Tin NN miền Trung:Sản phẩm nông nghiệp được giá ở nhiều địa phương
- Thứ năm - 19/03/2020 10:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nghệ An: Nông dân thu 90 triệu đồng/ha từ khoai lang đỏ
Với chất lượng củ bở, ngon ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao, khoai lang Tân Kỳ (Nghệ An) bán được giá, trở thành nguồn thu lớn của nhiều hộ nông dân.
Gia đình bà Lê Thị Tâm năm nay đưa vào trồng 2 sào trên đất ruộng. Bà Tâm cho biết: Trồng khoai lang lấy củ ít tốn công và chi phí vật tư hơn so với trồng ngô, lúa. Chủ yếu sử dụng phân chuồng hoai, không cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ sau gần 4 tháng, cho năng suất đạt gần 3 tạ/sào, với giá hiện tại từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, cho gia đình bà thu nhập gần 5 triệu đồng/sào. Đặc biệt, thân cây khoai lang còn được bán làm thức ăn cho gia súc, gia cầm với giá khá cao.
Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Kỳ Sơn hiện có 5 ha diện tích trồng khoai lang, mỗi ha thu về 50 tấn củ, với giá bán hiện nay thì mỗi ha thu nhập gần 90 triệu đồng. Đây là cây ngắn ngày nhưng mang lại lợi nhuận khá cao.
Đặc biệt, giống khoai ở đây có đặc điểm vỏ củ màu đỏ, ruột màu trắng, rất bở và ngọt. Chính vì thế trong thời gian tới, địa phương sẽ khuyến cáo người dân tiếp tục phát triển diện tích trồng khoai lang, để mang lại lợi nhuận kinh tế cho người dân”.
Hiện nay, không chỉ xã Kỳ Sơn mà nông dân các xã Nghĩa Phúc, Giai Xuân, Tân Hương... cũng đang tập trung mở rộng diện tích trồng khoai lang.
Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 71 ha đất cao cưỡng không chủ động được nước sang trồng khoai lang nhằm dần thay thế những cây trồng kém hiệu quả và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương
Hà Tĩnh: Nuôi tôm trong bể tròn, nông dân “kiếm” trăm triệu đồng
Mô hình nuôi tôm công nghệ trong bể tròn của ông Lê Hiến ở xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả cao. Từ đó, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm ở vùng Bãi Rào.
Ông Hiến chia sẻ: Nuôi tôm quảng canh cải tiến ở vùng Bãi Rào đã nhiều năm nay nhưng thất bại nhiều hơn được. Năm 2019, ông mạnh dạn đổi hướng đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trong bể tròn theo quy trình khép kín của Công ty cổ phần CP Việt Nam.
“Với diện tích 200 m2, tôi chỉ bỏ ra hơn 20 triệu đồng đầu tư khung bể tròn, lót bạt đáy ao, mái che ao nuôi... Trong năm 2019, tôi xuống giống cho 2 vụ nuôi và đều thắng lợi, mỗi vụ thu hoạch được 1,2 tấn, tôm đạt kích cỡ từ 60 - 70 con/kg.
Tôm được bán với giá bình quân 140.000 đồng/kg, thu về hơn 300 triệu đồng. Trừ chi phí, tính ra mỗi vụ tôi lãi gần 100 triệu đồng sau 3 tháng nuôi”
Không chỉ có ông Hiến mà rất nhiều hộ dân ở địa phương này đã đến học tập kinh nghiệm nuôi tôm trong bể tròn của ông, để tăng thêm thu nhập và làm giàu cho chính bản thân gia đình
Ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc, mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong bể tròn khép kín của hộ ông Lê Hiến ở vùng Bãi Rào đã tạo ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm nơi đây.
Điều đáng nói, chi phí đầu tư cho mỗi ao nuôi chỉ vài chục triệu đồng nên các hộ dân đều có khả năng tài chính để chuyển đổi sang hình thức nuôi mới. Nuôi tôm công nghệ cao trong bể tròn theo đúng quy trình sẽ hạn chế được dịch bệnh, rủi ro ít. Bởi vậy, chính quyền địa phương luôn khuyến khích các hộ nuôi tôm ở vùng Bãi Rào mạnh dạn chuyển đổi với mong muốn nghề nuôi tôm ở đây hiệu quả, bền vững hơn.
Quảng trị: Triển vọng từ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung
Triệu Nguyên là xã miền núi của huyện Đakrông, được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2018-2020. Để hoàn thành tiêu chí số 10 về thu nhập, trong 3 năm trở lại đây xã Triệu Nguyên đưa vào thực hiện xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế. Trong đó, nuôi hươu sao lấy nhung và sinh sản là một trong những mô hình hứa hẹn tạo cơ hội việc làm và nâng cao mức thu nhập cho nông dân ở xã miền núi này.