Tín dụng - giải pháp căn cơ chống đói nghèo
- Thứ sáu - 14/10/2016 11:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% xuống 4,45% trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2005-2015 là ấn tượng, nhưng thực tế chưa phản ánh hết hiệu quả công tác giảm nghèo giai đoạn này. Cũng trong giai đoạn đó, chuẩn nghèo tăng tới 4 lần ở khu vực nông thôn và 5 lần ở miền núi, hải đảo. Nếu chuẩn giữ nguyên, kết quả trên còn ấn tượng hơn nhiều và mới thấy hết những nỗ lực của Đảng và Chính phủ, các ngành, các cấp… trong công tác xoá đói giảm nghèo.
Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới luôn là lĩnh vực ưu tiên tập trung đầu tư vốn |
“Những thành tựu trong xoá đói giảm nghèo của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao, và Diễn đàn Phát triển của WB nhìn nhận là hình mẫu cho xóa đói giảm nghèo không chỉ cho riêng châu Á mà cho cả thế giới. Trong đó, hoạt động tín dụng là một điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhìn nhận.
Khi chính sách điểm vào từng hy vọng
Bản Nghèo - cái địa danh chỉ cần nói đến thôi đã có thể mường tượng về quá khứ khó khăn của một bản nghèo nhất thuộc xã Hồi Xuân, huyện vùng cao biên giới Quan Hóa, Thanh Hoá. Ấy thế mà, Lương Văn Biêng còn là chủ một hộ nghèo trong bản ấy, căn nhà sàn đầu tiên của anh được dựng lên năm 1989 cũng nhờ vào sự hỗ trợ của anh em và bà con dân bản. Tuy nhiên, cái nghèo theo đuổi gia đình này rất dai dẳng, hạnh phúc gia đình trên bờ vực lung lay khi hai vợ chồng đôn đáo vay mượn tiền khắp nơi cho con đi học nghề.
Cho đến tháng 5/2011, Biêng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quan Hóa thì cơ sự khó khăn trên mới dần từ bỏ gia đình này. Từ nguồn vốn vay 25 triệu đồng, trong đó có 10 triệu đồng từ vốn vay hộ nghèo thuộc vùng 30a, anh đầu tư nuôi 2 con bò sinh sản và bắt mối buôn bán hàng nông sản. Từ đó, gia đình Biêng đã bước qua ngưỡng cửa của hộ nghèo lên hộ cận nghèo vào năm 2014.
Con anh cũng đã học xong và có việc làm từ vốn chương trình ưu đãi cho học sinh, sinh viên. Kinh tế gia đình thêm lực đẩy với việc tiếp tục vay vốn theo diện hộ cận nghèo, đầu tư mua thêm bò sinh sản và một xe tải nhỏ. Tính đến nay, gia đình Biêng đã có một đàn bò 8 con và hai xe tải, đảm bảo việc làm cho 6 nhân khẩu đang trong độ tuổi lao động có thu nhập ổn định.
Những điển hình như anh Biêng giờ có thể tìm thấy trên mọi miền Tổ quốc. Ước mơ thoát nghèo của họ không chỉ được hiện thực hoá bằng một chương trình tín dụng mà bằng một chuỗi các chính sách ưu đãi có tính kế thừa, hướng tới mục tiêu cuối cùng là thoát nghèo bền vững cho người dân.
Các chương trình này do NHNN đề xuất, cùng Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng và triển khai trong nhiều năm qua, có thể nhìn thấy rõ nhất trong quá trình phát triển của NHCSXH. Từ 3 chương trình tín dụng khi mới thành lập năm 1995, đến nay NHCSXH đang triển khai 22 chương trình tín dụng chính sách.
“Mắt lưới” xoá đói giảm nghèo thêm dày với việc NHNN tham mưu trình Chính phủ ban hành đồng bộ hệ thống chính sách giảm nghèo, giúp các hộ chính sách phát triển kinh tế, giảm nguy cơ tái nghèo, thoát nghèo bền vững. Có thể kể đến việc NHNN tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo năm 2013, tiếp đó là chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo năm 2015...
Những chính sách tín dụng đặc thù cũng đã được NHNN xây dựng phù hợp với nhu cầu vùng miền theo chỉ đạo của Chính phủ, như chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, phát triển chăn nuôi... Tính đến 30/9/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 10.778 tỷ đồng so với thực hiện năm 2015, với trên 6.792 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn tại NHCSXH.
