Tín dụng ưu đãi: Góp sức xây dựng nông thôn mới

LSO- Trong những qua, dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng, đến nay, tổng dư nợ đạt trên 1.998 tỷ đồng. Nguồn vốn đã giúp người dân ở khu vực nông thôn, các vùng quê khó khăn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống, xoá dần khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.
Mô hình nuôi thỏ ở xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đang thực hiện 11 chương trình vốn ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác như giải quyết việc làm, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, lao động xuất khẩu… Những tháng đầu năm 2015, Chi nhánh tập trung tuyên truyền, thực hiện cho vay vốn sau khi thu hồi và nguồn vốn được giao bổ sung là 140,5 tỷ đồng, gồm vốn 3 chương trình: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Công tác giải ngân vốn nhanh chóng, kịp thời với doanh số cho vay mới trong 6 tháng đạt trên 300 tỷ đồng. Tổng dư nợ vốn 11 chương trình đạt trên 1.998 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch, tăng 263 tỷ đồng so với năm 2012. 

Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Những năm qua, trên 80% dư nợ vốn của các chương trình trên là đầu tư vào khu vực nông thôn. Nguồn vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đã thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thiết thực vào thực hiện các tiêu chí thu nhập, tiêu chí hộ nghèo, môi trường… trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. 

Cụ thể, chương trình cho vay vốn hộ nghèo có dư nợ lớn nhất - trên 764 tỷ đồng đã giúp hộ nghèo khắc phục khó khăn về vốn, chủ động đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng, mở rộng dịch vụ kinh doanh… Từ sử dụng vốn, trong năm 2014 đã có hơn 2.640 hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Chương trình vốn cho vay hộ cận nghèo có dư nợ hơn 202 tỷ đồng đang tiếp sức cho các hộ vừa thoát nghèo, nhưng còn kề cận cái nghèo có cơ hội vay vốn để tiếp tục duy trì, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Từ đó, hộ cận nghèo vượt khỏi ranh giới cận nghèo, vươn lên khá giả, tránh nguy cơ tái nghèo góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.   

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với nguồn vốn đang sử dụng 168 tỷ đồng đã và đang đem lại hiệu quả rất thiết thực: góp sức xây dựng được hơn 100 nghìn công trình giếng khoan, bể chứa nước, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi… Các hộ dân ở các vùng nông thôn nhờ đó được sử dụng nước sinh hoạt sạch sẽ, có các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo hợp vệ sinh, chăn nuôi có quy mô và khoa học, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, thông qua tuyên truyền thực hiện chương trình này, người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn được nâng cao nhận thức, ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, đảm bảo sức khoẻ, xây dựng đời sống văn hoá ở các khu dân cư.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách tỉnh cho biết thêm: Thời gian tới, Chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và cấp uỷ, chính quyền các huyện, thành phố nắm nhu cầu vay vốn, tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách tỉnh xây dựng kế hoạch cấp bổ sung vốn, phân bổ nguồn vốn kịp thời, chính xác. Trong quá trình thực hiện, Chi nhánh chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn cho các hộ vay, tổ chức giải ngân  đúng kế hoạch, đảm bảo nguồn vốn cho vay quay vòng có hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn phát triển sản xuất của người dân.

Theo: baolangson.vn