Tin NN Tây Nguyên: Cà phê OCOP Lâm Đồng được xếp hạng 4 sao

Tin NN Tây Nguyên: Cà phê OCOP Lâm Đồng được xếp hạng 4 sao
Nhờ sản xuất khép kín, bà con huyện Lâm Hà đã tìm được hướng đi mới cho cà phê đạt chất lượng cao OCOP 4 sao

Tìm được hướng đi mới cho cà phê, anh Mai Văn Dũng (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) đã đưa sản phẩm của gia đình đến gần hơn với người tiêu dùng bằng phương pháp sản xuất khép kín.

Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được đánh giá cao về chất lượng, nhanh chóng trở thành thành viên sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (OCOP).

cf-4-s.jpg

 Cà phê 4 sao của Công ty Mai Hoàng Sang

Từng tốt nghiệp Trường Sư phạm Kĩ thuật T.p Hồ Chí Minh, Mai Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Mai Hoàng Sang, được tiếp thêm năng lượng, khi tình cờ ngồi trên giảng đường đại học, và bắt gặp bài viết về cuộc hành trình đến cà phê Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ. 

Ngay lúc đó, Dũng nghĩ lại, chính mình cũng đang sinh sống trên vùng nguyên liệu, anh chia sẻ: “Thứ nhất, mình có thể chủ động lựa chọn và chuyển qua tăng giá trị sản phẩm, từ chính người nông dân, bằng cách rang xay, chế biến.  Khi thay đổi về cách thức đóng gói, sẽ tạo dấu ấn cho người tiêu dùng.

Thứ hai, giá cả tại vùng nguyên liệu, sẽ có tính cạnh tranh hơn các nơi khác. Việc tiếp cận nguồn hang, thị trường vừa tạo được công ăn việc làm cho người dân, vừa tăng nguồn thu cho bản thân, người lao động”.

Vì vậy, năm 2013, anh Dũng quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị tự động, để thay thế phương pháp thủ công nhằm nâng cao công suất, đảm bảo chất lượng và giảm thiểu khói, bụi, tránh ô nhiễm môi trường, và lấy tên là Công ty TNHH Mai Hoàng Sang. 

Để thương hiệu cà phê của công ty không chỉ được tin dùng tại địa phương, anh còn mong muốn hơn thế nữa, sẽ chinh phục được khách hàng ngoài nước.

Chính vì lẽ đó, anh tiếp tục cải tiến công nghệ, thực hiện sản xuất cà phê theo quy trình công nghệ cao, tưới, bón phân bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, thu hái chín 100%.

Mặt khác, anh không ngừng nỗ lực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm gian hang, để quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. 

Hơn 10 năm gắn bó với ngành hàng cà phê, hiện anh Dũng có 3 ha sản xuất, và tạo chuỗi liên kết hơn 10 ha chế biến sâu, với các hộ nông dân  địa phương.

“Hiện, giá cà phê đang giảm sâu nhưng với cách làm cà phê chất lượng cao, thì giá thành sản phẩm sau chế biến sâu vẫn không thay đổi. Chính vì vậy, tôi vẫn cộng thêm 3.000 đồng cho người hái cà phê chín 90% so với hái cà phê xô” - anh Dũng nói.

Năm 2017, cà phê Mai Hoàng Sang là một trong 3 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Lâm Hà, và được chọn tham gia triển lãm tại Ngày hội Cà phê Việt Nam. 

Với những thay đổi trong cách thức sản xuất và chế biến, trung bình mỗi năm có trên 30 tấn cà phê thành phẩm, với 3 dòng chính theo công thức pha máy và pha phin.

Bên cạnh đó, anh có khoảng 70 tấn/năm, dành cho sản phẩm xuất khẩu. Hiện, lượng khách hàng và đại lý tăng lên tại một số địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh như Vũng Tàu, Sài Gòn, Hà Nội và Nha Trang.

Mùa cà phê năm 2019-2020, bằng những bước tiến mới, nhằm tăng giá trị sản phẩm Robusta lên một vị thế khác, anh bắt đầu chế biến ướt Robusta như hàng Arabica.

Theo đó, những hạt chín khoảng 80-90% thì đưa vào máy bóc lụa, đạt chất lượng sẽ tốt hơn rất nhiều so với thông thường. Hiện, giá bán ra là 50.000 đồng/kg, giá thương mại  55.000-60.000 đồng/kg. 