Hiệu quả giảm nghèo thêm bệ đỡ bền vững từ quan điểm xuyên suốt của NHNN trong nhiều năm qua, xác định các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới là lĩnh vực ưu tiên tập trung đầu tư vốn. Đặc biệt trong giai đoạn 2010-2015, NHNN đã ban hành nhiều văn bản gắn với đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, việc tham mưu trình Chính phủ ban hành và triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP, sau này Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, góp phần đáng kể trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở một bộ phận người nông dân gặp khó khăn về kinh tế. An sinh xã hội thêm đảm bảo cùng hàng ngàn tỷ đồng của các TCTD hỗ trợ hộ nghèo và các gia đình chính sách về nhà ở, giáo dục, y tế và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trên cả nước...
Sẽ có những đột phá
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều được áp dụng; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015... Đó là những tiêu chí đã được đặt ra trong Chương trình mục tiêu giảm nghèo Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, đây thực sự là một thách thức trong bối cảnh tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tăng lên so với trước đây, đến gần 10% và nhiều nơi lên tới 50%, cá biệt trên 60-70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước.
Những thách thức cho giảm nghèo đa chiều đặt ra trên bàn nhiều hội thảo gần đây với đề xuất cần có những nỗ lực bứt phá mạnh hơn, từ tư duy xây dựng đến thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ, các bộ, ngành.
Đối với ngành Ngân hàng, trước thềm Hội nghị trực tuyến Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ cuối tuần này và Ngày Người nghèo Việt Nam, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ có những giải pháp mạnh mẽ, tập trung hơn trong điều hành, xây dựng và thực thi các chính sách tín dụng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhưng phải bền vững.
“Dù thời gian qua, các chính sách tín dụng đã tập trung cho các đối tượng nghèo, mở ra cánh cửa giải quyết vốn cho người cận nghèo và mới thoát nghèo. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, chủ trương lớn đầu tiên sẽ làm quyết liệt trong thời gian tới của NHNN cũng như hệ thống các TCTD là tạo mọi điều kiện cho người dân mới thoát nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn thương mại mở rộng sản xuất hàng hoá. Đây cũng là lý do cho đến nay NHNN sẵn sàng tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch ở những địa bàn, huyện miền núi khó khăn, để người dân có điều kiện tiếp cận tín dụng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Giải pháp nữa mà NHNN đặc biệt quan tâm là việc tạo cơ chế chính sách tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để có thể hỗ trợ nhiều hơn người nghèo khu vực này.
Theo đó, NHNN sẽ hướng đến việc tăng cường cho vay liên kết để tạo thị trường cho người nông dân, lôi kéo người sản xuất kinh doanh, cũng như thay đổi ý thức người nghèo từ tư tưởng tự túc, tự cấp trước đây sang hợp tác sản xuất. Trong đó, vốn tín dụng sẽ là sợi dây liên kết đảm bảo hai điều kiện tối thiểu: xuất phát từ lợi ích kinh tế và tuân theo quy luật thị trường; đảm bảo lợi ích, tôn trọng các bên tham gia.
Nhìn nhận việc tạo dựng các mối liên kết chuỗi trước đây, mặc dù có sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo, chính quyền địa phương, nhưng vấn đề quan trọng là ngân hàng mới là người “cầm trịch” trong điều phối lợi ích các bên. Vì khi có liên kết chặt giữa người sản xuất, người kinh doanh thì ngân hàng có thể mang đến lợi ích đồng thời cho các bên như hạ lãi suất, cho vay không cần tài sản thế chấp... Ngân hàng sẽ là sợi dây liên kết một cách hiệu quả trên nền tảng lợi ích thực sự của các bên tham gia.
Một giải pháp khác cũng được NHNN đề xuất đó chính là dồn lực tín dụng chính sách thực hiện các ưu tiên lớn, các lĩnh vực mũi nhọn, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững... “Để giải quyết nghèo bền vững, thời gian qua các chương trình tín dụng chính sách đã dàn hàng ngang, cùng với rất nhiều chương trình, dự án của các bộ ngành khác, chương trình an sinh xã hội. Nhưng đến giờ thấy rằng, nếu cứ dàn hàng ngang thì tốc độ giảm nghèo rất chậm.
Vì vậy, cần có giải pháp đột phá với việc dồn lực tín dụng chính sách thực hiện một số chính sách đặc thù, trong đó chú trọng tới chính sách phát triển sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ cao, kết nối thị trường đầu vào và đầu ra, chính sách giáo dục đào tạo và dạy nghề”, Phó Thống đốc Tú phân tích.
Cùng với đó là các chính sách từ Chính phủ, các bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương trong việc tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm sản xuất hàng hóa, xây dựng một số chuỗi ngành hàng chiến lược phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước, trọng tâm là sản xuất nông-lâm-thủy sản, nhằm kết nối thị trường cho các sản phẩm được đầu tư phát triển. Tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia vào các vùng, chuỗi sản phẩm này.
Minh Ngọc
http://thoibaonganhang.vn/