Tín dụng tăng có kiểm soát, nợ xấu dần chuyển động

InfoMoneyTiếp nối phiên chất vấn chiều qua, sáng nay (17/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội.

Tín dụng tăng trong kiểm soát

Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, điểm sáng nhất của ngành ngân hàng thời gian qua là tín dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tính đến cuối tháng 10/2017, tín dụng tăng khoảng 13% (cùng kỳ tăng gần 12%), tập trung vào sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng là nhân tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016.

.
.

Mặc dù giữa năm nay, rất nhiều ý kiến đề nghị NHNN thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng GDP, nhưng đến thời điểm này, có thể thấy tín dụng vẫn được NHNN kiểm soát chủ động, tăng đều qua các tháng, chứ không “dồn cục” vào cuối năm như trước. Như vậy, cả năm nay, tín dụng sẽ tăng khoảng 18 - 20% như mục tiêu đề ra.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, những tháng cuối năm, NHNN cần tiếp tục kiên định, thận trọng trong điều hành chính sách tín dụng, không bơm vốn vội vã để tránh các hệ lụy phát sinh.

Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong 2 tháng còn lại, NHNN không nên tìm mọi cách để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21%, bởi có thể tác động tới lạm phát, chất lượng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô các năm sau, cũng như sự an toàn của các ngân hàng. 

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, NHNN không bị “gây sức ép” lên tốc độ tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Đến nay, ngành ngân hàng vẫn kiểm soát chặt chẽ tổng mức tăng trưởng tín dụng cũng như chất lượng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng bền vững.  

Trong những tháng cuối năm, định hướng của NHNN là tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nợ xấu chuyển động giữa hai kỳ Quốc hội

Như thường lệ, nợ xấu vẫn là tâm điểm của nghị trường Quốc hội nhiều năm nay. Nhưng so với các kỳ họp trước đây, Thống đốc Lê Minh Hưng có lẽ sẽ có nhiều thông tin tích cực hơn.

Tại kỳ họp diễn ra đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua một Nghị quyết mang tính “lịch sử” - Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Cho đến nay, Nghị quyết 42 vừa tròn 3 tháng có hiệu lực, nợ xấu đã có những chuyển động đáng mừng.

Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nhờ Nghị quyết 42, từ tháng 8/2017 đến nay, VAMC thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng.

Tổng giám đốc VAMC cho biết, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, việc thu giữ tài sản của VAMC tốt hơn rất nhiều.

Dù chưa thể đánh giá kết quả của xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, song TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, xử lý nợ xấu đã thực sự chuyển động. Quan trọng nhất, các ngân hàng đã có thêm động lực và quyền tự chủ để xử lý nợ xấu. 

Trong lĩnh vực ngân hàng, vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn nhất chính là tái cơ cấu, xử lý ngân hàng yếu kém. Từ đầu năm đến nay, quá trình xử lý ngân hàng yếu kém dường như chậm lại. Bên cạnh đó, sức khỏe của các ngân hàng cũng chưa được công khai, minh bạch.

Theo NHNN, xử lý ngân hàng yếu kém hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý. Chính vì vậy, nếu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, tái cơ cấu ngân hàng sẽ tiến triển tốt hơn trong thời gian tới.

Trần Mạnh
http://infomoney.vn/
TIN LIÊN QUAN