Tọa đàm “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”

Tọa đàm “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”
Đối với Việt Nam, nông dân, nông nghiệp và nông thôn là những vấn đề lớn, hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bàn về vấn đề này, sáng ngày 28/5, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức buổi tọa đàm về: "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”.

 

Tọa đàm “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Nguồn: financePlus.vn

Tham gia cuộc tọa đàm, về phía Ban Kinh tế Trung ương có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nguyễn Xuân Cường, Đinh Văn Cương, Lê Vĩnh Tân, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng ban và đại diện các vụ, đơn vị của Ban. Đồng chủ trì tọa đàm có đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự tọa đàm còn có Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo bộ, ngành, nhà quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển liên tục và đạt kết quả hết sức quan trọng, không những cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho hơn 90 triệu dân mà còn xuất khẩu đi thế giới, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản…, đây là thành tích hết sức quan trọng, giải quyết việc làm cho bà con nông dân nói riêng và xã hội nói chung. Tuy nhiên nền nông nghiệp gặp phải nhiều thách thức khiến năng suất và hiệu quả kinh tế của nước ta rất thấp so với thế giới, sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, được mùa thì mất giá, đời sống một bộ phận bà con chưa biển đổi nhiều... Vì vậy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là yêu cầu bức xúc đặt ra hiện nay.

Trong tham luận về tổng quan nông nghiệp Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: nông nghiệp Việt Nam đã liên tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn, khẳng định vai trò quan trọng, chiến lược trong quá trình phát triển đất nước, nhất là trong những giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn. Thứ nhất, đã duy trì được mức tăng trưởng cao, ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực. Thứ hai, Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn trở thành nước xuất khẩu nhiều loại nông sản, thực phẩm ra thị trường thế giới với số lượng và giá trị ngày càng tăng. Thứ ba, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng được nâng cấp và hiện đại.Thứ tư, nông thôn ngày càng phát triển, đời sống nông dân được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra cần phải tái cơ cấu nông nghiệp. Thứ nhất, môi trường kinh tế - xã hội đã và đang có nhiều thay đổi. Thứ hai, nhiều hạn chế, yếu kém có tính chất cơ cấu nội tại cản trở quá trình phát triển của nền nông nghiệp. Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị và lợi nhuận; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Đồng chí Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: tái cấu trúc nông nghiệp phải gắn với tái cấu trúc kinh tế nông thôn, phải đi đến đời sống người nông dân được nâng cao hơn, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người nông dân. Nếu chúng ta chỉ say sưa nông nghiệp và không nhìn nông thôn một cách toàn diện thì thu nhập của nông dân không thể tăng được.

Theo ông Ngọ, mỗi tỉnh phải trở thành một cơ cấu nhưng tái cấu trúc đó phải thể hiện trên địa bàn tỉnh. Mỗi tỉnh phải xác định được sản phẩm chủ lực, tỉnh mới gắn được chứ huyện và nông dân không thể gắn được. Tái cấu trúc phải gắn liền với nông thôn mới, nông thôn mới là tiền đề cho tái cấu trúc nông nghiệp. Cần hết sức quan tâm đến tái cấu trúc trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Cần tổ chức mạng lưới kinh doanh nông nghiệp nông thôn bao gồm: phát huy chuỗi giá trị trong nông nghiệp và tiềm năng kinh tế nông thôn, phát huy kinh doanh dịch vụ ở nông thôn. Phải tạo ra ngay dịch vụ đời sống, dịch vụ sản xuất ở nông thôn.

PGS., TS. Nguyễn Văn Sánh, Viện nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ bày tỏ sự lo ngại nông nghiệp, nông thôn và nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị áp lực rất lớn trong tiến trình hậu WTO và thay đổi khí hậu toàn cầu trong thời gian tới. Nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ thì rất khó tận dụng cơ hội và vượt các thử thách để phát triển tái cấu trúc nông nghiệp thành công vùng Đồng bằng sông Cửu Long để làm nền tảng công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp và nông thông Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. 

Theo ông Sánh, liên kết vùng là giải pháp mang tính hiệu quả  cao về lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Qua thực hiện liên kết vùng thì sẽ có cơ hội bổ sung nhiều hơn về lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long liên quan khoa học - kỹ thuật, kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên và phát triển cơ chế và chính sách nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững hơn.

Theo PGS., TS. Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, vấn đề liên kết sản xuất giống, nhiều giống trôi nổi không biết từ đâu. Nếu liên kết 100% thì sẽ tiết kiệm được 12000 tỷ đồng, nếu 50% thì sẽ tiết kiệm được 6000 tỷ đồng - một con số không nhỏ. Do vậy, chúng ta nên chú trọng về các liên kết trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Ông Vang cũng đề nghị, hiện nay chúng ta đang nhập khẩu từ Úc 10000 con bò thịt mà riêng thịt bò nếu kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp và tổ chức sản xuất thì sẽ tiết kiệm được 2 tỷ USD.

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn, những tư duy quan trọng của Đảng ta về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; làm rõ những đổi mới tư duy đó đã vào cuộc sống như thế nào, mặt được, chưa được và nguyên nhân; những vấn đề cốt yếu gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được thực tiễn kiểm chứng; đã được làm rõ về mặt lý luận; những hạn chế, vướng mắc, những vấn đề lớn đang đặt ra. 

Các chuyên gia tham dự buổi Tọa đàm cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối, giải pháp của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Buổi tọa đàm là tiền đề quan trọng giúp Ban xây dựng báo cáo về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

PV
Nguồn tapchitaichinh.vn