Tốt từ mô hình đỡ đầu
- Thứ hai - 09/02/2015 05:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong khi đang lúng túng trong hướng phát triển kinh tế, gia đình anh Lê Văn Quý, thôn Áng, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng đã được Huyện đoàn giúp đỡ, tiếp cận với mô hình trồng cây muồng trâu. Không chỉ là định hướng, làm cầu nối liên kết giữa gia đình với doanh nghiệp mà các đoàn viên thanh niên còn giúp đỡ gia đình về nhân lực, ngày công. Anh Quý cho biết: sự giúp đỡ của tổ chức đoàn đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình, ngoài ra, đoàn còn hỗ trợ gia đình di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở và hướng dẫn che chắn, giữ ấm cho gia súc, đảm bảo phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Khác với gia đình anh Quý, gia đình anh Lục Văn Thiệp, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng lại được giúp đỡ về ngày công để xây dựng nhà vệ sinh cải tiến; xử lý nguồn nước giếng đảm bảo vệ sinh và cải tạo môi trường xung quanh nhà ở đảm bảo sạch đẹp, gọn gàng. Anh Nguyễn Duy Toàn, Bí thư Huyện đoàn Hữu Lũng cho biết: triển khai thực hiện mô hình đỡ đầu của Tỉnh đoàn, năm 2014, Hữu Lũng lựa chọn 10 hộ gia đình thanh niên để giúp đỡ. Công tác khảo sát, tìm hiểu được tiến hành trước một bước, từ đó xác định được từng việc cụ thể để giúp đỡ mỗi gia đình.
Không chỉ riêng trên địa bàn huyện Hữu Lũng mà thời gian qua, mô hình đỡ đầu, giúp đỡ các gia đình thanh niên xây dựng gia đình nông thôn mới được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Anh Nguyễn Viết Chung, Phó trưởng Ban Công tác thanh niên, Tỉnh đoàn cho biết: mô hình đỡ đầu là mô hình mới, được triển khai từ năm 2014, phương châm là mỗi huyện chọn 10 hộ gia đình có địa chỉ cụ thể, giúp đỡ bằng nhiều hình thức để gia đình sớm đạt chuẩn hộ gia đình nông thôn mới.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Tỉnh đoàn đã ban hành hướng dẫn. Theo đó đưa ra các tiêu chuẩn hộ gia đình nông thôn mới đó là: gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định tại địa phương, tích cực tham gia các phong trào thi đua tại nơi cư trú; gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tương trợ giúp đỡ cộng đồng; tổ chức lao động, sản xuất kinh doanh , công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả; sản xuất và xây dựng nơi ở theo quy hoạch... Từ đó, các cấp bộ đoàn xin ý kiến cấp ủy, tổ chức khảo sát thực tế và thành lập đội thanh niên xung kích làm nòng cốt để tổ chức giúp đỡ theo kế hoạch. Trong quá trình giúp đỡ có sự phối hợp huy động nguồn lực từ các tổ chức khác. Sau khi giúp đỡ, cấp ủy, chính quyền Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới sở tại sẽ kiểm tra và công nhận gia đình đạt tiêu chuẩn hộ nông thôn mới.
Trong năm 2014, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đỡ đầu, giúp đỡ trên 160 hộ gia đình thanh niên. Anh Nguyễn Viết Chung, Phó trưởng Ban Công tác thanh niên nhận định: mặc dù mới triển khai, nhưng đã có những huyện làm khá tốt vượt kế hoạch và có sáng tạo, nhưng cũng có những nơi vẫn còn hình thức, chưa theo đúng hướng dẫn. Năm 2015, bám sát định hướng của Ban chỉ đạo tỉnh, Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ 120 hộ gia đình có địa chỉ cụ thể. Rút kinh nghiệm, năm nay các bước triển khai sẽ bài bản hơn, cụ thể hơn để đạt hiệu quả cao.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ 2015 của Ban chỉ đạo tỉnh, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao những đóng góp thiết thực của Tỉnh đoàn trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là mô hình đỡ đầu. Mô hình này đã đi đúng hướng bởi muốn xây dựng thành công nông thôn mới, trước tiên phải hình thành được những hộ gia đình nông thôn mới.
Theo: baolangson.vn