Vừa qua, sau khi được chứng nhận OCOP của địa phương bình chọn là sản phẩm 4 sao, đã đặt ra cho anh nhiều cơ hội và thách thức cho công ty.

Đối với Cục Sở hữu trí tuệ, anh vừa chỉ mới đăng kí mã vạch, logo và đang tiến hành xây dựng thêm chuỗi liên kết cà phê trong nước, đến từng địa phương. 

Anh Dũng chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của tôi khi xây dựng thương hiệu cà phê của mình, là đưa được nhiều sản phẩm cà phê nguyên chất, cà phê sạch, đảm bảo chất lượng đến với đông đảo người tiêu dùng.

Tôi đang ấp ủ dự định, mở rộng thị trường cho cà phê Mai Hoàng Sang, ra các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Đồng thời tiếp tục cải tiến công nghệ, khép kín hoàn toàn quy trình và liên kết với các hộ trồng cà phê theo tiêu chuẩn riêng của công ty, nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm cà phê an toàn, thơm ngon nhất”.

Đắk Nông: Khoai tây DooBak thành công ngoài mong đợi

Vừa qua, Hội Nông dân huyện Tuy Đức (Đắk Nông) liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, trồng thử nghiệm giống khoai tây DooBak Hàn Quốc.

kh-991.jpg

Nông dân Tuy Đức thu hoạch khoai tây Hàn Quốc

Hiện, mô hình đang triển khai thu hoạch với thành công ngoài sự mong đợi của các ngành chức năng lẫn người nông dân.

Theo Hội Nông dân huyện Tuy Đức, xã Quảng Tâm và Đắk Búk So là hai địa phương được lựa chọn để trồng khoai tây DooBak Hàn Quốc, với tổng diện tích 9,6 ha. Sau khi triển khai được hơn 3 tháng, cây khoai tây đã phát triển rất tốt và cho năng suất cao. 

Anh Phạm Văn Ngạn, ở xã Đắk Búk So, chia sẻ, cây khoai tây DooBak Hàn Quốc khi trồng ở địa phương cho củ to, đồng đều, bình quân 4-8 củ/1 cây.

Với 4 sào trồng thử nghiệm, gia đình anh thu về trên 14 tấn củ. Điều phấn khởi hơn là sau khi thu hoạch, Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, đã cử đại diện, mang phương tiện vào tận ruộng, để thu hoạch và mua sản phẩm với giá 9.000 đồng/kg.

Chỉ hơn 3 tháng chăm sóc, sau khi trừ hết chi phí sản xuất, anh Ngạn đã thu về hơn 70 triệu đồng.

"Chúng tôi mong muốn mô hình liên kết tiếp tục phát triển bền vững, góp phần giúp người dân cải thiện kinh tế, tự tin làm giàu", anh Ngạn nói.

Ông Ngô Quang Trung, ở xã Quảng Tâm, ho biết: Khoai tây DooBak là giống cây trồng mới, được đưa vào trồng thử nghiệm, nhưng phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Nông dân chỉ việc chăm sóc đúng quy trình để bảo đảm năng suất, chất lượng.

Còn giá cả đã được công ty cam kết, chốt sẵn trên hợp đồng. Qua thực tế cho thấy, với năng suất và giá cả như hiện nay, chỉ cần 1 ha khoai tây, sau 3 tháng có thu nhập hơn 150 triệu đồng.

Đây là mức thu nhập rất cao đối với nghề nông. Trước cơ hội này, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng của huyện, tiếp tục quan tâm, làm cầu nối cho người dân và doanh nghiệp, liên kết bền vững, lâu dài nhằm phát triển kinh tế hiệu quả.

Theo Hội Nông dân Tuy Đức, kết thúc mô hình, Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina đánh giá cao chất lượng. Từ thành công này, phía Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina cho biết, sẽ tiếp tục liên kết với địa phương  mở rộng diện tích khoảng 100 ha.

Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina cam kết, sẽ đầu tư giống, kỹ thuật cho người dân phát triển chuyên sâu cây khoai tây. Đặc biệt, vào cuối vụ sẽ thu mua tận đồng ruộng với giá 9 ngàn đồng/kg.

Với giá cả này, người nông dân huyện Tuy Đức hoàn toàn có thể làm giàu với cây khoai tây.

