Tìm hướng đi cho miền núi

Tìm hướng đi cho miền núi
Sau 3 năm xây dựng NTM ở miền núi Quảng Trị tuy đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng thực tế cho thấy chương trình còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên và xã hội.
Tìm hướng đi cho miền núi
Mô hình trồng chuối XK tăng thu nhập cho người dân vùng Lìa, huyện Hướng Hóa

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị gồm hai huyện Hướng Hóa, Ðakrông và một phần thuộc huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, có 47 xã, thị trấn, trong đó có 20 xã và 29 thôn đặc biệt khó khăn.

Xã điểm gặp khó

Xã Mò Ó nằm cách thị trấn Krông Klang 3 km, có 4 thôn với 421 hộ, trong đó người Vân Kiều chiếm 2/3 dân số. Mò Ó là xã điểm NTM của tỉnh Quảng Trị.

Ba năm qua, chính quyền xã Mò Ó rất nỗ lực trong việc giúp dân mở rộng đất SX lúa nước lên 397 ha. Nhờ việc đưa trạm bơm Đồng Đờn vào sử dụng trở lại nên diện tích lúa nước đã được mở rộng đáng kể, năng suất lúa và các cây lương thực khác không ngừng tăng.

Ngoài việc tập trung chuyển giao các tiến bộ KHKT với phương thức “cầm tay chỉ việc”, những năm gần đây các cơ quan chuyên môn thuộc huyện Đakrông cùng lãnh đạo xã Mò Ó thường xuyên đưa nhiều loại giống lúa mới có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hỗ trợ người dân.

Bây giờ, Mò Ó không còn lo thiếu gạo ăn trong kỳ giáp hạt nữa song vẫn còn bề bộn khó khăn trong quá trình xây dựng NTM.

Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến Mò Ó chưa làm tốt công việc xây dựng NTM, đáng chú ý là mặt bằng dân trí thấp, các phong tục tập quán, thói quen lạc hậu vẫn ít nhiều tồn tại... Tính đến đầu tháng 6/2014, Mò Ó mới đạt chuẩn được 7 tiêu chí.

Theo ông Hùng, huyện miền núi Đakrông có hơn 3,8 vạn dân, trong đó người Vân Kiều, Pa Cô chiếm hơn 75% dân số, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 35%. Đặc điểm kinh tế của huyện là nông - lâm kết hợp và chăn nuôi với 3 khu vực các xã dọc đường 9, các xã dọc đường Hồ Chí Minh và vùng chiến khu xưa Ba Lòng.

Sau 3 năm xây dựng NTM tại vùng kinh tế mạnh nhất của huyện như xã Mò Ó, Hải Phúc, Ba Lòng và Triệu Nguyên nhưng đạt kết quả rất thấp, chỉ 5 đến 7 tiêu chí. Các xã còn lại rất khó khăn, chỉ đạt dưới 5 tiêu chí. Có đến 9/13 xã, trong đó 3 xã đạt 4 tiêu chí, là Đakrông, A Ngo và A Bung.

Với huyện miền núi Hướng Hóa, xã điểm NTM của tỉnh là xã Thuận, có chung đường biên giới 10 km với nước bạn Lào. Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Phạm Xuân San cho biết, đặc điểm nổi bật là Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân đã năng động, sáng tạo tìm hướng phát triển SX phù hợp, kết hợp hiệu quả, bài bản chương trình định canh, định cư, phát triển SX xen ghép giữa đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bào miền xuôi đi khai hoang vùng kinh tế mới.

Xã Thuận có đất SXNN hơn 1.100 ha. Cán bộ và người dân nhiều năm qua đã chọn cây trồng chủ lực là sắn, chuối và ngô, mỗi năm ước tính thu về hàng chục tỷ đồng. Vì vậy cuộc sống của người dân có nhiều đổi thay.

Hộ dân nào cũng dùng điện lưới quốc gia, mua sắm trang thiết bị nghe nhìn. Chiếc xe máy, tivi, tủ lạnh, điện thoại di động một thời xa lạ đối với bà con vùng cao, nay gần như nhà nào cũng có. Nhiều hộ gia đình nông dân không chỉ vượt qua đói nghèo, mà còn từng bước làm giàu chính đáng, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn đồi.

So với huyện Đakrông, kết quả xây dựng NTM ở huyện Hướng Hóa khả quan hơn. Trên bước đường đổi mới đi lên, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều và Kinh ở miền núi Quảng Trị đoàn kết góp công sức làm nên những vùng chuyên canh SX rộng lớn ở các xã Tân Long, Hướng Phùng, Hướng Tân, A Dơi của huyện Hướng Hóa.

Không ít hộ gia đình đồng bào đã hiến đất xây dựng hệ thống đường, trường, trạm, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn môi trường văn hóa xanh, sạch, đẹp.

Trưởng thôn Pả Ký ở xã Thuận tự nguyện chặt bỏ một phần vườn cây ăn quả để hiến 4.000 m2 đất xây trường mầm non mà không cần đền bù. Thấy cán bộ thôn làm việc tốt, vì cộng đồng, nhiều hộ dân trong xã cùng tham gia hiến hơn 10 ha đất, dọn đường cho máy ủi, máy kéo thi công công trình để mở đường, xây trường học, trạm xá và các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh.

10-18-07_mn-qung-tri-2

Người Vân Kiều, Pa Cô cần được hướng dẫn để trồng cao su tốt hơn

Theo ông Nguyễn Văn Bài, cần kịch bản riêng, đặc thù cho việc xây dựng NTM miền núi vì vùng này đang gặp nhiều khó khăn.
Phải có những cán bộ hiểu việc, năng động, sáng tạo và hiểu dân, nắm được những vấn đề ở địa phương mình để triển khai xây dựng NTM phù hợp và hiệu quả.
Khi hỗ trợ cho người dân theo nên theo hình thức góp sức chứ không nên hỗ trợ 100%, nhằm kích thích bà con chủ động hơn trong phát triển sản xuất, tạo ra được nhiều sinh kế.

Ngay trong ngày lễ phát động xây dựng Tuần lễ NTM, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Đang và nông dân Hồ Loang đã tự nguyện hiến gần 1 ha đất có trị giá 100 triệu đồng để lấy mặt bằng xây dựng công trình hạ tầng. Ngoài hai người trên, ở Hướng Phùng còn có rất nhiều người dân tự nguyện hiến đất để xây dựng, mở rộng các công trình đường giao thông nông thôn.

Chú trọng yếu tố con người

Phân tích chiến lược phát triển NTM miền núi, ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, Phó Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, cho biết mục tiêu lớn nhất của NTM là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn.

 Vậy, nhiệm vụ đầu tiên xây dựng NTM miền núi là phải xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững để nâng cao đời sống cho bà con dân tộc ít người.

Vấn đề mang tính quyết định trong xây dựng NTM ở miền núi là phải tập trung tuyên truyền hơn nữa để mỗi người dân hiểu được, thấy được Chương trình MTQG xây dựng NTM là cuộc vận động lớn, có nghĩa sâu sắc, người dân là chủ thể của quá trình xây dựng và phát triển NTM.

Vì có thấu hiểu, người dân mới thực sự vào cuộc một cách chủ động và sáng tạo nhất để phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của người Vân Kiều, Pa Cô cho công cuộc xây dựng NTM.

Vấn đề quan trọng là phải đào tạo ra được con người có kiến thức tạo động lực cho cộng đồng, xã hội trong phát triển SX, khuyến khích động viên bà con không ngừng vươn lên. Thông qua việc trồng sắn, trồng rừng ở Hướng Hóa nhiều gia đình người thiểu số đã có thu nhập hơn trăm triệu đồng một năm.

Điều đó cho thấy bà con biết làm kinh tế nếu có người tổ chức hướng dẫn tốt để họ thực hiện. Và đến khi hết nghèo thì tìm cách giúp bà con phát triển kinh tế, làm cho đời sống ngày càng cao hơn.

Muốn bà con biết nhiều mô hình SX trong thế mạnh kinh tế nông lâm kết hợp thì nên chú trọng đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT cho các gia đình, cộng đồng xã hội xích lại gần nhau bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn.

Thực tế địa hình, thổ nhưỡng của miền núi Quảng Trị cho thấy cần hướng dẫn triệt để cho bà con trong SX phải kết hợp với cây lúa nước với cây ngắn ngày, dài ngày để đảm bảo an ninh lương thực. Căn cứ vào tiềm năng của mỗi bản làng để tạo hướng đột phá thông qua những nhân tố mới trong xây dựng NTM.

Với miền núi nên lấy gia đình văn hóa, làng bản văn hóa làm nền tảng phát triển NTM.

THAY ĐỔI MẠNH MẼ CƠ CẤU SX 

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh thừa nhận: Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi đang gặp không ít khó khăn, đó là tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện còn ở mức cao 21,4%, trong đó có 6/22 xã có tỷ lệ nghèo trên 50%.

Về cơ cấu lao động, phần lớn các xã đều SXNN nên lực lượng lao động làm việc thường xuyên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là chính, chiếm hơn 80%, cao hơn nhiều so với chuẩn quy định là 35%.

Do đó để đạt những tiêu chí xây dựng NTM thực sự là bài toán khó nếu trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 không có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu SX các ngành, không có sự phát triển đa dạng các mô hình SX hàng hóa với quy mô lớn để tạo ra nhiều loại sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ thì kết quả khó đạt được.

Hiện tại, ngoài xã Thuận là xã điểm NTM của tỉnh, huyện Hướng Hóa quyết tâm cuối năm 2015 có 3 xã Tân Liên, Tân Hợp và Tân Long về đích.

Lâm Quang Huy
Nguồn: nongnghiep.vn