Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX: Bảo đảm thực chất, tránh hình thức

Việc tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) phải tiến hành đúng trọng tậm, trọng điểm, bảo đảm thực chất, tránh hình thức. Không chỉ đánh giá thực trạng phát triển HTX mà quan trọng là tìm ra động lực phát triển mới cho khu vực KTTT; đi vào những vấn đề về thể chế, bất cập trong chính sách đất đai, tài chính, nhân lực...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng BCĐ Đổi mới, phát triển KTTT Trung ương, chủ trì cuộc họp ngày 6.11.2018.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đổi mới, phát triển KTTT, HTX về kế hoạch Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, ngày 6/11, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết mục đích của tổng kết là đánh giá kết quả triển khai và tình hình phát triển KTTT sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX. Chỉ rõ kết quả đạt được và nội dung còn hạn chế, rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp cụ thể trong những năm tiếp theo.

Vấn đề cốt lõi là nhận thức

Dự thảo yêu cầu việc tổng kết Nghị quyết phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức, tạo tác động nâng cao nhận thức của xã hội về HTX, hoàn thiện thể chế kinh tế và khắc phục được những bất cập trong thực thi.

Góp ý cho kế hoạch tổng kết, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó trưởng BCĐ Đổi mới, phát triển KTTT Trung ương, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, đánh giá mục tiêu của Nghị quyết đặt ra trong ngắn hạn là đưa KTTT thoát khỏi yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, đóng góp tỷ trọng lớn vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, mục tiêu, giải pháp xác thực rõ ràng chưa có chủ trương đầy đủ.

Trên thực tế, qua làm việc với các địa phương và các bộ ngành đang nổi lên khá nhiều vấn đề. Về mặt tổ chức thực hiện, giữa các địa phương có sự khác nhau, tùy theo sự quan tâm của lãnh đạo. Do đó, kết quả các địa phương khác nhau, các tỉnh Tây Bắc phát triển KTTT rất mạnh, nhưng một số địa phương Đồng bằng sông Hồng chưa quan tâm sâu sắc.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, phương thức sản xuất phổ biến ở nông nghiệp là gắn với chuỗi giá trị. Trong đó, HTX, doanh nghiệp và nông dân liên kết chặt chẽ thì mới phát triển hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn đang còn nhiều vấn đề tồn tại như để phát triển HTX thì công nghệ, xúc tiến thương mại, vốn tín dụng, quyền tài sản về đất đai để các HTX và người dân huy động nguồn lực đầu tư phát triển vẫn còn nhiều vấn đề...

“Cần xác định rõ loại hình HTX tiếp cận theo các thông lệ quốc tế, xác định rõ nội hàm của các HTX, đồng thời Báo cáo tổng kết Nghị quyết cần làm bài bản, sâu sắc, bám sát Nghị quyết 13 NQ/ TW, Kết luận 56 KL/TW và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về phát triển KTTT, làm rõ thực trạng, thể chế tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho HTX, chính sách hỗ trợ, quản lý hành chính nhà nước...”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, vấn đề cốt lõi nhất trong phát triển KTTT là nhận thức. Hiện nay, nhiều người vẫn nhận thức HTX là cái gì nặng nề của cơ chế cũ, nhầm lẫn hay cho rằng phát triển HTX đến mức độ nào đó là thành doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc kiện toàn bộ máy tổ chức phát triển HTX còn nhiều vấn đề. Đội ngũ trực tiếp tư vấn thành lập, hỗ trợ phát triển HTX ở các địa phương thiếu trầm trọng, cán bộ hỗ trợ phát triển HTX còn yếu. Hay HTX là “bà đỡ” cho kinh tế hộ phát triển, trong Nghị quyết đã nêu nhưng chưa rõ nét.

Theo ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, việc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết là cần thiết, làm cơ sở đề nghị Bộ Chính trị có chủ trương mới nhằm đẩy mạnh phát triển KTTT.

“Tổng kết không phải chỉ viết báo cáo mà một lần nữa quán triệt chủ trương của Đảng về phát triển KTTT. Do vậy, các địa phương cần tự nhìn nhận, xác định đúng về vai trò của KTTT. Bên cạnh kiểm tra số lượng, trọng tâm phải đánh giá chất lượng, hiệu quả tính bền vững của các loại hình HTX”, ông Cao Đức Phát lưu ý.

phat-trien-htx-JPG-5355-1541523694.jpg

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại cuộc họp

Tìm động lực mới cho phát triển HTX

Đặc biệt, theo ông Cao Đức Phát, chính sách hỗ trợ phát triển HTX có khá nhiều nhưng thực hiện còn hạn chế, cần làm rõ nguyên nhân tại sao. Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề chính như chính sách đất đai; chính sách tài chính tín dụng (10 HTX thì 9 HTX cho biết khó tiếp cận vốn); chính sách phát triển nguồn nhân lực; xem lại bộ máy quản lý nhà nước trong chỉ đạo, hỗ trợ phát triển KTTT.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nhấn mạnh việc tổng kết phải làm thận trọng, đánh giá cho được hiện trạng HTX hiện nay thế nào (số lượng, chất lượng), chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, quản lý nhà nước, đặc biệt những vướng mắc, rào cản với phát triển KTTT, HTX.

Đặc biệt, cần phải tổng kết cho được những mô hình HTX mới, hoạt động hiệu quả, qua đó nhân rộng các HTX này ra nhiều địa phương.

Khẳng định không chỉ đánh giá thực trạng phát triển HTX cả về số lượng, chất lượng, tính bền vững mà quan trọng là tìm ra động lực phát triển mới cho khu vực KTTT, trong đó nội dung tổng kết phải bám sát Nghị quyết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết, đi vào những vấn đề về thể chế, chính sách nhất là: đất đai; tài chính tín dụng; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực KTTT, HTX.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng BCĐ đổi mới, phát triển KTTT Trung ương, cho rằng nội dung Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT phải đánh giá cho được thực trạng của KTTT hiện nay, cả về mặt số lượng, chất lượng, tính bền vững của loại hình kinh tế này.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời điểm tổng kết cần được tính toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Đại hội Đảng các cấp. Việc tổng kết ở cấp Trung ương do Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.

Thy Lê/https://thoibaokinhdoanh.vn