăm bà con ngư dân. Vĩnh Thái có chiều dài bờ biển đến 14,5 km, song chiều rộng chỉ 1 km. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thủy sản.
Trên dải đất hình lưỡi dao ấy, ở những nơi không phải là khu dân cư, là cát trắng, thì cũng được một DN về khai thác ti tan chục năm nay, cơ bản đã đào xong hết diện tích cát của xã. Cũng nhờ ti tan mà thu nhập của người dân tăng 3 triệu đồng mỗi tháng và giải quyết được việc làm cho nhiều lao động. Song, nay đất khai thác ti tan không còn, lao động lại dôi dư, chưa biết làm vào việc gì, nỗi lo hằn sâu vào đôi mắt không ít ngư dân.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Vũ Văn Phong cho biết qua 3 năm xây dựng NTM, Vĩnh Thái được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh, huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn xã nên việc thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo kịp thời, đúng đối tượng. Người dân sẵn sàng hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng NTM nên đã đem lại kết quả rõ nét. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-2%, hộ cận nghèo giảm từ 3-5%.
Đến nay, xã Vĩnh Thái đã hoàn thành 10/19 tiêu chí. Những tiêu chí chưa đạt là hộ nghèo (11,5%), tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, trường học, giao thông, thủy lợi, môi trường...
Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, có nhiều tiêu chí cần phải có thời gian để hoàn thiện nên cần cấp trên tiếp tục chỉ đạo, giúp đỡ Vĩnh Thái thực hiện trong thời gian tới.
Vĩnh Thái ở bãi ngang nên chủ yếu là SXNN, SX tự phát còn khá phổ biến, hiệu quả thấp, luôn bị thiên tai nên thường xuyên đối mặt với những khó khăn. Phương tiện đánh bắt thủy sản nhỏ, chỉ khai thác thủy hải sản ven bờ nên thu nhập thấp, việc huy động trong dân đóng góp xây dựng NTM cũng chừng mực.
Ông Phong đề nghị huyện và tỉnh cũng như các DN quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi cho Vĩnh Thái để sớm hoàn thành các chỉ tiêu. Trước mắt, khẩn thiết đề nghị cấp trên hỗ trợ xây dựng một điểm trường mầm non cho hơn 120 cháu, trường đã có nhưng quá lâu ngày nên đã xuống cấp trầm trọng.
Xã bãi ngang ven biển nằm về cuối cùng của tỉnh Quảng Trị là Hải Khê của huyện Hải Lăng. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản. Toàn bộ xã có 756 hộ dân nhưng chỉ có 207 chiếc thuyền đánh cá, trung bình 3 gia đình mới có một chiếc thuyền để làm ăn.
Ông Nguyễn Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Hải Khê, cho biết ngư dân của xã cũng chỉ khai thác biển trong ngày, thuyền nhỏ, ngư dân tự vay vốn đóng thì không thể ra xa được. Nhờ sự đoàn kết, ủng hộ tuyệt đối của người dân nên Hải Khê đã đạt được nhiều kết quả trong xây dựng NTM.
Dự kiến, cuối năm 2014, Hải Khê hoàn thiện 11 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt cũng giống xã Vĩnh Thái, đó là giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa, hộ nghèo...
Rà soát lại quy hoạch
Ông Nguyễn Văn Bài, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị, Phó BCĐ xây dựng NTM tỉnh cho biết, các xã biển bãi ngang thực sự gặp khó khăn trong công tác xây dựng NTM. Song không phải không có lối ra.
Ngư dân xã biển Vĩnh Thái trò chuyện với ông Lê Huy Ngọ và đoàn công tác
Theo ông Bài, trước hết không riêng Vĩnh Thái của Vĩnh Linh mà các xã bãi ngang ven biển còn lại phải rà soát lại quy hoạch, tổ chức lại SX, gắn với chế biến nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ để không ngừng giải quyết việc làm cho dân.
Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, trước hết các xã này cần tổ chức ngư dân thành các nhóm khai thác thủy sản ven bờ, xa bờ, tổ chức đội tàu khai thác phù hợp. Cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch biển như tạo dịch vụ cho du khách câu cá, tự chế biến thưởng thức các đặc sản. Mở các lớp đào tạo chế biến sản phẩm thủy sản thành những món hàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ xã hội. Cần có chế biến chuyên sâu sản phẩm thủy sản thì ngư dân mới tăng được thu nhập, cải thiện được đời sống.
Nói chuyện với lãnh đạo xã Vĩnh Thái, ông Lê Huy Ngọ cho biết, giải quyết xây dựng NTM với các xã biển bãi ngang như thế nào rất được Trung ương quan tâm. Với Quảng Trị, vấn đề là giải quyết lao động cho ngư dân bãi ngang.
Ông Ngọ lấy ví dụ, một xã như Vĩnh Thái có 797 hộ dân mà chỉ có 150 thuyền đánh cá thì quá khiêm tốn. Thuyền bé thì giải quyết việc làm cho rất ít lao động. Còn 800 lao động nữ mà chỉ có 32 ha đất nông nghiệp đúng là không tài nào giải quyết được chuyện cuộc sống.
Trong lao động, nghề biển là nghề truyền thống, nhưng ngư trường của ngư dân đánh bắt chưa thấy xác định chỗ nào. Chiếc thuyền từ ngày xưa nay vẫn thế. Bà con ngư dân khao khát có lưới đánh cá xa hơn nhưng vẫn là ước mơ thôi.
Ông Ngọ nhấn mạnh, trong việc tổ chức lại SX cho các xã biển bãi ngang phải đặt ra vấn đề khai thác, đánh bắt và chế biến, tiêu thụ thủy hải sản lên đầu. Phải lo trường học, trạm xá trước cho dân. Cần phải có sự điều tra, khảo sát thực tế khoảng cách giữa quy hoạch với thực tiễn xây dựng để điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp cho các xã bãi ngang ven biển. Các xã này nên làm một, hai thôn NTM, sau đó thấy đời sống người dân khá lên thì mới xây dựng toàn bộ xã. Xây dựng NTM cốt lõi là lo cho dân có cuộc sống ấm no.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, ông Lê Huy Ngọ đánh giá cao những kết quả mà Quảng Trị đạt được trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Qua kiểm tra thực tế ở một số xã điểm cho thấy diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Điều này chứng tỏ Quảng Trị đã huy động được nhiều nguồn lực và có sự đồng thuận tích cực của người dân, thể hiện rõ nét vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, là làm cho mình và mình được hưởng lợi. Cần lấy sự hài lòng của người dân là yếu tố quan trọng để đánh giá chuẩn NTM.
CUỘC VẬN ĐỘNG QUY MÔ LỚN Chương trình MTQG xây dựng NTM ở Quảng Trị đã trở thành một cuộc vận động với quy mô lớn, huy động cả hệ thống chính trị tham gia. Nhiều người dân tự nguyện tham gia như hiến đất, hiến tài sản, giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức xây dựng giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội khác. Trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, cần được phổ biến và nhân rộng. Hiện trạng NTM ở tất cả các xã đã có nhiều biến chuyển rõ nét so với cuối năm 2010, bình quân các xã tăng từ 3-4 tiêu chí, có 20 xã tăng từ 7 tiêu chí trở lên, số xã đạt từ 13 tiêu chí trở lên có 13 xã, số xã dưới 5 tiêu chí chỉ còn 14 xã, giảm 64 xã so với năm 2010. Điều quan trọng là các xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 của tỉnh và huyện đều có mức tăng tiêu chí khá cao, mỗi năm trên 2 tiêu chí. |