Trà Vinh hỗ trợ phát triển hợp tác xã
- Thứ tư - 14/03/2018 04:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tỉnh Trà Vinh đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã trong tỉnh hoạt động hiệu quả. Tỉnh phấn đấu năm 2018, trên 80% hợp tác xã trong tỉnh hoạt động có lãi; trong đó, hợp tác xã xếp loại khá đạt 55% và không còn hợp tác xã hoạt động yếu kém.
Theo đó, hợp tác xã được vay vốn để thay đổi máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm; được cho mượn đất xây dựng trụ sở, cho thuê đất sản xuất… Ngoài ra, các hợp tác xã trong tỉnh còn được ngành chức năng hỗ trợ tiếp thị, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Theo ông Lê Hoàng Y, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh, kể từ khi đưa vào vận hành từ cuối năm 2016 đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã giải ngân tổng số tiền gần 4,8 tỷ đồng hỗ trợ 14 hợp tác xã được vay vốn để phát triển sản xuất. Từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, 10 hợp tác xã trong tỉnh được vay tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hợp tác xã còn được vay vốn từ nguồn của Hội Nông dân, các tổ chức hỗ trợ…
Thực hiện chính sách đất đai, tỉnh hiện có 7 hợp tác xã được Nhà nước cho mượn tạm đất để xây dựng trụ sở làm việc với tổng diện tích gần 500m2; 3 hợp tác xã được cho thuê đất bãi bồi để nuôi nghêu với tổng diện tích 700 ha. Tỉnh Trà Vinh cũng vừa ban hành chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2017-2020. Hiện các đơn vị chức năng đang hỗ trợ thủ tục để các hợp tác xã sớm được thụ hưởng chính sách này.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ hợp tác xã cải tiến chất lượng, bao bì sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thời gian qua, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cùng Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ hợp tác xã tham gia các buổi hội thảo, hội chợ, phiên chợ… để kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 124 hợp tác xã đang hoạt động với tổng vốn điều lệ hơn 142 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa phần các hợp tác xã có quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp, trình độ đội ngũ cán bộ hợp tác xã hạn chế… nên chưa xây dựng được phương thức sản xuất hiệu quả phù hợp với cơ chế thị trường và phát triển bền vững. Toàn tỉnh chỉ có khoảng 37% hợp tác xã hoạt động khá, số còn lại hoạt động ở mức độ trung bình hoặc yếu./.
Thanh Hoà/TTXVN
Nguồn: bnews.vn