Tỏi tía Phù Yên được lựa chọn làm sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La
- Thứ tư - 25/12/2019 00:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Huyện Phù Yên không chỉ nổi tiếng với cánh đồng lúa Mường Tấc, với đặc sản gạo tẻ thơm ngon chất lượng. Thời gian qua, người dân sinh sống trên địa bàn huyện còn trồng tỏi tía là cây chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình. Nhiều nông hộ đã thoát nghèo, làm giàu từ nghề trồng tỏi tía. Tuy nhiên, phương thức trồng tỏi còn hạn chế, sản xuất manh mún, dẫn đến sản lượng và chất lượng tỏi chưa cao, nên thương hiệu tỏi tía Phù Yên chưa được nhiều khách hàng biết đến.
Tỏi tía Phủ Yên có vị thơm ngon, được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn làm gia vị phục vụ bữa cơm gia đình.
Hiện nay, Phù Yên có trên 6.400 ha đất nông nghiệp và được chia làm 4 tiểu vùng. Trong đó, vùng trọng điểm lúa có diện tích gần 1.500 ha. Khu vực này có trên 1.300 ha trồng lúa 2 vụ, diện tích còn lại chỉ trồng được 1 vụ. Diện tích trồng tỏi tía cũng bắt đầu được người dân nhân rộng ở 2 xã Tường Phù và Gia Phù, Tường Thượng bước đầu đã cho sản lượng khá lớn cung cấp ra thị trường.
Tỏi tía, trong đó có tỏi 1 nhánh đã trở thành đặc sản của huyện Phù Yên.
Chia sẻ với PV Trang Trại Việt, ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, nhận định: "Sản phẩm tỏi tía đã trở thành đặc sản của huyện, thường được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Chúng tôi đã có lộ trình tăng dần diện tích trồng tỏi, đưa cây tỏi thành sản phẩm đặc sản của vùng với thương hiệu tỏi tía Phù Yên.
Chúng tôi đã tham mưu cho huyện xây dựng vùng tỏi chất lượng cao, đồng thời xây dựng kế hoạch bảo vệ giống tỏi tía mang tính đặc trưng của vùng. Duy trì và tăng diện tích trồng tỏi, đảm bảo việc sản xuất tỏi gắn được với thị trường. Sau khi sản phẩm tỏi khô, tỏi đen của huyện được lựa chọn là 1 trong 20 sản phẩm OCOP, tỏi Phù Yên đã được nhiều người tin dùng".
Trước đây tỏi tía được người dân trồng rất ít, chủ yếu phục vụ gia đình. Nhưng nay tỏi tía đã được người dân lựa chọn là cây phát triển kinh tế.
Nếu so sánh trồng tỏi với các cây vụ 3 khác thì cây tỏi mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ chăm sóc, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Việc đảm bảo duy trì được diện tích tỏi tía, sẽ giúp bà con nhân dân từng bước xóa nghèo và vườn lên làm giàu từ trồng tỏi. Do điều kiện đất đai phì nhiêu, vùng đất Phù Yên rất thích hợp phát triển tỏi tía, tỏi có hương vị thơm ngon khác biệt với các loại tỏi khác. Sản phẩm tỏi tía đã trở thành đặc sản, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn làm gia vị trong các bữa cơm hàng ngày của gia đình.
Chị Hà Thị Chưng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất và kinh doanh tỏi Phù Yên, xã Tường Phù, huyện Phù Yên, đang kiểm tra chất lượng của tỏi tía trồng từ tháng 10.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phù Yên: Trước đây, cây tỏi được người dân trồng với số lượng khiêm tốn, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Năm 2006 nhận thấy cây tỏi mang lại giá trị kinh tế cao, bà con mới bắt đầu mở rộng diện tích trồng tỏi, cùng với đó là cải tạo đất trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại năng suất và sản lượng cao hơn. Để chất lượng tỏi tía được nâng cao, chúng tôi đã phối hợp với Hội Nông dân, khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng tỏi.
Hiện nay tỏi tía được trồng nhiều nhất tại các xã Gia Phù, Tường Phù...
"Sau khi tỏi tía được thu hoạch, sản phẩm sẽ được xuất bán cho các nhà hàng, chợ trung tâm và người tiêu dùng, đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Năm 2019, xã Tường Phù đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh Tỏi Phù Yên đặt tại bản Bùa Thượng, xã Tường Phù. Tổ hợp tác có 10 hộ gia đình thành viên, tổng diện tích gieo trồng trên 6 ha, năng suất tỏi bình quân đạt 6 - 8 tấn/ha củ khô, thu nhập đạt 30 - 50 triệu đồng/hộ/ha"- ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phù Yên thông tin thêm.
Sản phẩm tỏi đen Phù Yên đã được lựa chọn là sản phẩm OCOP, có giá bán từ 800.000-1000.000 đồng/kg và cung đang không đủ cầu..
Để nâng cao chất lượng và tạo thương hiệu cho tỏi tía vươn ra thị trường rộng lớn, các thành viên Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh Tỏi Phù Yên đã lựa chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch rất nghiêm ngặt. Những củ tỏi tía khi thu hoạch đảm bảo củ chắc, không sâu, không thối, sau đó sơ chế, phơi khô rồi đóng vào các túi lưới. Đặc biệt, khi sơ chế tỏi cần tránh tiếp tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vì sẽ làm hỏng và giảm lượng vitamin trong tỏi. Thương hiệu tỏi Phù Yên đã được các khách hàng tin dùng và lựa chọn.
Hiện nay diện tích trồng tỏi tía trên địa bàn huyện Phù Yên đang được người dân nhân rộng, để tăng cao nguồn thu nhập.
Chị Hà Thị Chưng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất và kinh doanh tỏi Phù Yên, xã Tường Phù, huyện Phù Yên, cho biết: "Chúng tôi phấn đấu tăng sản lượng và diện tích vào những năm tiếp theo và quyết tâm xây dựng thương hiệu tỏi Phù Yên đến với các khách hàng. Vừa rồi tỏi tía của chúng tôi đã được lựa chọn làm sản phẩm OCOP của tỉnh, đây là cơ hội để chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm giá trị cây tỏi, giúp bà con nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính quê hường của mình".
Để tăng diện tích trồng tỏi và đưa cây tỏi là cây xóa nghèo, huyện Phù Yên đang khuyến khích các xã Tường Phù, Tường Thượng, Gia Phù mở rộng diện tích, tuyển chọn, phục tráng giống tỏi tía của địa phương để tăng sản lượng và chất lượng. Đồng thời, huyện luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm thị trường tiêu thụ tỏi ổn định cho người nông dân. Huyện đã chuẩn bị các thủ tục để được công nhận thương hiệu tỏi Phù Yên, mở ra hướng đi mới, ổn định và bền vững cho cây tỏi.
Theo Hà Hoàng/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây