Tôm - lúa thích ứng biến đổi khí hậu
- Thứ tư - 26/10/2016 10:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nước biển dâng nhanh
Từ năm 2007 đến nay, nước biển dâng cao, triều cường lớn làm bờ biển Cà Mau bị sạt lở bình quân 15 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm với 80% chiều dài bờ biển từ Đông sang Tây. Ông Huỳnh Văn Tui ở thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) nói: “Tôi nhìn bằng mắt thường thấy triều cường năm sau cao hơn năm trước, có khi nhanh hơn thông báo kịch bản của cán bộ”.
Tỉnh Cà Mau có bờ biển dài 254 km bao bọc 3 mặt. Hàng trăm cửa sông chằng chịt ăn thông ra biển với hơn 10.000 km đều bị sạt lở. Sở NN&PTNT Cà Mau khảo sát bờ biển đã phát hiện 40,528 km sạt lở, trong đó có 6 đoạn sạt lở lớn với 22,982 km là xã Khánh Tiến (huyện U Minh), Khánh Bình Tây Bắc (Trần Văn Thời), xã Tân Hải (Phú Tân), xã Đất Mũi (Ngọc Hiển), xã Tân Thuận (Đầm Dơi).
Sở NN&PTNT Cà Mau triển khai xây dựng bờ kè tốn kém nhưng chưa ngăn được sạt lở. Những đoạn kè bằng cừ tràm, thân dừa nước bị sóng đánh gãy. Kè bản nhựa, rọ đá… cũng bị ăn mòn, nhấn chìm đá xuống nước và sóng biển xâm thực vào sâu hơn. Kè ngầm tạo bãi đã phát huy tác dụng, chống sạt lở và tạo bãi trồng rừng nhưng giá thành quá cao, khoảng 30 tỷ đồng để xây dựng 1 km.
Nước mặn tràn vào cửa biển, cửa sông và xâm nhập sâu vào đất liền làm cho bà con sản xuất lúa bấp bênh nhưng thuận lợi cho nuôi tôm. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Diện tích xâm nhập mặn lan rộng vào vùng quy hoạch ngọt hóa để trồng lúa, trồng rừng, trồng mía và bà con đã chuyển sang nuôi tôm”. Ranh giới mặn - ngọt càng mong manh.
Luân canh tôm - lúa cho hiệu quả hơn hẳn lúa độc canh
Đưa tôm vào lúa
Sau mấy năm tự phát nuôi tôm trên đất lúa ở ấp 18, 19, 20 của xã Nguyễn Phích (U Minh), đời sống người dân khá hơn. Ông Đàm Văn Nguyễn, Trưởng ấp 20 cho biết, có khoảng 500 hộ dân nhận khoán đất lâm nghiệp để trồng lúa - trồng rừng vào năm 1992 thì sau đó, hộ gốc còn khoảng 10% vì nghèo đói, hầu hết đã bỏ đi nơi khác. Từ khi nuôi tôm luân canh lúa có hiệu quả, nhiều người cũ lại quay về, thêm nhiều người mới đến thuê đất để nuôi tôm - trồng lúa.
Trời xế bóng, vợ chồng ông Nguyễn bày bữa cơm có luộc mấy con cua vừa bắt được. “Trước đây, mỗi năm trồng vụ lúa chỉ được 5 - 7 giạ/công. Từ khi nuôi tôm, lúa trúng gấp đôi, khoảng 15 - 20 giạ/công, đủ ăn no. Còn nuôi tôm, nuôi cua mùa khô còn dư, để dành, tích lũy”.
Một chuyên gia chia sẻ: “Nhìn việc chuyển dịch nuôi tôm trên đất trồng lúa kém hiệu quả từ năm 2000 đến nay và nhất là việc bà con chuyển đổi lúa - tôm thì thấy, bà con đừng bỏ lúa. Trồng lúa có gạo ăn và tạo môi trường tốt, sạch bệnh cho tôm”.
Cùng quan điểm, ông Đoàn Văn Đây ở ấp Tân Biên, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước cho biết: “Luân canh tôm - lúa cho hiệu quả hơn hẳn trồng lúa, chưa kể nước mặn sớm làm lúa thất trắng”. Theo ông, từ cuối năm trước đến khoảng tháng 5 năm sau nuôi tôm, khi mưa xuống thì cấy lúa. Nuôi tôm trên ruộng lúa nay đã 320 - 350 kg/ha và lúa trúng hơn, có thể đạt 4 - 4,1 tấn/ha.
Bà con nông dân Cà Mau nuôi tôm sú hoặc nuôi tôm thẻ chân trắng xen canh với trồng lúa. Tôm - lúa mang lại lợi nhuận trung bình khoảng 54 triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Thới ở ấp Tân Biên, xã Tân Hưng đang mua vật tư xây dựng nhà, nhẩm tính: “Nuôi tôm thẻ chân trắng - trồng lúa đạt gần 70 triệu đồng/ha. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 55 triệu đồng/ha vì tôm thẻ chân trắng 20 - 30 con/m2, còn tôm sú chỉ 10 con/m2 nhưng tôm sú lại cao hơn vì đầu tư ít vốn”.
Ông Nguyễn Văn Tý, ở xã Hồ Thị Kỷ (Thới Bình, Cà Mau) lại có cách tính khác: “Nuôi tôm thẻ chân trắng được 2 vụ, 1 vụ lúa bởi tôm thẻ chân trắng thả nuôi chỉ 60 - 90 ngày/vụ. Bà con ở đây còn thả nuôi cua, tôm càng xanh cũng có lời khẩm.
Đến nay, theo Sở NN&PTNT Cà Mau, tỉnh có 51.570 ha lúa - tôm, chiếm 17,9% diện tích nuôi tôm nước lợ 262.915 ha của tỉnh. Từ năm 2000, bà con sản xuất lúa - tôm ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và thành phố Cà Mau. |