Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và Phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam
- Thứ hai - 02/11/2015 04:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phát triển nhanh chóng, ngành thủy sản Việt Nam đồng thời phải đối mặt nhiều nguy cơ: ô nhiễm môi trường; suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi; nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả lại vì dư lượng kháng sinh trong sản phẩm quá mức cho phép; nhiều công ty không thực hiện đủ nghĩa vụ với người lao động. Các nguy cơ này phần lớn do các nguyên nhân chủ quan, đến từ việc thiếu hiểu biết của công ty, người lao động, sự quản lý không chặt của cơ quan quản lý nhà nước hoặc thực hiện không nghiêm túc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Thực hiện TNXH thúc đẩy doanh nghiệp thủy sản bảo vệ môi trường
Ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động từ cảng cá và các khu vực xung quanh các nhà máy thủy sản đã và đang khiến nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng. Lượng chất thải đưa xuống biển khiến các hệ sinh thái, ổ sinh thái quan trọng, rạn san hô, cỏ biển hằng ngày bị ảnh hưởng; đồng thời làm giảm sản lượng thủy, hải sản.
Nhiều công ty, doanh nghiệp chế biến thủy sản, công ty khai thác, nhà máy chế biến bột cá đang gắng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, nâng cao TNXH: xây dựng và vận hành khu xử lý nước thải, đầu tư trồng cây xanh, nạo vét cảng cá, kênh mương, đóng góp quy hoạch bãi rác, dời nhà máy đến khu công nghiệp... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không chú trọng bảo vệ môi trường, không xây dựng khu vực xử lý nước thải, xả trực tiếp ra môi trường. Nhiều doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường mang tính đối phó, chỉ vận hành hệ thống xử lý nước khi có đoàn kiểm tra.
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều thông tin xấu liên quan ô nhiễm môi trường. Việc xả thải ra môi trường của doanh nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng xung quanh, đồng thời tác động ngược lại đối với doanh nghiệp. Sự “vận hành bình thường” của doanh nghiệp trở thành nỗi bức xúc của người dân và cộng đồng xung quanh.
Bảo vệ môi trường luôn phải là hướng đi đúng và cần thiết đối với doanh nghiệp; nó cần được thể hiện trong từng hành động, chính sách và chiến lược phát triển công ty.
Khai thác gần bờ khiến nguồn tài nguyên thủy sản ngày càng cạn kiệt - Ảnh: Huy Hùng
TNXH thúc đẩy doanh nghiệp
sử dụng nguyên liệu bền vững, tránh khai thác cạn kiệt tài nguyên thủy sản
Nguồn lợi thủy sản đã có dấu hiệu tổn thương. Cá nổi nhỏ đã khai thác quá giới hạn cho phép 25 - 30%, làm mất dần khả năng tái tạo, phục hồi mật độ quần thể, đồng thời ảnh hưởng đến nguồn lợi cá nổi lớn (thiếu thức ăn); hải sản tầng đáy cũng bị khai thác quá giới hạn cho phép 30 - 35%, nhiều giống loài hải sản đang có nguy cơ diệt vong.
Phần lớn sản phẩm đánh bắt được cung cấp làm nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến, nhất là chế biển bột cá. Việc sử dụng nguyên liệu bừa bãi, dùng cả cá con, cá nhỏ và cá đang bị cảnh báo khai thác quá mức đã gián tiếp hủy hoại nguồn lợi thủy sản Việt Nam. Nguồn lợi suy giảm, nguyên liệu khan hiếm tác động ngược lại, khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh. Thực hành TNXH, không dùng nguyên liệu cá con, cá đang trong tình trạng khan hiếm và đánh bắt các loài cá quý hiếm, cá bố mẹ đang mùa sinh sản. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tạo nguồn nguyên liệu ổn định.
Uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng trầm trọng
Tình trạng ngư dân sử dụng đạm Urê, hóa chất Choloramphenicol (CAP) bảo quản sản phẩm đánh bắt còn diễn ra, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm; đã nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về do nhiễm hóa chất kể trên.
Việt Nam chưa có hiện tượng sử dụng lao động nô lệ trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, sản phẩm thủy sản Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề. Công nghệ và thực hành bảo quản sản phẩm đánh bắt trên tàu cá còn thô sơ (chủ yếu dùng muối đá, muối mặn, phơi khô), thất thoát 20 - 30% sản phẩm sau thu hoạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, chủ tàu cá thường khai báo các vấn đề liên quan an toàn vệ sinh thực không trung thực hoặc lảng tránh việc xây dựng quy tắc, hệ thống bảo quản thực phẩm cho tàu, doanh nghiệp của mình.
Đối xử bình đẳng với người lao động
Chế độ đối với người lao động có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững công ty. Người lao động chỉ có thể gắn bó với công ty khi thu nhập của họ được đảm bảo, họ được đối xử công bằng và có điều kiện phát huy hết năng lực của mình. Thông qua đó, công ty cũng không bị xáo trộn nhân sự, người lao động yên tâm gắn bó với công ty, không có tâm lý bất mãn, chống phá; nâng cao năng suất làm việc. Làm tốt TNXH đối với công nhân, doanh nghiệp nâng cao được uy tín với cộng đồng và chính quyền; thu hút nhân tài, khẳng định được vị thế đối với khách hàng và người tiêu dùng. Vấn đề sử dụng lao động của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản tại Việt Nam cũng cần được quan tâm. Một số nơi còn sử dụng lao động trẻ em, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có hợp đồng rõ ràng với người lao động, không có đồ bảo hộ lao động và tủ thuốc y tế.
>> Ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong cung cấp dinh dưỡng cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. |