Tổ chức Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 4/2019
- Thứ năm - 04/04/2019 07:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại hội nghị, đồng chí Dương Quang Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của EVN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tình hình cung cấp điện thời gian gần đây, những khó khăn và giải pháp thời gian tới. Đồng chí cho biết, nước ta có các đơn vị sản xuất và kinh doanh điện, đó là: EVN, Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản và các đơn vị sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời. Nguồn điện sản xuất chủ yếu từ thuỷ điện, than, khí, trong đó nhiều nhất là than 38,10%, thứ hai là thuỷ điện 35,10%, khí 18,5%. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam xếp hạng 27/190 quốc gia và nền kinh tế, tăng 37 bậc so với 2017. EVN được xếp thứ 2 trong 24 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, năng suất lao động của EVN cao gấp 10 lần năng suất trung bình của cả nước. Việt Nam ở trong tốp những nước có tổn thất điện năng thấp của thế giới (6,83%), đang phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống dưới 6% trong năm 2019. Hiện nay, nhiều trạm truyền tải được tự động hoá hoàn toàn, không còn người trực; thực hiện đăng ký trực tuyến cho 100% dịch vụ điện năng. EVN đã cung cấp điện tới 100% số xã và trên 99,05% số hộ ở nông thôn, 11/12 huyện đảo toàn quốc, cấp điện tới các vùng sâu, vùng xa nhiều hơn các nước có cùng mặt bằng thu nhập. Về giá điện năm 2018, theo thống kê của Global Petrol Prices (tổ chức tư vấn về xăng dầu toàn cầu) Việt Nam là một trong những nước có giá điện bình quân thấp của thế giới. Giá điện của Việt Nam năm 2018 bình quân là 0,07 USD/kWh, chỉ bằng ½ giá điện thế giới (0,14 USD/kWh); sau khi điều chỉnh tăng 8,36% vào tháng 3/2019, giá điện bình quân của Việt Nam xấp xỉ 0,08 USD/kWh. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, thời gian tới EVN thực hiện các giải pháp đổi mới công tác quản lý, điều hành hệ thống điện, nhất là thuỷ điện; nâng cấp các trang thiết bị truyền tải, vận hành, đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy điện; triển khai các biện pháp quản lý, nhằm giảm hao phí; đầu tư thêm các nhà máy phát điện và đầu tư đường dây truyền tải 500 KV thứ 3 từ Vũng Áng để cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2020. Bên cạnh đó, EVN tăng cường giám sát, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Tiếp đó, đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thông tin về thực trạng và các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đến năm 2021. Đồng chí cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 59 triệu mô tô, xe máy, 4 triệu ô tô; mỗi năm tai nạn giao thông làm chết hơn 8.200 người, thiệt hại hơn 2,5% GDP. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, tai nạn giao thông tại nước ta ở mức trung bình (tỷ lệ người bị tan nạn giao thông Việt Nam là 17 người/100.000 dân; Libi 76 người/100.000 dân, Thái Lan 36 người/100.000 dân). Từ năm 2011 đến nay, nước ta đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều biện pháp, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, Việt Nam là nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á thực hiện bắt buộc lắp đặt hệ thống giám sát GPS đối với các phương tiện vận tải thương mại. Trong những năm qua, số vụ tai nạn giao thông và số thương vong giảm, năm 2011 có 11.395 người chết vì tại nạn giao thông, đến năm 2018 có 8.248 người chết. 3 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người, giảm 644 vụ (13,78%) so với cùng kỳ năm 2018, số người chết giảm 244 người, số người bị thương giảm 486 người.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị đội ngũ báo cáo viên các tỉnh, thành phố và các Đảng ủy trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân để chuyển đổi thành hành vi, ý thức khi tham gia giao thông, hiểu nguyên nhân Chính phủ đồng ý tăng giá điện, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tập trung tuyên truyền kết quả kinh tế - xã hội quý I năm 2019, về cuộc Tổng điều tra dân số, nhà ở; các hoạt động đối ngoại, các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở các quốc gia. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện của đất nước, như ngày Giỗ tổ Hùng Vương; 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ gắn với tri ân các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công …
Tại điểm cầu Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thị Hà Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu đội ngũ Báo cáo viên cần thực hiện chế độ cung cấp thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các buổi chào cờ đầu tháng; đẩy mạnh tuyên truyền sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với 50 năm thực hiện Di chúc của Người; tuyên truyền kỷ niệm 115 năm ngày sinh Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận, chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; tuyên truyền phát triển ngành du lịch Hà Tĩnh, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi…
Theo Dương Trí Thức - Hội Nông dân tỉnh/hatinh.dcs.vn