Theo ông Đoàn Lê Anh, Hội Nông dân huyện Tuy Đức, mô hình trồng khoa tây DooBak là hướng đi mới, đầy triển vọng, góp phần giúp người dân khai thác, sử dụng đất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Trong khi nhiều cây trồng chủ lực ở địa phương liên tục rớt giá, mô hình này giúp người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, thành công của mô hình khoai tây DooBak, còn thể hiện mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp và sự tham gia giám sát, hỗ trợ chặt chẽ của nhà quản lý.

“Song, Hội Nông dân cũng khuyến cáo người dân không nên phát triển ồ ạt, trừ khi đã có liên kết đầu ra, giá cả ổn định", ông Đoàn Lê Anh cho biết.   

Đắk Lắk: Người dân xã Ea Sin lao đao vì hạn

Gần một tháng nay, nguồn nước trên địa bàn xã Ea Sin (huyện Krông Búk) khô cạn, khiến nhiều diện tích cây trồng có nguy cơ chết khô, người dân lao đao vì thiếu nước sinh hoạt.

han-69.jpg

Vườn cà phê của ông Y Blơ Nie bị vàng úa do thiếu nước tưới

Ông Y Blơ Niê (ở buôn Ea Kring) trồng 1,5 ha cà phê xen điều. Nắng nóng kéo dài những ngày qua, khiến vườn cà phê  đang trong giai đoạn trổ bông, đậu trái bị vàng lá, khô héo.

Ông cho biết: "Lâu nay, tôi vẫn bơm nước từ suối, hồ về tưới, nhưng nay các hồ, sông, suối ở xã đều cạn trơ đáy. Tôi đã vay mượn hơn 30 triệu đồng khoan giếng sâu 120 m để  tìm nguồn nước, nhưng chỉ tưới được ba ngày giếng lại cạn".

Chung cảnh ngộ, 3,2 ha cà phê của ông Trần Quang Khải (buôn Ea Kring) đang héo hon, chậm phát triển vì thiếu nước. Để cứu cây trồng, ông Khải đã thuê thợ khoan 14 giếng nước, với tổng chi phí trên 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, nguồn nước ngầm giảm mạnh nên dù có 14 giếng khoan nhưng trong đợt tưới lần hai vẫn không đủ nước tưới.

Ông Khải buồn rầu: “Đây là thời điểm cà phê ra hoa, kết trái nên việc cung cấp nước rất cần thiết. Nếu một tháng nữa vẫn không có mưa thì tôi đành “phó mặc” cho trời!".

Không chỉ cây trồng “khát” nước, người dân xã Ea Sin đang lao đao vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. “Năm nay nắng hạn đến sớm, từ đầu tháng 2 giếng nước của tôi đã khô hạn. Từ đó đến nay, cứ 4 giờ sang, cả nhà phải thay phiên nhau mang xô, chậu đến các khe suối trong rừng hứng từng giọt nước về dùng.

Chúng tôi chỉ còn cách tiết kiệm, chắt chiu từng giọt nước và cầu mong trời mưa để người dân bớt khổ”  - bà  H' Ngói Niê (ở buôn Cư Mtao) than thở.

Xã Ea Sin có 5.000 ha cây trồng, hiện đã có trên 2.000 ha bị thiệt hại do hạn hán, chủ yếu tập trung tại các buôn Ea Kring, Ea Káp, Cư Mtao…; hơn 400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; 5/5 hồ đập, công trình thủy lợi cạn khô.

Trước tình hình đó, xã chỉ đạo các thôn, buôn vận động người dân nạo vét kênh mương, để khơi thông dòng chảy, khoan giếng ngay dưới lòng hồ, tìm mạch nước cứu cây trồng.

Ủ rơm, lá khô cho cây để tránh bốc hơi nước; áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm; chuyển đổi cơ cấy cây trồng những khu vực thường xuyên thiếu nước...

"Với cây trồng bị cạn kiệt nước trên diện rộng, xã khuyến cáo người dân không nên đầu tư để tránh thiệt hại kép. Đồng thời chỉ đạo các địa phương thống kê danh sách những hộ bị thiệt hại nặng, để hỗ trợ kinh phí kịp thời, nhanh chóng khôi phục sản xuất vụ mới", ông Phạm Văn Cháng, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Theo An Như(tổng hợp)/kinhtenongthon.vn