Tổ chức sản xuất tốt, có thể làm giàu từ vụ đông
- Thứ hai - 07/11/2016 04:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xin ông cho biết đến nay các địa phương đã triển khai vụ đông như thế nào?
- Vụ đông năm nay, toàn miền Bắc phấn đấu đạt 429.000ha, tăng 20.000ha so với vụ đông 2015 và khoảng 9.000ha so với vụ đông 2014. Hầu hết các địa phương đều xác định vụ đông là vụ chính và là vụ sản xuất hàng hóa, với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao nên đã chủ động xây dựng và triển khai sớm đề án sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông; kèm theo là các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm thúc đẩy vụ đông phát triển.
Nông dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) chăm sóc cà chua vụ đông. Ảnh: Trần Quang
Trong đó, công tác cải tạo đồng ruộng, dồn đổi đất đai, thủy lợi và giao thông nội đồng tiếp tục được tu bổ, xây dựng mới theo quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông.
Tuy nhiên, vụ đông 2016 được tiên lượng là một vụ nhiều khó khăn do dự báo lượng mưa đầu vụ (cuối tháng 9, đầu tháng 10) cao hơn trung bình nhiều năm, do vậy các địa phương đã vào cuộc tích cực, chỉ đạo quyết liệt và chủ động điều tiết tỷ lệ cây ưa ấm, cây ưa lạnh. Theo số liệu báo cáo của các địa phương đến ngày 25.10, diện tích cây vụ đông đã gieo trồng tại các tỉnh phía Bắc ước đạt khoảng 300.000ha, đạt 70% kế hoạch.
Những địa phương nào đang triển khai tốt làm vụ đông? Bà con nông dân có gặp khó khăn gì không?
-Hiện các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gieo trồng được 75.000/113.000ha kế hoạch (đạt 66%). Trong đó một số tỉnh gieo trồng nhiều như Thanh Hoá 43.000ha, Nghệ An 25.000ha, Hà Tĩnh khoảng 5.000ha, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế mỗi tỉnh khoảng 1.000ha và gieo trồng không tập trung.
Thực tế cho thấy, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều thuận lợi để phát triển cây vụ đông nên vùng này luôn chiếm diện tích lớn, hiện đã đạt 225.000ha (71% kế hoạch). Trong đó Thái Bình đạt 29.000ha; Hà Nội khoảng 25.000ha; Vĩnh Phúc 16.000ha; Hải Dương 12.000ha...
Hầu hết diện tích cây vụ đông ưa ấm như ngô, dưa, bí, rau đậu sinh trưởng tốt và chuẩn bị vào giai đoạn sinh thực (trổ cờ phun râu, ra hoa quả non…). Một phần diện tích trồng sớm ngô nếp, ngô ngọt, ngô rau đã cho thu hoạch.
Vụ đông 2016 gặp một số đợt mưa lớn nên thời vụ cây ưa ấm ở một số vùng bị ảnh hưởng do tiêu thoát nước không kịp. Với vụ đông, khó khăn và thách thức lớn nhất với bà con nông dân vẫn là các bất thường của thời tiết, thiếu lao động trẻ khỏe, nhiều vùng hệ thống tưới tiêu bất cập do bị phá vỡ bởi các khu công nghiệp, đô thị, xây dựng đường sá… Trong khi đó, giá cả vật tư đầu vào vẫn ở mức cao; sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ chưa đủ mạnh.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát, chưa vào cuộc quyết liệt trong triển khai vụ đông; các chính sách hỗ trợ chưa thực sự hấp dẫn. Về phía Nhà nước, nhiều năm qua cũng chưa có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển cây vụ đông.
Ngành nông nghiệp đã có chính sách gì để khuyến khích nông dân phát triển vụ đông, cũng như đạt được mục tiêu thu nhập khoảng 1 tỷ USD?
- Ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai kế hoạch sớm, gắn vụ đông với vụ lúa màu và có những tiên lượng, dự báo sớm. Đồng thời Bộ NNPTNT cũng tích cực tìm kiếm thị trường, đề xuất các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau màu vụ đông…
Ngành nông nghiệp các địa phương cũng chủ động đề xuất sớm các chính sách hỗ trợ cho mở rộng diện tích vụ đông. Điển hình như tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ cho nông dân 1.500.000 đồng/ha sản xuất cây bí xanh, bí đỏ trên đất 2 vụ lúa; hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha sản xuất cây ngô trên đất 2 vụ lúa. Tỉnh Hải Dương hỗ trợ thuê hoặc mượn đất để sản xuất vụ đông với quy mô từ 2ha trở lên, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, đơn vị có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm... Trước những bất lợi về thời tiết, khung thời vụ, ngành nông nghiệp có khuyến cáo, lưu ý như thế nào tới bà con để sản xuất vụ đông hiệu quả?
- Vụ đông là một vụ với nhiều lợi thế chỉ có ở miền Bắc, cây trồng đa dạng (gồm các nhóm cây ưa ấm và trung gian giữa ấm và lạnh, nhóm cây ưa lạnh). Nhiều tiến bộ khoa học công nghệ về giống được ứng dụng mạnh mẽ trong thực tế với các giống dưa, bí, ngô, rau ăn lá vừa ngắn ngày, vừa cho năng suất cao. Có những giống su hào, cải bắp cho chất lượng rất tốt và chỉ 55 - 60 ngày đã cho thu hoạch. Vụ đông sâu bệnh gây hại ít, nhất là ở nhóm cây ưa lạnh, khi nền nhiệt đã xuống và các đợt gió mùa bổ sung liên tục. Nếu bà con có cách tổ chức sản xuất tốt thì có thể làm giàu từ vụ đông.
Hiện đang là khung thời vụ tốt nhất của cây ưa lạnh mà điển hình là khoai tây, su hào, cải bắp, rau xanh phục vụ cho tết cổ truyền, vì vậy bà con nên tranh thủ gieo trồng ngay trong khung tốt nhất.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Minh Huệ/danviet.vn