Tổ chức lại sản xuất để nông dân có thu nhập cao hơn

Nhiều ý kiến cho rằng, gia nhập TPP, nông nghiệp là ngành đầu tiên “gặp khó” và rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi nếu vẫn giữ nguyên cung cách quản lý, sản xuất như hiện nay. Với trách nhiệm là “Tư lệnh” của ngành nông nghiệp, tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã dành cho phóng viên Báo Lao Động buổi phỏng vấn riêng với những ý kiến trao đổi thẳng thắn
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

- Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước có nền kinh tế phát triển, tạo ra cơ hội lớn, nhưng cũng đầy thách thức khi nhiều mặt hàng nông sản của nước ta đứng trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước có nền NN phát triển. Hàng nông sản của các nước sẽ có điều kiện thâm nhập vào Việt Nam, làm cho nông sản trong nước bị cạnh tranh, ép giá, mất thị phần, làm giảm thu nhập của nông dân và doanh nghiệp (DN). Thách thức trong tiếp cận thị trường đầu ra trong nước, nhất là về quy mô thị trường hàng hóa - dịch vụ nông sản phát triển chưa bền vững... Thách thức trong tiếp cận thị trường nước ngoài, nhất là tính liên thông thị trường, chi phí tiếp cận thị trường cao, dự báo thị trường còn kém; còn khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ do sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Để ngành NN tiếp tục phát triển, tận dụng tốt cơ hội do TPP mang lại cần đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất NN, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và quốc tế. Tăng cường liên kết nông dân và doanh nghiệp (DN); đảm bảo chất lượng đầu vào và giảm giá thành; chế biến tích hợp, chế biến sâu và chế biến phế, phụ phẩm; phát triển hậu cần phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn sát với thị trường. Nâng cao năng lực phân tích và dự báo thị trường. Kết nối liên thông hệ thống hạ tầng nông thôn với hạ tầng quốc gia, hạ tầng sản xuất NN với hạ tầng nông thôn, đảm bảo sản phẩm NN và hàng hóa lưu thông thông suốt từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, giảm chi phí thời gian vận chuyển, giảm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp...

Thưa ông, sản phẩm của chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước có yêu cầu kỹ thuật không cao. Do đó đã đến lúc phải vươn tới những thị trường tiềm năng, bền vững. Nếu vậy, cần phải có những giải pháp căn cơ nào?

- Có thể nói, với dân số gần 1,4 tỉ dân, thị trường Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục là thị trường vô cùng lớn và rất tiềm năng cho xuất khẩu nông sản. Tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây đạt trên 30% và chiếm tỉ trọng khoảng 35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 5 tỉ USD. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu nông sản đối với nhóm hàng rau quả sang các nước tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2015. Đúng là phần lớn nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có yêu cầu chất lượng không cao và chủ yếu đi theo con đường tiểu ngạch, giá thấp và thiếu ổn định. Về lâu dài, ngoài việc chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, cần lựa chọn tổ chức sản xuất theo chuỗi đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng cao, tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Nhật, Mỹ, Australia, EU…, nhằm đa dạng và phát triển bền vững thị trường tiêu thụ nông sản.

Vấn đề vệ sinh ATTP đang là vấn đề bức xúc của người dân. Trong cương vị thủ lĩnh của ngành NN, ông sẽ có những biện pháp gì để dẹp vấn nạn thực phẩm bẩn?

- Trong hai năm vừa qua, ngành NN đã xác định ATTP là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đặc biệt đã phát động năm 2016 là “Năm cao điểm hành động vệ sinh, ATTP trong lĩnh vực NN” đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng như: Ngăn chặn tương đối hiệu quả việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong nông sản, thủy sản. Tuy nhiên, tỉ lệ vi phạm ATTP được phát hiện còn ở mức cao, chưa đáp ứng yêu cầu người dân. Trong thời gian tới, ngành NN sẽ triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực sự rõ nét, bền vững về ATTP trong nông nghiệp.

Trước mắt, tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giao cho ngành NN theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định về ATTP; chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước về ATTP. Phối hợp chặt chẽ với UBTƯMTTQ Việt Nam; các cơ quan truyền thông công khai các cơ sở vi phạm, sản phẩm không đảm bảo ATTP; quảng bá đến người dân các nông sản thực phẩm an toàn, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn… Tăng cường công tác giám sát, thanh tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP. Về dài hạn, rà soát, đề xuất điều chỉnh thể chế và thiết chế quản lý ATTP trong lĩnh vực NN theo hướng đơn giản hóa các quy định, thủ tục, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi quản lý, đảm bảo ATTP; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kênh phân phối nông sản thực phẩm an toàn, liên kết với hộ, HTX, cơ sở sản xuất hình thành chuỗi cung ứng nông sản an toàn gắn với chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu.

Thưa ông, người nông dân chưa được hưởng một cách xứng đáng giá trị thành quả lao động của họ. Vì vậy, “chuỗi” nông sản, thực phẩm khép kín chính là giải pháp để vừa đảm bảo vệ sinh ATTP, vừa đảm bảo giá trị thu nhập cho người nông dân. Xin ông cho biết những chủ trương, kế hoạch của ông trong vấn đề này?

- Thực tế, NN nước ta chủ yếu dựa trên sản xuất nông hộ quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết (34,7% hộ sử dụng đất sản xuất NN có diện tích canh tác dưới 0,2ha/hộ, 69% số hộ có quy mô dưới 0,5ha/hộ). Công tác tổ chức sản xuất vẫn còn bất cập, liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ, còn nhiều khâu trung gian dẫn đến chi phí vật tư đầu vào còn cao; giá bán sản phẩm thấp vì sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường và không ổn định, dễ bị tác động khi thị trường thay đổi; sản xuất chưa đáp ứng thị hiếu, yêu cầu thị trường, sản xuất chú trọng vào tăng sản lượng mà chưa chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường nên lợi nhuận thu về còn thấp.

Trong chuỗi giá trị, người nông dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm chịu rủi ro cả về thiên tai, dịch bệnh, thị trường nhưng giá trị thu được chỉ đạt khoảng 25-30% trong tổng giá trị của chuỗi sản phẩm (cá biệt sản xuất càphê chỉ được hưởng khoảng 5-7%) là nghịch lý trong sản xuất kinh doanh nông sản hiện nay ở nước ta. Để phân phối lợi ích hợp lý trong chuỗi giá trị đối với người sản xuất nguyên liệu, cần kiên trì tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh của hộ nông dân, xây dựng hợp tác xã và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm hạn chế các khâu trung gian, tiết kiệm chi phí, tăng giá bán sản phẩm, phân bổ hợp lý lợi ích cho người sản xuất; tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách, nhất là các chính sách về liên kết, khoa học công nghệ, tín dụng, thông tin thị trường… để người nông dân có thu nhập xứng đáng hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sinh năm 1959 tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Ngày 28.7.2016, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách nội các Chính phủ khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ông Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ NNPTNT chính thức được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ NNPTNT với số phiếu tín nhiệm 86,64%.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

theo Báo Lao Động