Tôn vinh điển hình thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới“
- Chủ nhật - 06/12/2015 09:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong không khí tưng bừng, phấn khởi của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9, chiều 6/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức lễ biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và giao lưu điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.
Dự buổi lễ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan- Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng 1800 đại biểu là điển hình tiên tiến đến từ mọi miền Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Huân Chương Lao động Hạng Nhất cho 13 tỉnh, thành. |
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động, 5 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã hưởng ứng tích cực, triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc gắn với các giải pháp, nội dung phù hợp, sát thực tế.
Đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện phong trào, điển hình như: “Phong trào cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “ Nhà nông đua tài”, “Điểm sáng vùng biên”; “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Ở các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước cũng phát động nhiều phong trào với các tên gọi khác nhau như: “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”; tỉnh Hà Tĩnh với phong trào “ Việc làng- đất vàng cũng hiến”; “Hiến đất- Mất một được hai”…
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự làm nên diện mạo mới cho đời sống của nông dân nói riêng và nông thôn Việt Nam thời kỳ hội nhập nói chung, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục triển khai thực hiện Phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 (2016-2020).
Ghi nhận, biểu dương những kết quả Phong trào thi đua, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho 13 tỉnh, thành phố và 14 bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua. Thủ tướng quyết định tặng Cờ thi đua cho 66 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và tặng bằng khen cho 450 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho 13 tỉnh, thành phố và 14 Bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương, tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 10 huyện và tặng bằng khen cho 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định tặng thưởng các công trình phúc lợi cho các bộ, ngành, các địa phương đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước Chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Tiếp đó, tại lễ biểu dương cũng đã diễn ra chương trình giao lưu với các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước với chủ đề “Quạt cho phong trào lớn mạnh”.
Tại buổi giao lưu, các đại biểu cùng sống lại không khí thi đua yêu nước sôi động của 67 năm về trước, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng chiếc quạt cho đồng chí Hoàng Đạo Thúy và mời ông về làm Tổng Thư ký Ban vận động thi đua ái quốc với lời dặn: để quạt cho phong trào lớn mạnh.
Kể từ đó đến nay, trong kháng chiến cũng như thời bình, chiếc quạt đã luôn là biểu tượng thổi cho tinh thần và tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn mạnh lên.
Tham gia buổi giao lưu là các điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.
Họ là những người đã cống hiến tài năng, công sức, trí tuệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, làm lợi cho cộng đồng, giúp ích cho xã hội.
Câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Thông đã để lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho các đại biểu.
Dù đã gần 70 tuổi, nhưng gần 15 năm nay, cô Thông vẫn ngày ngày lặng thầm làm công việc vận động, dạy chữ cho các em nhỏ mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, người lớn mù chữ ở miền biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đồng thời xây dựng lên quỹ khuyến học lên đến 34 tỉ đồng cho địa phương.
Cô Nguyễn Thị Thông tâm sự: “Quê hương tôi rất khó khăn, còn 10% các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, bị tật nguyền chưa được đến trường. Nhiều người lớn tuổi của xã tôi, trước kia bố mẹ sinh con nhiều, hoàn cảnh khó khăn nên các chị không được đi học, mù chữ. Từ lý do dó, cá nhân tôi quyết định về địa phương làm một việc gì đó đem lại ý nghĩa cho chính mình và cho xã hội. Tôi quyết định mở lớp dạy thêm miễn phí cho các em học sinh nghèo và người lớn chưa biết chữ”
Hay như câu chuyện của ông Lê Đức Thịnh – giáo dân tiêu biểu đã được Giáo hoàng Toà thánh Vatican phong tặng danh hiệu Hiệp sỹ Đại thánh giá vì đã có nhiều đóng góp to lớn cho giáo hội và cho xã hội.
Ông chính là cầu nối cho các cuộc đối thoại, vận động thuyết phục, tạo ra nhiều cuộc gặp gỡ, góp phần giúp công giáo Việt Nam ngày càng gắn bó, đồng hành cùng đất nước.
Ông Thịnh chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng qua đại hội thi đua yêu nước lần này, mỗi người con dân của đất Việt chúng ta nâng đỡ nhau, nhất là đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số anh em của chúng ta. Và điều tôi khao khát nữa là những người có đảng hay không có đảng, đồng bào trong nước hay kiều bào hải ngoại, chúng ta hãy xóa hết định kiến quá khử, cùng bắt tay nhau để xây dựng một nước Việt Nam ngày mai thật hùng cường”./.
Theo VOV