Tôm chết: Giải nghệ, treo ao, nghe khuyến cáo

Tôm chết: Giải nghệ, treo ao, nghe khuyến cáo
Tính đến cuối tháng 7/2012, toàn tỉnh Sóc Trăng thả nuôi 31.669 ha, đạt 66,2% kế hoạch, trong đó nuôi công nghiệp và bán công nghiệp chiếm 50%. Đến nay, tôm chết đã gần 14.000 ha (trên 44%), các huyện trọng điểm nuôi tôm như Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Trần Đề diện tích tôm chết trên 60% diện tích thả nuôi.
Treo ao
Ông Giang Đại Hòa ở ấp Chợ, xã Trung Bình (Trần Đề, Sóc Trăng) thả 3 ao diện tích 1,5 ha, chết mất 2 ao sau thả 20 ngày. Gia đình ông từ năm 2011 đến nay nuôi tôm không có thu nhập, còn nợ ngân hàng trên 300 triệu đồng.
Cùng ở  ấp Chợ, ông Ca Minh Chí nuôi tôm sú công nghiệp trên 10 năm, nói chưa bao giờ thất bại nặng nề như năm 2012. Đầu vụ, gia đình ông thả 8 ao diện tích 3,5 ha, thiệt hại 100% sau 2 lần thả giống, mất gần 800 triệu đồng. Năm 2011, ông đã mất gần 1 tỷ đồng. Ông Chí tâm sự, đa số hộ nuôi tôm sú công nghiệp tuân thủ kỹ thuật, thông qua đội ngũ cán bộ kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản của địa phương và các cơ sở tôm giống, thức ăn tôm. Các năm từ 2010 về trước ai nuôi tôm cũng lãi, gia đình ông thu lợi năm thấp nhất cũng 500 triệu đồng, năm trúng mùa được giá như năm 2010, lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận, gia đình ông đầu tư hạ thế điện 3 pha cho diện tích nuôi tôm sú công nghiệp, vừa làm xong tốn 700 triệu đồng, thì liên tiếp thất bại do dịch bệnh. Gia đình ông từ hộ có thu nhập cao, phải treo nợ với ngân hàng, ao nuôi để phơi nắng. Xã Liêu Tú và Trung Bình là vùng nuôi trọng điểm của huyện Trần Đề, diện tích thả nuôi gần 1.700 ha. Thống kê của huyện, thiệt hại ở 2 xã gần 700 ha ( khoảng 140 tỷ đồng), thực tế cao hơn do nhiều hộ không báo cáo. Hiện tại có 90% hộ nuôi treo ao. 
 
Rối ren
Kết quả phân tích 8 mẫu nước và 13 mẫu bùn lắng lấy từ 2 tỉnh có tôm chết nghiêm trọng nhất năm 2011 là Sóc Trăng và Bạc Liêu, của Cục Bảo vệ thực vật và Viện Môi trường nông nghiệp, 100% mẫu nước bị ô nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrin vượt mức cho phép từ 3 đến hơn 6 lần. 


Đưa dụng cụ nuôi tôm về kho
Nhưng các hộ nuôi tôm ở xã Trung Bình và Liêu Tú của huyện Trần Đề, đa số không sử dụng thuốc thú y thuỷ sản có tồn dư độc hại, mà tôm vẫn chết trên diện rộng, áp dụng qui trình kỹ thuật hiện đại vẫn thất bại. Theo các hộ, thời tiết và môi trường nước ô nhiễm đang là nguyên nhân chính. 
Ông Giang Đại Hoà và Ca Minh Chí nghi tôm chết do nguồn nước là chính. Tuy nhiên, xử lý nguồn nước không còn ô nhiễm, các hộ không thể làm, cần có hỗ trợ từ nhà nước và cơ quan chức năng để xử lý nguồn nước chung cho cả vùng nuôi. Mặt khác, khi công bố dịch, việc hỗ trợ hoá chất Chlorine diệt mầm bệnh trong ao nuôi phải nhanh chóng, hiện nay rất chậm. Thường thì từ khi công bố dịch đến khi nhận được hoá chất dập dịch kéo dài 2 đến 3 tháng, dẫn đến không khoanh được vùng dịch. Ông Ca Minh Chí còn cho biết: Hoá chất xử lý nước (Chlorine) hiện có giá cao hơn trước, chất lượng lại kém. Thường sử dụng phải tăng liều lên hơn 30% theo hướng dẫn mới có hiệu quả.
 
Giải nghệ, nghe khuyến cáo
Ông Trần Hoàng Dũng, Phó phòng NN&PTNT huyện Trần Đề nói rằng, địa phương xác định tôm chết đa phần do bệnh đốm trắng, gan tuỵ và xã Liêu Tú, Trung Bình đã công bố dịch vào tháng 5 và 6/2012. Để phòng ngừa rủi ro, huyện tăng cường tập huấn cảnh báo về tác động của môi trường, khí hậu, độ mặn và khuyến cáo chỉ nên thả nuôi thưa những ao an toàn. 
Nhiều chủ nuôi tôm đành chọn giải pháp giải nghệ để nghe khuyến cáo. Ông Châu Thiếu Hùng ở xã Liêu Tú (Trần Đề, Sóc Trăng) có 11 năm thuê ao nuôi tôm cho biết, năm 2011 và đầu năm 2012 tôm thả trên dưới 30 ngày đều chết. Năm nay, ông thả 2 đợt thiệt hại 150 triệu, đành phải thu dọn dụng cụ nuôi tôm đưa về kho, chờ yên ổn qua năm tới mới tính nuôi nữa hay không.
Theo Thuysanvietnam