Tìm hướng đi cho nông dân

Đọc dự thảo báo cáo chính trị trước đại hội đảng bộ huyện, anh cứ thấy lúng túng. Trên cương vị người đứng đầu cấp ủy, anh biết rõ những khó khăn huyện đang phải đương đầu. Là huyện thuần nông, nhưng việc thực hiện các chỉ tiêu về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chỉ đạt một nửa kế hoạch đề ra. Phong trào xây dựng nông thôn mới gần như giẫm chân tại chỗ, vì thu nhập bình quân đầu người quá thấp, cho nên việc huy động sức dân không dễ gì.

 

Thực tế của một huyện sản xuất nông nghiệp như địa phương anh thì hiệu quả kinh tế từ cây lúa mang lại rất thấp. Những xã thuận lợi về điều kiện canh tác có thể thâm canh thêm vụ đông; các xã địa hình không bằng phẳng, diện tích manh mún thì chỉ trồng được hai vụ lúa một năm. Tính ngược tính xuôi, nếu đạt được cả hai vụ lúa bội thu khoảng 14 tấn/năm.

Bình quân đầu người chưa được 20 triệu đồng/năm, trong khi đó phải đạt 40 triệu đồng/người/năm mới đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đó là bài toán chưa có lời giải. Song bên cạnh tiêu chí xây dựng nông thôn mới, điều quan trọng hơn là làm sao để nông dân có thể sống tốt trên đồng đất quê hương, câu hỏi ấy cứ "găm" trong suy nghĩ của anh.

Câu chuyện người nông dân ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bỏ ruộng đất hoang hóa tha phương tìm việc làm là một thực trạng mà anh âm thầm lo sợ sẽ xảy ra ngày một nhiều ở địa phương mình. Hiện tượng đó đã bắt đầu từ năm ngoái. Nhiều diện tích đất công ích của xã giao khoán cho người dân, bây giờ họ trả lại, vì cấy lúa không có hiệu quả. Điều này đặt ra cho các cấp ủy ở địa phương phải có quyết sách phù hợp để huy động sức người, khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển sản xuất. Anh hiểu muốn vực dậy kinh tế nông nghiệp thì phải có một cơ chế thông thoáng nhằm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vẫn là đất sản xuất nông nghiệp nhưng cần quy hoạch hợp lý đất trồng lúa, diện tích trồng cây hoa màu, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi thì mới có thể mang lại hiệu quả cao. Nghĩ thì thế, nhưng trên thực tế khi triển khai chủ trương này gặp không ít khó khăn. Khó khăn từ các cấp địa phương lúng túng trong đề án chuyển dịch cơ cấu, cây trồng vật nuôi. Thậm chí tư tưởng bảo thủ còn nặng nề ở không ít cán bộ như quan niệm "đất lúa chỉ để trồng lúa" khiến cho các nghị quyết, quyết sách vẫn chỉ ở dạng chung chung, không dám mạnh dạn, bứt phá trong tư duy. Người dân không chí thú với việc canh tác trên mảnh đất của mình. Với vai trò người đứng đầu, anh không khỏi cảm thấy lo lắng.

Câu chuyện nêu trên chắc không phải chỉ xảy ra ở một địa phương. Không ít vùng nông thôn gặp khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất kém hiệu quả. Vì thế nông dân bỏ ruộng đi làm ăn xa là điều dễ hiểu. Đây là vấn đề lớn mà đại hội đảng bộ các cấp, nhất là với khu vực nông thôn cần dành nhiều thời gian thảo luận tìm hướng đi sao cho phù hợp, hiệu quả.

Ngọc Liên





Theo nhandan.org.vn